Không được dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu

Thứ sáu, 26/05/2017 23:04
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Theo tờ trình, quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ mà nguyên nhân được nhấn mạnh là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của xử lý nợ xấu. Trong khi đó, nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết.

Về cơ bản, các quy định tại dự thảo Nghị quyết đã tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng (TCTD), VAMC, đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC cũng như thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là toàn bộ nợ xấu hiện tại và nợ xấu sẽ phát sinh trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết.

Trong đó, để bảo vệ quyền chủ nợ, dự thảo quy định một loạt quyền cho VAMC và TCTD như được bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, kể cả bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ. VAMC được mua cả nợ xấu hạch toán trong bảng và ngoài bảng; chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang thành khoản nợ mua theo giá trị thị trường. VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định TCTD được thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ khi có đủ các điều kiện và nhiều quy định để tạo thuận lợi cho hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo.

Dự thảo còn có điều khoản về việc cho phép TCTD được thoái lãi dự thu, hạch toán ngay chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ và giá bán nợ. Theo đó, TCTD được phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu (tính đến 31/12/2016) vào kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm nhưng tối đa không quá 10 năm; được phân bổ dần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ và giá bán nợ vào kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm nhưng tối đa không quá 5 năm...

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm áp dụng thí điểm một số chính sách mới để hỗ trợ xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) là cần thiết và phù hợp. Đại biểu Phạm Văn Hòa, (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là kịp thời, đúng lúc tạo điều kiện cho Ngân hàng thu hồi nợ xấu, đồng thời tạo điều kiện cho người gửi tiền yên tâm. Bởi vì hiện nay ngân hàng sát nhập, Chính phủ, Quốc hội cho phép ngân hàng hoạt động không hiệu quả thì cho giải thể. Như vậy những người cho vay sợ giải thể, ảnh hưởng mặc dù nhà nước vẫn đảm bảo tiền gửi. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần thiết ban hành để phù hợp, tạo công bằng giữa người vay và người cho vay. Vay phải có trách nhiệm trả.

Trên cơ sở đó, một số đại biểu đề nghị cần có hồ sơ báo cáo giải trình rõ vì sao nợ xấu tăng cao, con số nợ xấu hiện nay là bao nhiêu, nguyên nhân phát sinh nợ xấu tăng nhanh, đồng thời phải phân loại cơ cấu nợ xấu. Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đề nghị, cần thiết phải ra nghị quyết để giải quyết vấn đề nợ xấu, nhưng thực chất thì chưa có phân loại, chưa đưa ra những nguyên nhân cụ thể và đồng thời là phân loại các loại nợ xấu. Đại biểu Đỗ Thị Lan bày tỏ băn khoăn khi nghiên cứu hoặc tham gia vào nghị quyết xử lý nợ xấu này.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hồng Diên, (đoàn Thái Bình) đề nghị, quy định thời gian xử lý vấn đề nợ xấu trong 5 năm là phải dứt điểm. Đến thời điểm 31-12-2016 nợ xấu đã gây hậu quả tai hại cho nền kinh tế đất nước thì chúng ta buộc phải xử lý. Đại biểu Nguyễn Hồng Diên đề nghị: “Từ sau thời điểm này các tổ chức tín dụng phải chủ động xử lý những rủi ro theo các quy định của luật hiện hành. Bởi nếu chúng ta không quy định như thế dễ dẫn tới thời điểm từ sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết này, các tổ chức tín dụng với các đối tác có thể hợp thức hóa nợ không xấu làm cho nó xấu. Cứ như vậy nhà nước này đến bao giờ trả nợ thay cho những đối tượng này được.”

Nhấn mạnh nguyên tắc không được sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, đại biểu Đoàn Hồng Phong, (đoàn Nam Định) cho rằng, không được dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu. Theo đại biểu Đoàn Hồng Phong, vấn đề này quan trọng, không cẩn thận chúng ta biến tiền ngân sách chuyển vào xử lý cho các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Đại biểu Đoàn Hồng Phong đề nghị, nên có nguyên tắc dứt khoát ở đây. Nhất trí ra Nghị quyết nhưng phải ra quy định xử lý tổ chức cá nhân làm ăn thua lỗ ảnh hưởng đến nền kinh tế một cách nghiêm minh hơn đảm bảo răn đe, ngăn chặn kịp thời.

Một số đại biểu nêu thực tế kinh nghiệm giải quyết nợ xấu tại một số nước trên thế giới, với  5 giải pháp xác định đánh giá tài sản nợ xấu minh bạch. Bởi vậy Việt Nam cũng phải có cơ chế theo lộ trình này và cần có cơ quan thẩm định độc lập khách quan để xác định nguồn gốc. Việc mua lại nợ xấu của ngân hàng thông qua công ty xử lý nợ nước ta là VAMC nhưng quá ít ỏi, cuối năm 2016 mới xử lý hơn 50 ngàn tỷ trong 611 nghìn tỷ.

Đại biểu Lê Thanh Vân, (đoàn Cà Mau) đề nghị, với khoản nợ xấu lớn như vậy mà chúng ta định dự kiến xử lý trong vòng 5 năm với năng lực xử lý nợ như chúng ta hiện nay tôi e khó có thể xử lý rốt ráo được. 

Thứ hai, thời điểm chúng ta khoanh lại các khoản nợ xấu  hay chốt sổ 31/12/216 tôi không biết có phù hợp không vì từ thời điểm 31/12 cho đến thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết thì khoản nợ xấu ấy tiếp tục nảy sinh tính  như thế nào. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ giải trình, giới hạn 5 năm là chưa yên tâm lắm.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Theo đó đa số đại biểu nhất trí việc cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm làm cơ sở để lành mạnh hóa nguồn vốn, và để xử lý nợ xấu trong thời gian tới./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực