Không để công tác phòng ngừa tội phạm đi sau, chữa cháy

Thứ ba, 04/09/2018 20:31
(ĐCSVN) – “Lâu nay chúng ta thấy rằng khi tội phạm xảy ra rồi thì chúng ta tích cực xử lý, xử lý nghiêm và được hoan nghênh nhưng điều đáng ngại nhất là sự chậm trễ, hiệu lực kém thậm chí có những trường hợp bất lực. Tức là công tác phòng ngừa tội phạm, giảm thiểu tội phạm có hiện tượng đi sau tội phạm, chủ yếu là chữa cháy ngày càng diễn ra nhiều hơn”.

Chiều ngày 4/9, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục thảo luận cho ý kiến vào báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp Trung ương trong năm 2018.

Đề cập đến sai phạm phát hiện trong một số cơ quan phòng chống tội phạm như vụ đường dây đánh bạc có liên quan đến các lãnh đạo tại Tổng Cục cảnh sát - Bộ Công an, sai phạm tại các cơ quan quản lý nhà nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua…, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư (Hà Nội) cho rằng việc xác định các loại tội phạm vừa qua được làm rất tốt nhưng trong các vụ án này rõ ràng có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Việc xử lý các tội phạm này cần đánh giá được nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, chỉ ra được gốc rễ từ đâu để phòng ngừa, xử lý.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Khi đề cập đến một số vụ nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm như vụ đánh bạc tại C50, một số vụ do sỹ quan cao cấp trong công an, quân đội thực hiện thì Ủy ban Tư pháp và dư luận cử tri đánh giá rất cao việc Bộ Công an thẳng thắn, đấu tranh rất cương quyết, để đưa những vụ này ra ánh sáng. Điều này thể hiện rằng, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) nói riêng và đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung hiện nay là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nhưng mặt khác cũng cho thấy, trước đây Ủy ban Tư pháp cũng đã có đánh giá, là có tham nhũng ngay trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng và tội phạm cũng xảy ra ngay trong một số bộ phận của cơ quan phòng, chống tội phạm thì đó là việc rất là lớn.

“Khi nhìn nhận vấn đề này thì cần nhìn nhận cả hai mặt vì tác động đến lòng tin của người dân và kỷ cương, kỷ luật”, bà Nga nói.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp (ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên họp.
(Ảnh: P.Thảo).

Đồng  quan điểm, ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp (ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nhận xét, hiện các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này có hiện tượng đi chậm, đi sau tội phạm. Nhiều hành vi phạm tội công khai, kéo dài, quy mô lớn như: hiện tượng cát tặc hoành hành, những vụ án liên ngân hàng cũng diễn ra liên tục kéo dài từ 5 -10 năm, hay dự án có vấn đề đắp chiếu, trùm mền, tham nhũng, tiêu cực, những vụ như Vũ "nhôm", Út "trọc" dư luận đồn đại nhiều, đến các địa phương đều nói nhưng các cơ quan chức năng vào cuộc chậm. Trong khi, mục tiêu cao nhất phải là phòng ngừa để hành vi phạm tội không xảy ra, xảy ra nhiều thì giảm thiểu để xảy ra ít, quy mô nhỏ chứ không phải “chờ án giết người xảy ra rồi đi bắt tội phạm”.

“Lâu nay chúng ta thấy rằng khi tội phạm xảy ra rồi thì chúng ta tích cực xử lý, xử lý nghiêm và được hoan nghênh nhưng điều đáng ngại nhất là sự chậm trễ, hiệu lực kém thậm chí có những trường hợp bất lực. Tức là công tác phòng ngừa tội phạm, giảm thiểu tội phạm có hiện tượng đi sau tội phạm, chủ yếu là chữa cháy ngày càng diễn ra nhiều hơn”, ông Nghĩa thẳng thắn nói.

Ông Nghĩa cũng lưu ý đến các loại tội phạm mới như tiền ảo, huy động kiểu đa cấp.. thiệt hại xảy ra rất lớn, cần có nghiên cứu rất sâu để có cơ chế cần thì bổ sung pháp luật.

Ông Dương Ngọc Hải, thành viên Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đề nghị báo cáo Chính phủ cần có đánh giá bao quát hơn, vậy tình hình tội phạm tăng hay giảm?. Việc khám phá án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong đó trộm cắp và cướp giật tài sản đánh giá là thấp, song thấp vì sao?. Đối với tội phạm tham nhũng, đề nghị đánh giá tỷ lệ khám phá tội phạm tham nhũng là bao nhiêu, ở địa phương thấp là bao nhiêu?.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực