Không đặc xá đối với người phạm tội chống phá cơ sở giam giữ

Thứ hai, 19/11/2018 17:24
(ĐCSVN) - Chiều ngày 19/11, với 92,99% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi), trong đó bổ sung quy định không đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội chống phá cơ sở giam giữ.

Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 6 Chương, 39 Điều quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Trước đó, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Luật bổ sung quy định không đề nghị đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội chống phá cơ sở giam giữ.

Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể trong mỗi đợt đặc xá, Luật giao cho Chủ tịch nước quyết định không đặc xá đối với các trường hợp khác.

Quốc hội thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi) với 92,99% tổng số đại biểu tán thành. Ảnh: TH.

Về điều kiện thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định đã thực hiện được một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác là bao nhiêu, UBTVQH xin báo cáo như sau: Tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, mỗi đợt đặc xá có hàng nghìn, thậm chí hơn chục nghìn phạm nhân được đặc xá. Mỗi phạm nhân bị kết án về các tội danh, mức hình phạt, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự, cũng như hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Nếu quy định cụ thể “đã thực hiện được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác” là bao nhiêu có thể sẽ không bao quát hết các trường hợp trong thực tế.

Liên quan đến thời điểm đặc xá, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, có nhiều ý kiến tán thành với quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt). Cũng có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, theo UBTVQH, quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật là kế thừa Luật hiện hành, thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật nước ta và thực tiễn thực hiện không phát sinh vướng mắc. Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, chưa có nước nào quy định cụ thể trong Luật về tần suất thực hiện đặc xá mà giao cho Người đứng đầu Nhà nước quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực