"Hiếm có quốc gia nào phân bổ mỗi tỉnh một dự án"

Thứ hai, 29/10/2018 11:29
(ĐCSVN) – “Khi đánh giá kế hoạch thực hiện đầu tư công thì cụm từ “đầu tư dàn trải” dường như trở nên quen thuộc” – đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) phát biểu.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) phát biểu tại hội trường (Ảnh: KT)

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình), Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh)... bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về tài chính, ngân sách, đầu tư công, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về tài chính ngân sách, đầu tư công trong thời gian qua.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại và góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) phát biểu, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thực hiện 3 năm. Đây không phải thời gian dài nhưng cũng đủ để nhìn nhận những bước tiến mới, kết quả đạt được và cả khó khăn, thách thức đang đặt ra để khẳng định đổi mới là cần thiết, đúng đắn. Những cố gắng của Chính phủ, của các cấp, các ngành là thực sự đáng ghi nhận.

Trong bài phát biểu, đại biểu đề cập đến 2 vấn đề được coi là những khó khăn, thách thức trong thực hiện đầu tư công.

Khó khăn đầu tiên được vị đại biểu này nhắc đến là tính dàn trải trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. “Khi đánh giá kế hoạch thực hiện đầu tư công thì cụm từ “đầu tư dàn trải” dường như trở nên quen thuộc” – đại biểu nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phân tích, tổng mức đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Hiện nay, ở rất nhiều địa phương, số lượng dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Đặc biệt, đối với nguồn trái phiếu chính phủ, 64 tỉnh, thành phố, mỗi địa phương được phân bổ 1 dự án (trong khoảng 260.000 tỷ đồng).

“So sánh với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới thì số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta thực sự là rất lớn, cũng hiếm quốc gia nào có phương pháp phân bổ là mỗi tỉnh thành có một dự án. Kinh nghiệm của các nước cho thấy nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước hầu như chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, có tính tác động toàn xã hội” – đại biểu so sánh.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, mong muốn của các địa phương muốn có dự án lớn là chính đáng, cần thiết. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất tăng bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, tránh dàn trải. “Công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số dự án, địa phương được chú trọng mà cần có trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm, có lộ trình thích hợp để dần hoàn thiện bức tranh đầu tư công trên phạm vi toàn quốc” – đại biểu nói thêm.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu kiến nghị, cần cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực, theo đó cần tuân thủ trật tự ưu tiên được quy định ở các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, việc đề xuất dự án cần có sự liên kết của nhiều địa phương trong cùng khu vực vì lợi ích chung, để khắc phục tình trạng có quá nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng thiếu dự án có quy mô lớn mang tính lan tỏa vùng miền.

Đại biểu cũng lưu ý, cần chú trọng công tác quy hoạch bởi “một quy hoạch kém sẽ cho ra đời những dự án dàn trải”. Đồng thời cần thực hiện nghiệm nguyên tắc, Nhà nước chỉ thực hiện đầu tư ở ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể, không muốn đầu tư.

Vấn đề khác được đại biểu đề nghị là cần xem lại hiệu quả đầu tư của các dự án hoàn thành. Lí giải cho đề nghị này, đại biểu phát biểu: “Theo báo cáo của Chính phủ thì số dự án hoàn thành là rất lớn, dự kiến đến hết năm 2018 tổng số dự án hoàn thành là 6.290 dự án, nhưng xét dưới góc độ kết quả đầu ra thì hiện chưa có báo cáo nào khẳng định là tất cả dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hàng nghìn công trình hoàn thành, có bao nhiêu dự án hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu chưa hiệu quả thì hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần hoàn thiện bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngay từ khi lựa chọn dự án thì phải đánh giá đầu ra và hiệu quả tương xứng với nguồn lực đầu tư...

“Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bước sơ kết hôm nay cũng là chuẩn bị cho bước tổng kết 2 năm sau và chuẩn bị khởi động cho giai đoạn mới. Việc đánh giá, nhìn nhận chính xác những bất cập ngày hôm nay là tạo tiền đề cho những bước hiệu quả trong thời gian tới” – đại biểu chốt lại phát biểu.

Quan tâm tới hiệu quả của các dự án, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cũng đánh giá, báo cáo chưa nêu được có bao nhiêu dự án đầu tư hiệu quả, chưa hiệu quả… Vì thế, cần xem có dự án nào chưa hoàn thành, tiến độ chậm, và Chính phủ cần xử lý nghiêm.

Đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, bổ sung báo cáo các dự án sai phạm trong thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án được thu hồi, để rút kinh nghiệm cho các dự án đầu tư công sắp tới.

Qua theo dõi việc dự toán và quyết toán hàng năm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đánh giá, cân đối ngân sách Trung ương là hết sức khó khăn, tỷ lệ bội chi cho ngân sách vẫn còn ở mức cao. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần phải đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cụ thể về khả năng cân đối nguồn vốn sau tổng hợp tất cả các nguồn, kể cả nguồn vốn mới phát sinh thì mới bảo đảm mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 không vượt mức 2 triệu tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho hay, cần cân đối bố trí vốn các công trình từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; phân bổ vốn dự phòng chung giai đoạn 2016 - 2020 cần tính đến dự phòng để xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh; việc sử dụng vốn nước ngoài đầu tư xây dựng đường cao tốc cần thực hiện đúng các Nghị quyết của Quốc hội và Bộ Chính trị…

Những vấn đề này sẽ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường trong chiều nay./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực