Đưa nghệ thuật opera đến gần hơn với công chúng Việt Nam

Thứ ba, 03/09/2019 11:26
(ĐCSVN) - Trong nền âm nhạc mới Việt Nam, opera có một vị trí quan trọng, góp phần làm cho đời sống âm nhạc thêm phong phú. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nền nghệ thuật opera chuyên nghiệp mang tính bền vững, ổn định.

Nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9), phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, xung quanh nghệ thuật opera và công tác đào tạo ca sĩ hát opera hiện nay.

 NSƯT Quốc Hưng đón nhận danh hiệu NSND từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX - 2019, ngày 29/8/2019. (Ảnh: Nguyễn Hòa)

PV: Thưa ông, trước hết xin chúc mừng ông vừa có vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Là một nghệ sĩ hát opera, đồng thời là một nhà giáo, nhà nghiên cứu về nghệ thuật opera, ông có thể cho biết vị trí của opera trong đời sống xã hội?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng: Xin cảm ơn quý Báo về lời chúc mừng và sự quan tâm đến đời sống âm nhạc nói chung, nghệ thuật opera nói riêng. Danh hiệu cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi, những người làm nghệ thuật tiếp tục nỗ lực trong nghề nghiệp nhiều vinh quang nhưng cũng không ít gian nan, nghiệt ngã của mình.

Opera là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp, được ra đời tại Italia. Hơn 4 thế kỷ qua, opera đã lan tỏa mạnh mẽ đến các nước có nền âm nhạc phát triển trên thế giới. Đức, Italia, Pháp, Nga… là những nước đã xây dựng được cốt cách và một hệ thống văn hóa riêng về opera từ đội ngũ sáng tác, kịch mục, ca sĩ đến công chúng thưởng thức. 

Do tính biểu cảm khá cao và nội dung của nó cho phép phản ánh được những sự kiện lớn mang tính nhân bản và thời đại, nên opera cũng đã xuất hiện ở Việt Nam. Từ những năm 60 - 80 của thế kỷ XX, âm nhạc mới nước nhà đã tiếp cận, tiếp nhận và thực hành với thể loại opera thông qua một số vở: Eugeni Onegin của Tchaikovsky, Cô Sao, Người tạc tượng (Đỗ Nhuận), Bên bờ K’rông Pa (Nhật Lai), Núi rừng lên tiếng (Triều Tiên), Ruồi trâu (Liên Xô)…

Nghệ thuật opera có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của hàng triệu người trên thế giới. Sự kết hợp giữa âm nhạc và sân khấu, của các hình thức biểu diễn thanh nhạc như đơn ca, hợp ca, hợp xướng, dàn nhạc, kết hợp cùng bài trí sân khấu phong phú, đa dạng tạo nên một nghệ thuật đặc biệt. 

 Quá trình hơn 4 thế kỷ hình thành và phát triển, opera đã trở thành một trong những loại hình nghệ thuật được phổ cập và yêu mến ở những nước có nền âm nhạc phát triển. Sự yêu thích và được công nhận rộng rãi của nghệ thuật opera như vậy, trước hết là do sức mạnh của những tác dụng tư tưởng, cảm xúc, mang những giá trị thẩm mỹ, điều mà opera biểu hiện với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp.

Ở nhiều nước có nền âm nhạc bác học phát triển, ca sĩ opera luôn được đánh giá cao, theo đó công chúng luôn dành cho họ những tình cảm tốt đẹp và kính trọng nhất.

 NSƯT Quốc Hưng trình diễn ca khúc "Dấu chân phía trước" trong chương trình "Quà tháng Năm dâng Người" tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/5/2019. (Ảnh: Nguyễn Hòa)

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của nghệ thuật opera ở Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng: Trong nền âm nhạc mới Việt Nam, opera có một vị trí quan trọng, góp phần cho đời sống âm nhạc thêm phong phú. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì thấy rằng, chúng ta vẫn chưa thực sự có một nền nghệ thuật opera chuyên nghiệp, mang tính bền vững, ổn định. Chẳng hạn, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã ra đời được hơn 50 năm nhưng chưa có được một lực lượng ca sĩ hát opera tương xứng nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức hút đối với khán giả. 

Trong khi đó, đời sống ca hát đại chúng lại có phần phát triển theo xu hướng có chất lượng không cao. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã thẳng thắn nhìn nhận: “Tình trạng nghiệp dư hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên”. 

Theo tôi, một loại hình nghệ thuật kinh điển hàn lâm như opera phải là hạt nhân cho việc xây dựng và phát triển một nền nghệ thuật ca hát chuyên nghiệp và là điểm tựa cho sự cân bằng các khuynh hướng ca hát đại chúng, để sao cho phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc đối với công chúng Việt Nam. 

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng nghệ thuật opera Việt Nam chưa thực sự phát triển?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng: Tôi cho rằng, để nghệ thuật opera Việt Nam thực sự phát triển phải bắt đầu từ định hướng của ngành chủ quản. Hiện nay, trong công tác đào tạo mới chỉ tập trung vào lĩnh vực thanh nhạc, chưa có đào tạo chuyên sâu về diễn viên opera. Trong khi opera là một nghệ thuật tổng hợp, bên cạnh tiêu chuẩn giọng hát tốt, người ca sĩ cần phải thành thạo cả kỹ năng diễn xuất, kỹ năng nhảy múa và thể hiện cảm xúc trên sân khấu…

Có một thực tế cần nhìn nhận đó là tại Việt Nam hiện nay, chưa thực sự có lĩnh vực đào tạo ca sĩ hát opera một cách chuyên nghiệp và bài bản. Ngay tại trung tâm đào tạo âm nhạc lớn nhất đất nước hiện nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng mới chỉ đào tạo tập trung vào chuyên ngành thanh nhạc. 

Việc đào tạo sinh viên thanh nhạc thành ca sĩ hát opera, ngoài quy trình đào tạo ở trong trường, thì yếu tố xã hội cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Không khí âm nhạc chuyên nghiệp ở miền Bắc nước ta những năm 60, 70 của thế kỷ XX diễn ra hết sức sôi nổi. Dẫu đời sống vật chất vô cùng khó khăn, có những năm tháng phố phường, làng xã bị bom đạn của quân thù tàn phá ác liệt, nhưng âm nhạc vẫn luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của người dân, những buổi biểu diễn vẫn luôn có nhiều khán giả tới thưởng thức. 

Trong vấn đề nhận thức mang tính vĩ mô, cũng phải nói rằng sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, nhất là trong những năm tháng của công cuộc đổi mới, âm nhạc Việt Nam nói chung và opera nói riêng không còn nhận được sự quan tâm như trong quãng thời gian trước đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này phải kể tới, đó là ngành văn hóa thiếu cái nhìn mang tính chiến lược cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật đỉnh cao này. 

Có lẽ do nhận thức và đánh giá không đúng của một số nhà quản lý về vai trò của âm nhạc trong thời kỳ đổi mới, của nghệ thuật opera trong ngôi nhà chung âm nhạc Việt Nam nên dẫn tới nhiều giá trị âm nhạc đã bị đảo lộn, opera không được coi trọng. Vấn đề này tạo nên sự bức xúc không chỉ cho giới làm nghề chân chính mà ngay cả đối với những người đã từng làm lãnh đạo như Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Trung Kiên. Bằng tâm huyết về nghề, có lần ông từng thẳng thắn nói trên báo chí: “Sinh ra nhạc opera để làm gì, các ca sĩ học khổ sở bao năm trời để làm gì, trong khi mấy ca sĩ nhí nhố ăn mặc hở hang, phản cảm, chẳng học chẳng hành được tung hô ca ngợi lên tận mây xanh? Những điều đó là những điều mình phải bàn, và mình phải chăm lo cho những nghệ thuật đứng đắn của mình”.

Trong âm nhạc, nếu lấy thước đo là số lượng công chúng phổ thông để đánh giá về chất lượng nghệ thuật trong tác phẩm, đó là điều hết sức sai lầm. Thực tế mấy năm gần đây, điều đó đã và đang xảy ra trong đời sống âm nhạc nước nhà. Nếu không có chiến lược và sách lược đúng đắn của các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, thì khó có thể thu hút được nhân tài, những người được đào tạo nghiêm túc. Theo đó, nghệ thuật opera tất yếu sẽ bị mai một.

NSƯT Quốc Hưng trình diễn trong Gala opera tại Phòng hòa nhạc lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ngày 22/6/2015. (Ảnh: Đỗ Quyên)

PV: Từ thực tế đời sống âm nhạc hiện nay, cần có những giải pháp gì để thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật opera ở Việt Nam, thưa ông?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng: Theo tôi, cần coi lĩnh vực đào tạo ca sĩ hát opera tại Việt Nam là điều cấp bách. Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có một chính sách cụ thể cả về chuyên môn cũng như vật chất và sự đãi ngộ cho những nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật opera tại Việt Nam. Cần có những điều chỉnh phù hợp trên cả phương diện về đường lối chính sách lẫn kinh tế vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trước mắt, để từng bước vực dậy sức sống vốn có của nghệ thuật opera ở nước nhà.  

Ngay từ lúc này phải cử và gửi một số sinh viên và giảng viên trẻ - những người có tài đức, có lòng say mê và trách nhiệm đối với nghệ thuật opera - sang những nước có nền nhạc kịch phát triển để tu nghiệp. Hết thời gian học tập, họ phải về nước làm việc, giảng dạy tại các nhạc viện, học viện. Đây là cách thức tốt nhất để bổ sung đội ngũ giảng viên thanh nhạc và nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp cho các nhạc viện, học viện hiện nay.  

Cần có những việc làm thiết thực để mở đường cho sự trở lại của opera trên sân khấu ca nhạc nước nhà. Cụ thể là, nên hạn chế bớt những hội thi, hội diễn ít có tính nghệ thuật, nghèo nàn về nội dung tư tưởng, mà nên tập trung và tổ chức thi hát thính phòng theo định kỳ. Trước những cuộc thi này, nên có kế hoạch quảng bá rầm rộ để thu hút công chúng đến với cuộc thi. Thông qua giọng hát của các ca sĩ, công chúng sẽ dần hiểu và thẩm mỹ dần được định hướng, chắc chắn họ sẽ ngày một yêu hơn loại hình nghệ thuật này. Đó có lẽ cũng là cách làm hữu hiệu để xây dựng một lớp công chúng có trình độ hiểu biết nghệ thuật opera trong tương lai.

Nên có chính sách ưu tiên, đãi ngộ để thu hút nhân tài đối với những sinh viên, ca sĩ được giải trong các cuộc thi hát opera. Tạo công ăn việc làm cho họ trong những không gian và môi trường nghệ thuật nghiêm túc, để họ không bị thui chột tài năng.

Nếu thực sự quan tâm đến nghệ thuật opera, thì một điều không thể thiếu đó là nên xây dựng Opera studio trong các nhạc viện và học viện. Ở các quốc gia có nền nhạc kịch phát triển, họ đều có Opera studio nằm trong nhạc viện để vừa phục vụ công tác đào tạo, vừa để cho sinh viên thực hành và tổ chức biểu diễn opera. 

Bên cạnh công tác đào tạo, sử dụng nhân tài, Nhà nước cần có kế hoạch đặt hàng hoặc hỗ trợ kinh phí cho một số nhạc sĩ có khả năng viết các tác phẩm nhạc kịch, bởi không nên lệ thuộc hoàn toàn vào các tác phẩm của nước ngoài. Song song với những tác phẩm kinh điển thế giới, cần có những tác phẩm nhạc kịch của tác giả Việt Nam. Đây cũng là một khâu khá quan trọng trên con đường phục hồi và khẳng định bản sắc của nghệ thuật nhạc kịch nước nhà.

Con đường để trở thành một ca sĩ opera không phải là đơn giản, mà họ phải trải qua một quá trình đào tạo lâu dài ở các nhạc viện, nhà hát… và nhiều người ngay cả khi đã trở thành ca sĩ, vẫn phải theo thầy chuyên môn để học tập. Cho nên, vấn đề đào tạo ca sĩ hát opera một cách chính quy, bài bản luôn là một trong những nhu cầu cấp thiết, không chỉ với lĩnh vực đào tạo âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên toàn thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cách đây 59 năm, ngày 3/9/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy dàn nhạc hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca "Kết đoàn" tại Công viên Bách thảo Hà Nội, nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Từ sự kiện ý nghĩa đó, ngày 26/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1722/QÐ-TTg đồng ý với đề nghị của Hội Nhạc sĩ Việt Nam lấy ngày 3/9 hằng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam hằng năm phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, với mục đích động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thành Tâm (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực