Để lãng phí phải lộ diện trước ánh sáng pháp luật!

Thứ ba, 11/04/2017 14:21
(ĐCSVN) – Lâu nay, chúng ta hay nhắc tới cụm từ “tham nhũng, lãng phí”, chúng được ví như đôi bạn thân, tuy nhiên tham nhũng thì có thể “điểm mặt chỉ tên”, còn lãng phí lại rất vô hình, khó định tính, định trách nhiệm…

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định. Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế, đảm bảo đạt chỉ tiêu giảm 1,5 đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015.

Trước đó, tuyên thệ trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội… quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân”.

Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ trong tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên nhiều phương diện: quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước; tinh giản biên chế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính …

Tuy Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi có hiệu lực được gần 3 năm, nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng lãng phí trên nhiều lĩnh vực.Thực tế cho thấy, tình trạng lãng phí trong đầu tư công là rất nghiêm trọng!.

Nhà máy đạm Ninh Bình đầu tư với số vốn 12.000 tỉ đồng, 4 năm đi vào hoạt động mỗi năm lỗ gần 2.000 tỉ đồng.

(Ảnh: dantri.com.vn).

 

Cử tri, người dân không khỏi xót xa trước nhiều  dự án, công trình ngàn tỉ được đầu tư xây dựng từ những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân nay để hoang hóa, dở dang, kém hiệu quả như: Nhà máy đạm Ninh Bình đầu tư với số vốn 12.000 tỉ đồng, 4 năm đi vào hoạt động mỗi năm lỗ gần 2.000 tỉ đồng. Hay dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỉ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai…

Thêm vào đó, khởi công, động thổ, họp hành tràn lan; mua sắm ô tô, xây trụ sở hoành tráng trong khi ngân sách còn khó khăn cũng gây lãng phí nhiều thời gian, ngân sách nhà nước…

Chỉ cần làm phép tính nhẩm, nếu mỗi năm hạn chế được một vài đại dự án “đắp chiếu” hay việc  xây dựng các trụ sở hoành tráng thì có thể xóa đói, giảm nghèo được cho không ít địa phương khó khăn; đầu tư các điểm trường, trạm xá cho các huyện nghèo…

Đó là chưa kể tới lãng phí trong chính sách với các văn bản pháp luật chưa ra đời đã "chết yểu" hoặc ra đời nhưng không mang tính khả thi; hay lãng phí thời gian, ngân sách nhà nước khi phải trả tiền lương cho một số đội ngũ cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’’. Quả thật sự lãng phí này là rất khó cân đo, đong đếm…!

Ở đây, đôi khi ranh giới giữa lãng phí và tham nhũng lại rất mong manh!.Tham nhũng thì có thể "điểm mặt, chỉ tên" và bị coi là tội phạm nhưng lãng phí thì lại rất vô hình, khó định lượng, dường như chỉ bị coi là khuyết điểm, trong khi thực tế lãng phí nhiều trường hợp gây hậu quả và thiệt hại lớn hơn rất nhiều.

Mặc dù  Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi đã quy định trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng lãng phí nhưng thực tế như Đại biểu Quốc hội  Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói trên diễn đàn Quốc hội: “Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí”. Đây cũng là thách thức không nhỏ trong việc  thực hiện các mục tiêu của chương trình trên.

Người đứng đầu Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm, vấn đề còn lại là sự vào cuộc quyết liệt, sự nêu gương, chuyển mình của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong tổ chức thực hiện mục tiêu đặt ra. 

Theo đó, để ngăn ngừa lãng phí, trước hết phải có hệ thống pháp luật kín kẽ, chính sách rõ ràng, với chế tài mạnh để "trói" được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây lãng phí; đưa thứ được xem là “vô hình” hay “căn bệnh trên trời” như lãng phí phải lộ diện trước ánh sáng pháp luật, công lý.

Cùng với việc tinh giảm bộ máy biên chế, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cấp cũng cần phải có cơ chế  giám sát thiết thực, hiệu quả hơn. Có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng diệt tận gốc loại“virus” mang tên “lãng phí”!.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực