Đại biểu Quốc hội thể hiện nhiều băn khoăn với dự án Luật Kiến trúc

Thứ năm, 08/11/2018 17:41
(ĐCSVN) – Lần đầu thảo luận dự án Luật Kiến trúc, nhiều đại biểu phản ánh tài liệu dự án Luật rất mỏng, khiến đại biểu không có nhiều thông tin khi đánh giá các điều khoản cụ thể.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) phát biểu thảo luận (Ảnh: Kim Thanh)

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Kiến trúc. Đây là dự án Luật lần đầu được lấy ý kiến tại Quốc hội.

Theo các đại biểu, đây là một dự án luật có tính chuyên ngành, kỹ thuật rất cao và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một dự thảo Luật Kiến trúc khá hoàn chỉnh để trình Quốc hội.

Thế nhưng, nhiều đại biểu phản ánh về việc tài liệu dự án Luật được gửi đến đại biểu Quốc hội rất mỏng, khiến đại biểu không có nhiều thông tin khi đánh giá các điều khoản cụ thể.

Dù vậy, đa số các đại biểu thể hiện sự đồng tình thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự luật khi mục tiêu, tư tưởng chủ đạo của dự luật vẫn chưa rõ.

Tranh luận điều kiện hành nghề kiến trúc

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) tán thành quan điểm phải ban hành Luật Kiến trúc. Bởi, đây là vấn đề rất cần được quan tâm, tạo nên bộ mặt đô thị, đất nước. “Thời gian quá dài, từ nhận thức tới các quy định của pháp luật chưa đầy đủ. Kiến trúc đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, như nhà ống từ Nam chí Bắc, rồi những môi trường cảnh quan rất đẹp bị phá vỡ...thì thấy đã đến lúc báo động về kiến trúc, cần có luật quy định” – đại biểu phát biểu.

Góp ý về quy định cụ thể, quan tâm tới hành nghề kiến trúc, đại biểu bày tỏ quy định tại dự luật quá nặng về thủ tục hành chính, có thể gây phiền hà với những người mong muốn có giấy phép hành nghề kiến trúc. Chẳng hạn, quy định 3 năm hành nghề kiến trúc mới được cấp chứng chỉ là không khả thi, cứng nhắc.

Đại biểu cho rằng, kiến trúc là sáng tạo không phải nhiều năm kinh nghiệm là làm đẹp được ngay, có những người vừa ra trường nhưng tính sáng tạo cao họ vẫn thiết kế ra các công trình đẹp. “Nếu quy định cứng 3 năm mới được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ không phù hợp với đặc thù lĩnh vực này", đại biểu nêu quan điểm.

Thậm chí, thay vì cấp chứng chỉ hành nghề, đại biểu đề nghị, dự luật nên quy định chặt hơn điều kiện như thế nào thì được hành nghề kiến trúc; bổ sung quy định những người không được hành nghề, căn cứ vào đó sẽ hậu kiểm.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) đề xuất nên xây dựng luật này theo hướng tạo hành lang pháp lý cho các kiến trúc sư đủ điều kiện hành nghề và hành nghề với trách nhiệm nhất. Theo đại biểu, khi xác định đây là luật nghề nghiệp thì sẽ xây dựng hồ sơ luật tập trung vào phát triển nghề nghiệp, đảm bảo các kiến trúc sư khi tham gia hành nghề có đầy đủ năng lực, khả năng làm nghề một cách tốt nhất.

Cũng về nội dung này, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, dự thảo Luật cần thể hiện rõ ràng hơn về chủ thể là kiến trúc sư, đặc biệt, cần đề cập thêm về vai trò của Kiến trúc sư trưởng vì hiện nay kiến trúc sư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, khi nhận thiết kế sản phẩm chủ yếu là thuê kiến trúc sư người Việt Nam thực hiện, sau đó lại bàn giao sản phẩm với tên gọi của kiến trúc sư người nước ngoài.

Đại biểu cũng chỉ ra những điểm sót trong dự thảo Luật như: thiếu những quy định về Hội đồng kiến trúc, chưa nói rõ được vai trò của tổ chức hội nghề nghiệp. Đại biểu cũng cho rằng cần phải quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của người hành nghề kiến trúc trước những công trình bị thiết kế sai phép, sai quy hoạch làm méo mó bộ mặt đô thị dẫn tới những hệ quả cho công tác quy hoạch...

Chưa thể hiện nét riêng, mang tính bản sắc văn hóa dân tộc

Tham gia ý kiến, nhiều đại biểu tiếp cận dự luật ở khía cạnh văn hóa, sáng tạo.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) băn khoăn về những quy định trong quản lý nhà nước về kiến trúc vốn là những yếu kém, nguyên nhân của những bất cập trong thời gian qua nhưng luật lại tập trung chủ yếu vào vấn đề mô hình hoạt động.

Đại biểu đặt vấn đề: Vậy chính quyền địa phương có công trình xây dựng mà kiến trúc không đúng luật, vậy cơ quan nào sẽ xử lý? quy trình xử lý thế nào?, nhất là những công trình văn hóa. Hiện nay cả nước có khoảng hàng chục nghìn công trình văn hóa có kiến trúc hơn 500 năm nhưng khi bảo tồn có tuân thủ những kiến trúc xưa hay không? Có bảo tồn được những kiến trúc xưa hay không? Nếu vi phạm thì xử lý thế nào?. Từ đó, đại biểu đề nghị cần có quy định để quản lý, từ đô thị cho đến nông thôn.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) cũng cho rằng, quan trọng nhất của quản lý kiến trúc là phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó mới là mục tiêu chứ không phải chỉ vấn đề quản lý.

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP. Hồ Chí Minh) băn khoăn, dự luật này phải làm sao không chồng chéo với Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng. Điều dự luật làm được phải là vừa bảo vệ được di sản kiến trúc, kể cả nhân tạo, tự nhiên đồng thời phát huy được quyền tự do sáng tạo về mặt kiến trúc. Ví dụ như có những công trình, tòa nhà người này nói kiến trúc phản cảm, người khác lại thế đẹp. “Có nên khôi phục lại văn phòng kiến trúc sư trưởng?, bởi lẽ đây là nơi xác định hồn của đô thị, xác định vùng nào bảo tồn, vùng khác phát triển và điều này rất khác với sở quy hoạch hiện nay”- ông Dũng nói.

Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, dự luật không thể hiện được nét riêng, mang tính bản sắc, hồn đô thị của Việt Nam. Theo đại biểu, kiến trúc của Việt Nam vẫn dựa vào những công trình kiến trúc phương tây thể hiện rõ nhất ở Hà Nội, và TP.Hồ Chí Minh. “Nguyên nhân là do giá trị văn hóa của Việt Nam không được lồng trong ý tưởng kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị” – đại biểu Tuấn nói.

Theo chương trình kỳ họp, chiều ngày 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kiến trúc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực