Công tác xã hội tại bệnh viện góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Thứ sáu, 24/03/2017 18:12
(ĐCSVN) - Chắp nối nhu cầu của bệnh nhân nghèo tới các nhà hảo tâm, giải tỏa những bức xúc hay mâu thuẫn, chia sẻ buồn đau của bệnh nhân, thực hiện hoạt động xã hội trong bệnh viện... là công việc của nhân viên công tác xã hội tại các bệnh viện. Sự hỗ trợ tích cực của họ đã làm tăng sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.


Bệnh viện Nhi Trung ương trao quà cho bệnh nhân nghèo. (Ảnh: TL)

Tháng 9/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam thay cho ngày 11/11 như các năm cũ để ghi nhận vai trò của nghề công tác xã hội. Ngày Công tác xã hội Việt Nam còn là sự tôn vinh vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Trên thế giới, nghề công tác xã hội đã có tuổi đời hơn 100 năm. Tuy nhiên tại Việt Nam, nghề công tác xã hội (CTXH) chỉ mới được biết đến trong 10 năm gần đây và hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về chức năng của phòng CTXH, đặc biệt là phòng CTXH trong bệnh viện.

Tại các bệnh viện hiện nay, công việc thường ngày của nhân viên CTXH được bắt đầu bằng việc lên các khoa, phòng được phân công phụ trách thăm hỏi, động viên và tìm hiểu về những người bệnh mới vào trong diện chế độ chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Có dữ liệu, nhân viên CTXH tìm các phương án hỗ trợ người bệnh, từ việc tư vấn cho người nhà về phác đồ điều trị, thủ tục hành chính, trấn an tinh thần, giải tỏa những căng thẳng… và chắp nối nhu cầu của người bệnh nghèo tới các nhà hảo tâm. Tại một số bệnh viện đã có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ người bệnh, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh... góp phần đáng kể giảm những khó khăn trong quá trình khám, điều trị.

Nói đến nghề CTXH trong bệnh viện, phải kể đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là bệnh viện đầu tiên có tổ CTXH ra đời năm 2008 và từ năm 2011 đã được nâng lên thành Phòng CTXH với 5 chức năng nhiệm vụ chính: Hỗ trợ bệnh nhân và nhân viên y tế; Hoạt động gây quỹ; Tổ chức sự kiện; Quan hệ công chúng và hỗ trợ cộng đồng; Đào tạo, huấn luyện và tham gia các hoạt động do Ban giám đốc bệnh viện phân công. Kể từ khi thành lập đến nay, Phòng CTXH của Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực sự đạt hiệu quả cao, trở thành kiểu mẫu cho nhiều bệnh viện khác. Phòng CTXH đã được đi báo cáo cả ở 3 miền Bắc - Trung - Nam về hoạt động của Phòng. Đặc biệt, từ năm 2008 đến hết tháng 1/2017, Phòng CTXH của Bệnh viện đã kêu gọi và nhận được hơn 104 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, sự chung tay giúp đỡ, chia sẻ khó khăn từ cộng đồng với các gia đình bệnh nhân.

Các hoạt động CTXH ở đây khá bài bản, giúp cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị; hướng dẫn cho gia đình người bệnh hiểu biết về thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm và các hoạt động khác... và vận động sự tham gia, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc giúp đỡ bệnh nhi các suất ăn từ thiện cũng như hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh. Hàng ngày, nhân viên CTXH sẽ lên thăm hỏi, chia sẻ, phát phiếu cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn; trợ giúp các y, bác sỹ để giải thích cho người bệnh hiểu và thông cảm với hoàn cảnh hiện tại, hỗ trợ trong điều trị và các chính sách xã hội khác...

Bên cạnh đó, Phòng CTXH còn tổ chức hoạt động đào tạo, huấn luyện về hoạt động CTXH cho các sinh viên chuyên ngành CTXH tại các trường đại học và các đơn vị quan tâm tới ngành nghề CTXH.

Đặc biệt, các bệnh nhi không bao giờ cảm thấy yếu ớt, lạc lõng nơi bệnh viện trong những ngày lễ, Tết. Phòng CTXH sẽ phối hợp với các đơn vị tài trợ đều đặn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào các dịp lễ, Tết lớn như: chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”; chương trình Trung thu hồng, Giáng sinh hồng dành cho các bệnh nhi và gia đình bệnh nhi…

Đến nay, Phòng CTXH của bệnh viện đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà tài trợ, các đơn vị, cá nhân quan tâm đến các bệnh nhi. Hàng tháng, những khoản hỗ trợ đóng góp bằng tiền mặt, bằng suất cơm, cháo sẽ được phòng cập nhật công khai trên website của bệnh viện. Mô hình này càng khẳng định sự cần thiết của nghề CTXH ở bệnh viện.

Với những hoạt động hiệu quả, Phòng CTXH - Bệnh viện Nhi Trung ương đã được Bộ Y tế coi là mô hình điểm về triển khai thí điểm Phòng CTXH trong bệnh viện.

Nhân viên Phòng CTXH Bệnh viện Nhi Trung ương thăm hỏi, động viên gia đình
 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: TL)

Chia sẻ về những hoạt động CTXH tại bệnh viện, bà Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Làm nghề CTXH là đi sớm, về muộn, là sự hy sinh đối với gia đình, bất kể ngày lễ, Tết đều phải sẵn sáng đáp ứng công việc. Bất kỳ lúc nào có điện thoại bệnh nhân cần hỗ trợ, hoặc có nhà hảo tâm muốn hỗ trợ bệnh nhân nghèo, chúng tôi luôn có mặt kịp thời. Chúng tôi luôn làm hết sức mình vì người bệnh, chia sẻ những khó khăn, nỗi đau và đồng hành với họ. Có những trường hợp bệnh nhân tử vong tại bệnh viện nhưng vì nghèo nên không có tiền trả viện phí và mai táng, Phòng CTXH một mặt liên hệ nhà hảo tâm để kịp thời hỗ trợ kinh phí làm thủ tục để đưa về quê, mặt khác luôn bên cạnh an ủi, động viên thân nhân…

Có thể nói, nghề CTXH là nghề của tình thương, mọi nhiệm vụ mà cán bộ CTXH thực hiện đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh, để những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng, chia sẻ, đồng cảm với bệnh nhân và cùng họ vượt qua trở ngại, chiến thắng bệnh tật.

Theo đánh giá của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), CTXH trong bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân của người bệnh, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế. Hiện nay, ở một số bệnh viện đã có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh... góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị. Tổ CTXH đã có nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn người bệnh các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân - bệnh viện - người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh.

Với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực