Công bố 6 luật mới được Quốc hội thông qua

Thứ năm, 14/12/2017 17:47
(ĐCSVN) – Sáng 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 Luật vừa được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Siết chặt điều kiện được bảo lãnh Chính phủ đối với từng nhóm đối tượng

Giới thiệu về điểm mới cơ bản của Luật Quản lý nợ công 2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính  Vũ Thị Mai cho biết: So với Luật Quản lý nợ công 2009, việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ được quy định chặt chẽ hơn về đối tượng vay lại, điều kiện vay lại, thẩm định cho vay lại; bổ sung quy định về phương thức cho vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại và việc quản lý rủi ro cho vay lại.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại họp báo. (Ảnh: TH).

Bên cạnh đó, việc quản lý bảo lãnh Chính phủ được quy định theo hướng siết chặt điều kiện được bảo lãnh Chính phủ đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, Luật đã quy định thống nhất quản lý về nợ công, giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trong quản lý nợ công thống nhất; tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thêm hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.

Luật quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều, quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Trước băn khoăn của báo chí về mức độ nào đưa ra ngưỡng cảnh báo nợ công,  ông Trương Hùng Long- Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết: Ngưỡng cảnh báo do Quốc hội quyết định theo từng thời kỳ.

Khắc phục tình trạng “xin-cho” các dự án trong quy hoạch

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: Luật Quy hoạch là bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công. Đồng thời, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, xung đột giữa Trung ương và địa phương, giữa doanh nghiệp và người dân...

Đáng chú ý, Luật khắc phục được tình trạng “xin-cho” các dự án trong quy hoạch thông qua việc điều chỉnh quy hoạch một cách tuỳ tiện, làm lãng phí nguồn lực quốc gia.

“Việc ban hành Luật có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước vì đây là cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xây dựng các quy hoạch của thời kỳ 2021-2030”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Luật Quy hoạch gồm 6 Chương 59 điều quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Các quy định của Luật này về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm: Tất cả những quy hoạch trước đây không phù hợp với Luật này sẽ phải điều chỉnh lại, thực hiện theo quy hoạch vùng mới, bảo đảm tính khả thi…

Ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) gồm 3 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh giới thiệu một số điểm mới
của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD. (Ảnh: TH).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết: Luật bổ sung thêm trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với chức danh Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng Giám đốc của TCTD, nhằm hạn chế việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại TCTD và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của TCTD.

Luật minh bạch hoá nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo, trong đó bổ sung yêu cầu cổ đông phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại TCTD; bổ sung quy định hạn chế một cổ đông lớn và người có liên quan tại một TCTD không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại TCTD khác.

Luật bổ sung quy định về áp dụng biện pháp can thiệp sớm để xử lý sớm TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt nhằm hạn chế TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yếu kém mới phát sinh.

Một điểm mới đáng chú ý, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt nhằm xử lý vướng mắc, bất cập trong quá trình NHNN kiểm soát TCTD trên thực tế thời gian vừa qua, cụ thể: bổ sung thêm trường hợp xem xét đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt; sửa đổi, bổ sung quy định về khoản vay đặc biệt; bổ sung quy định về quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt; quy định cụ thể quy trình đánh giá, đối tượng đề xuất, thẩm quyền phê duyệt chủ trương phù hợp với từng TCTD được kiểm soát đặc biệt dựa trên kết quả đánh giá tổng thể thực trạng của TCTD này; quy định chi tiết về các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài  quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật Cơ quan đại diện hiện hành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, Luật Lâm nghiệp có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 Điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Đây là luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân, đặc biệt những người làm nghề rừng.

Luật Thủy sản gồm 9 chương với 105 Điều quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực