Có nên giao UBND cấp xã bảo quản tài sản chờ thi hành án?

Thứ tư, 20/03/2019 19:06
(ĐCSVN) - Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên họp về định hướng xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 20/3.

Báo cáo tại cuộc họp, Lãnh đạo Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) cho biết Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung 24 nội dung, trong đó có 20 nội dung sửa đổi, 3 nội dung bổ sung mới và 1 nội dung bãi bỏ, tập trung các khó khăn, vướng mắc khác của Luật THADS và các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành Nghị định.

Tổng cục trưởng Tổng cục THADS báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TH.


Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung chủ yếu các nội dung cụ thể về trình tự, thủ tục THA đang vướng mắc. Về định hướng xây dựng Nghị định, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung những quy định của Nghị định mà Luật THADS giao Chính phủ quy định cụ thể và những nội dung Chính phủ hướng dẫn biện pháp thi hành.

Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận tại phiên họp là quy định về trách nhiệm của UBND cấp xã trong trường hợp không có người bảo quản tài sản theo Điều 58 Luật THADS.

Hiện nay có nhiều trường hợp tài sản là nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở miền núi, hẻo lánh, không có ai nhận bảo quản tài sản hoặc giá trị tài sản thấp nên việc thuê tổ chức bảo quản chuyên nghiệp là không khả thi. Song, pháp luật hiện chưa có quy định giải quyết vấn đề này, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình thực hiện. Do đó, Tổng cục THADS đề xuất bổ sung quy định: “Trường hợp không giao bảo quản được theo quy định tại Điều 58, Điều 112 Luật THADS thì việc bảo quản tài sản thuộc về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thời gian chưa xử lý được tài sản”.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Ngọc Vũ nhận định quy định này khó khả thi vì khó dự liệu hết được các vấn đề khi triển khai trên thực tế như trình tự, thủ tục như thế nào, quy định bồi thường ra sao nếu xảy ra mất mát tài sản…?

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú cũng cho rằng nếu giao UBND cấp xã tuy tạo thuận lợi cho cơ quan THADS nhưng lại làm phát sinh trách nhiệm cho UBND cấp xã nên cần đánh giá tác động.

Chuyên gia pháp luật  Đinh Trung Tụng đề nghị cần cân nhắc và nghiên cứu thêm về quy định này bởi việc giao tài sản tư cho chính quyền bảo quản sẽ phát sinh nhiều vấn đề hơn đối với tài sản công. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, nên quy định “mềm mại” hơn theo điểm b, khoản 1, Điều 58 Luật THADS là “cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản” để đảm bảo tính khả thi…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực