Chú trọng thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử

Thứ tư, 26/04/2017 18:09
(ĐCSVN) – Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), vi phạm trực tuyến đang trở thành một thách thức lớn cho tất cả các chủ thể quyền. Các sản phẩm giá rẻ vi phạm nhãn hiệu, sáng chế, kinh doanh công nghệ được bảo hộ, thông qua các trang web mua bán trực tuyến đang được bày bán tràn lan. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi vi phạm này lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tọa đàm “Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử. Ảnh: BL

Đây là nội dung được ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết tại buổi tọa đàm “Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức chiều 26/4, tại Hà Nội.

Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Nguyễn Ngọc Lâm, thị trường TMĐT Việt Nam đang có quy mô khoảng 4 tỷ USD (gần 100.000 tỷ đồng). Trong đó, tỷ lệ sử dụng smartphone là trên 70%, ở các vùng nông thôn cũng lên đến trên 50%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng thị trường TMĐT sẽ lên tới 22% hàng năm, kỳ vọng sẽ đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ TMĐT như trên, vi phạm trực tuyến trở thành một thách thức lớn cho tất cả  các chủ thể quyền và các bên quan tâm khác. Các hoạt động bán giao dịch, quảng cáo, chào hàng trên mạng càng phát triển… Do đặc tính vô hình của quyền tác giả và phạm vi gần như vô hạn của Internet, các trang web cũng thường xuyên xuất bản các tác phẩm được bảo vệ quyền tác giả mà không có sự cho phép của chủ thể quyền…

Đặc biệt, nhu cầu phải có tên miền riêng đối với các nhà khai thác muốn thực hiện giao dịch trực tuyến cao, sự bùng nổ của Internet khiến cho các tên miền ngày càng trở nên có giá trị. Điều này dẫn đến hoạt động chiếm đoạt tên hoặc nhãn hiệu  của các công ty nổi tiếng được mua trước dưới dạng tên miền để sử dụng, bán hoặc chuyển giao cho chủ doanh nghiệp diễn ra phổ biến hơn. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp khó khăn, vướng mắc do khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm; khó xác định giá trị hàng hóa xâm phạm; lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm…

Để xử lý tình trạng trên, Cục SHTT đang bổ sung quy định pháp luật về sử dụng đối tượng quyền SHTT trong môi trường TMĐT, bổ sung quy định pháp luật coi thực thi quyền SHTT trong môi trường mạng lưới Internet như ở môi trường thực, bổ sung các chế tài thực thi trong môi trường giao dịch điện tử…

Đồng thời, Cục SHTT cũng khuyến cáo nếu phát hiện trường hợp người sử dụng mạng có hành vi vi phạm thông qua dịch vụ mạng, chủ sở hữu quyền có quyền thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và đề xuất các biện pháp khắc phục cần thiết như xóa bỏ, hạn chế truy cập hoặc ngắt kết nối…Nếu không thực hiện các biện pháp cần thiết một cách kịp thời thì ISP phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những thiệt hại bổ sung.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng cho biết, sự phát triển của TMĐT, các hoạt động kinh doanh diễn ra càng nhiều trong môi trường TMĐT. Những lợi ích thu được từ mô hình này rất lớn, có sức hấp dẫn đối với nhà sản xuất, kinh doanh và ngày càng thu hút được nhiều chủ thể tham gia. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của TMĐT, môi trường kinh doanh này cũng cho thấy những thách thức trong đó có quyền SHTT.

Trước tình trạng này, Chính phủ, Bộ KH&CN và các bộ, ngành, chức năng đã nỗ lực trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung và xâm phạm quyền SHTT trong môi trường số thông qua việc ban hành văn bản pháp luật và xử lý những vụ việc cụ thể.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, quyền SHTT đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bởi vì nó không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục không giới hạn bởi không gian, thời gian mà  còn là công cụ pháp lý để bảo vệ và giúp doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu, trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường TMĐT.

Bên cạnh đó, việc bảo hộ quyền SHTT đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ có tác động tích cực khi khuyến khích được các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của sự lao động sáng tạo. Thực thi hữu hiệu quyền SHTT là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể, người tiêu dùng và xã hội, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo. Bởi vậy, chú trọng thực thi hữu hiệu quyền SHTT là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể, người tiêu dùng và xã hội, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực