Chú trọng công tác truyền thông trong quá trình đổi mới giáo dục

Thứ năm, 15/11/2018 09:06
(ĐCSVN) - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần quan tâm hơn nữa công tác truyền thông về giáo dục, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt là trong những bước tiếp theo của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VA

Chiều 14/11, Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Nguyễn Thanh Long làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về việc thực hiện một số nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong thời gian tới.

Báo cáo với Đoàn làm việc về khó khăn trong vấn đề thừa thiếu giáo viên thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc thừa thiếu giáo viên diễn ra ở cả trong một cấp học và ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không chuyển sang dạy cấp khác khi không đảm bảo trình độ chuẩn đào tạo. Việc điều chuyển giáo viên giữa các địa phương cũng khó khăn vì các địa phương được tổ chức tuyển dụng riêng.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp; chỉ đạo nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm sát với nhu cầu sử dụng; rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên...

Đề cập về xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: nhiệm vụ trước mắt tập trung chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học bảo đảm công khai, minh bạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 33.

Cùng với đó, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa để dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn biên soạn tài liệu nội dung giáo dục của địa phương; tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện của địa phương.

Đối với kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi; sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia Kỳ thi.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh; Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi; theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm, đảm nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Kết quả trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian qua. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng chí gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các thầy cô giáo, chúc ngành Giáo dục sẽ gặt hái được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đề cập nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thanh Long lưu ý Bộ GD&ĐT tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề ra; đặc biệt là vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên trong tình hình mới; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tốt kỳ thi THPT quốc gia 2019; công tác phân luồng học sinh... đồng thời, quan tâm, nâng cao nhận thức giúp đội ngũ giáo viên tin tưởng, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29.

Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Thanh Long đề nghị Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn nữa công tác truyền thông về giáo dục, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt là trong những bước tiếp theo của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực