Chủ tịch WB David Malpass bi quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Thứ tư, 09/10/2019 16:13
(ĐCSVN) – Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass tỏ ra bi quan về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài, sự giảm tốc mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Âu (EU) và việc Anh rời liên minh EU.

Chủ tịch World Bank David Malpass. (Ảnh: AP)

“Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Tháng 6 vừa qua, WB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm 2019, mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng 3 năm. Thậm chí, chúng tôi còn dự báo tăng trưởng sẽ còn yếu hơn nữa do ảnh hưởng của Brexit gây ra, sự suy thoái của các nền kinh tế châu Âu và căng thẳng thương mại kéo dài”, Chủ tịch David Malpass phát biểu trước thềm Hội nghị thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Lời cảnh báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu được ông Malpass một lần nữa đưa ra trước khi phái đoàn Trung Quốc chuẩn bị đến Washington để tiến hành vòng đàm phán thương mại lần thứ 13 với Mỹ. Dự kiến, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ nhóm họp trong hai ngày 10 - 11/10 trong nỗ lực hướng đến một thỏa thuận thương mại nhằm giải quyết căng thẳng kéo dài. Tổng thống Donald Trump dự định sẽ tăng mức áp thuế đối với 250 tỷ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ 25% lên 30% vào 15/10.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết đưa nước này ra khỏi EU vào ngày 31/10 ngay cả khi không đạt một thỏa thuận nào.

Trong khi đó, các chỉ số kinh tế chính của châu Âu đều phản ánh nguy cơ suy thoái rõ rệt, đặc biệt là sự sụt giảm của ngành sản xuất khu vực ảnh hưởng ngày càng lớn đến nhu cầu tiêu dùng.

Trước đó, WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 ở mức 2,7%, thậm chí có thể xuống 1,7% nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang. Tổ chức này cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, biến động tài chính tại các thị trường mới nổi và tăng trưởng yếu hơn dự báo tại các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu

“Niềm tin kinh doanh và thương mại toàn cầu giảm mạnh, cộng với sự đầu tư e dè vào các nền kinh tế mới nổi, điều này thật đáng lo ngại vì khi đó sẽ làm suy yếu nền tảng tăng trưởng bền vững", ông David Malpass nhận định.

Các chuyên gia của WB đưa ra dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển, bao gồm khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chậm lại do xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp. Họ cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm từ mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2018 xuống còn 2,5% năm 2019 và chỉ còn 1,7% vào năm 2020.

Trong khi đó, ngày 23/7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được điều chỉnh từ 3,2% trong năm 2019 và 3,5% trong năm 2020.

Theo IMF, căng thẳng thương mại gây tác động đến hoạt động đầu tư và các nước cần thúc đẩy các cuộc thương lượng thay vì triển khai chính sách áp thuế. Tổ chức này một lần nữa cho rằng việc giải quyết sự bất ổn vẫn là vấn đề gây áp lực nhất đối với kinh tế toàn cầu và các chính phủ cần tránh các bước đi sai lầm vốn có thể làm suy yếu đà tăng trưởng và thị trường việc làm toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái, ngày 8/10 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jeremy Powel đã phát đi tín hiệu sẵn sàng cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay. Ông Powel cho biết động thái này là nhằm bảo đảm nền kinh tế Mỹ ứng phó tốt với những rủi ro hiện nay. FED dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019 trong khoảng 2,2%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,7%./.

 

 

Hoài Hà (Theo TASS, Bloomberg)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực