Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Lời thơ chúc Tết của Bác như là lời non nước, là tiếng hịch non sông”

Thứ ba, 17/01/2017 22:48


Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đài Tiếng nói Việt Nam.
 Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Tối 17/1, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời của non sông”, kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Thơ chúc Tết Đinh Hợi 1947 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để động viên, khích lệ đồng bào, chiến sĩ cả nước. Tới dự chương trình có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Kể từ bài Thơ chúc Tết đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1947 đến lúc ra đi, Bác đã sáng tác 22 bài thơ chúc Tết. Dễ nhớ, dễ thuộc là đặc trưng trong các bài thơ chúc Tết của Bác, nhưng điều khiến cho mỗi bài thơ, những lời thơ chúc Tết của Bác trở nên đặc biệt hơn bởi đó không chỉ là tấm lòng của Bác với nhân dân, đất nước, mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả sự tiên đoán thần kỳ về tiền đồ tươi sáng của cách mạng Việt Nam. Thơ chúc Tết của Bác là món quà mừng tuổi đầy ý nghĩa gửi tới đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Những vần thơ chúc Tết của Bác không chỉ là “Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”, đó còn là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền đại bằng thơ gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước. Mỗi bài thơ là sự tổng kết thành quả của cách mạng trong năm cũ, đồng thời là chỉ dẫn cho những chặng đường tiếp theo của cách mạng. Bài thơ chúc Tết năm 1969 cũng là bài thơ chúc Tết Bác tự đọc - món quà cuối cùng và là lời tiên đoán thần kỳ về con đường giải phóng đất nước trước lúc Người đi xa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng lời thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác vẫn còn đó, in sâu vào tâm khảm mỗi người con dân Việt. Lời thơ của Bác thật dung dị, nhưng sâu lắng hồn sông núi, bật dậy lời hiệu triệu, lời hịch giục giã quân dân cả nước tiến lên giành thắng lợi, để “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang xúc động ôn lại những kỷ niệm về Bác. Chủ tịch nước nêu rõ, sinh thời Bác chưa bao giờ tự cho mình là nhà thơ, Bác làm thơ là để nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp lý tưởng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân “kháng chiến, kiến quốc”. Làm thơ cho mọi người dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu, vì vậy từ ngữ trong thơ Bác giản dị, trong sáng; tứ thơ rõ ràng, đẹp đẽ; nhịp thơ khoan thai, vững chắc. Làm thơ trong điều kiện chiến tranh ác liệt mà bài thơ nào của Bác cũng toát lên niềm lạc quan vô bờ, sự khoan thai, đĩnh đạc hiếm có. Bài thơ chúc Tết, đón Xuân Đinh Hợi 1947, Bác viết: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào! Sức ta đã mạnh, người ta đã đông Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của đất nước, của mỗi nhà, mỗi người. Nghe lại những bài thơ chúc Tết của Bác, chúng ta càng bồi hồi, xúc động nhớ về một chặng đường vẻ vang, oanh liệt mà dân tộc ta đã đi qua, hướng về năm mới Đinh Dậu 2017 với bao ước mơ, dự cảm tốt lành. Chủ tịch nước khẳng định: “Lời thơ chúc Tết của Bác như là lời non nước, là tiếng hịch non sông. Tựa lưng vào lịch sử, đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, chúng ta ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng thành công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, ôn lại những bài thơ chúc Tết của Bác, mỗi người chúng ta càng tự hào với truyền thống quật cường, nhân nghĩa của dân tộc, đưa “Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng” vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./. 

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực