Chủ động ứng phó với bão số 6

Thứ sáu, 08/11/2019 16:48
(ĐCSVN) - Để ứng phó với bão số 6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần chủ động các phương án ứng phó, không để bất ngờ, bị động.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi họp. (Ảnh: BT)

Sáng 8/11 tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức họp trực tuyến với 7 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận nhằm chỉ đạo ứng phó với bão số 6. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi họp.

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bão số 6 là một cơn bão dị thường. Cập nhật đến 8h sáng nay, bão cách đảo Song Tử Tây 310 km, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 5-10km, sức gió giật cấp 14, hoàn lưu bão rộng. Dự báo khi bão đổ bộ vào bờ, gió cấp 9, giật cấp 12-13; khu vực gió mạnh tập trung từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, do kết hợp với không khí lạnh cùng hoàn lưu bão, sẽ có lượng mưa tập trung từ 200-400mm. Mưa bắt đầu từ ngày mai (9/11), tập trung nhất vào ngày 10-11/11.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Tiến- Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão cần thông báo với lực lượng vũ trang, các đơn vị quân đội và công an trên địa bàn để có thời gian phối hợp với các địa phương chuẩn bị ứng phó. Khi có tàu cần cứu nạn trên biển hoặc những sự cố trên đất liền cần thông tin nhanh chóng để Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kịp thời xử lý.

Đối với các tỉnh Nam Trung Bộ, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn cho các tàu thuyền tránh trú đúng kỹ thuật, rút kinh nghiệm sự cố tàu ở Quy Nhơn trong cơn bão số 5 vừa qua.

Báo cáo về tình hình chuẩn bị ứng phó với bão số 6, đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương đã kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú ẩn. Đồng thời, đã có công điện gửi các huyện khắc phục hậu quả bão số 5 và chuẩn bị ứng phó với bão số 6. Sáng nay, UBND tỉnh đã quyết định cho học sinh nghỉ học vào thứ 2 (11/11). Mặt khác, chiều nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp cùng UBND tất cả các huyện thuộc tỉnh triển khai họp bão số 6, chuẩn bị các phương án ứng phó.

Về phía Bình Định, đối với các tàu thuyền neo đậu vùng nguy hiểm, địa phương đã vận động di chuyển xuống phía nam, thoát ra vùng nguy hiểm. Rút kinh nghiệm từ bão số 5, với những tàu cá neo đậu quá tải, địa phương vận động di chuyển ra phía bắc của tỉnh, để lại số lượng cho phép nhằm đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, khẩn cấp di dời dân ở những nơi có khả năng sạt lở. Đặc biệt 1.030 hộ dân ở các huyện, xã ven biển, trước 4h chiều ngày 10/11 địa phương sẽ di dời đến những nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại về người.

Để ứng phó với bão số 6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị, toàn bộ tuyến biển, các địa phương cần phối hợp với lực lượng biên phòng, quân đội, kiểm ngư thông báo kịp thời cho các tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, Bộ Ngoại giao cùng phối hợp, sẵn sàng ứng phó giúp đỡ tàu của nước bạn.

Bộ trưởng lưu ý đến các phương tiện tàu thuyền vãng lai, rất cần chú ý đến khu vực này. Với tuyến lồng bè nuôi trồng thủy sản, cần quán triệt kỹ, chuẩn bị phương án, bởi đây là khu vực dễ xảy ra mất an toàn tính mạng cho người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi bão số 6 do đây là cơn bão hết sức phức tạp, bão kèm theo mưa, lũ; vì vậy, cần có giải pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và người dân. 

Các địa phương dự báo chịu ảnh hưởng có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển trong phạm vi quản lý của mỗi địa phương. Tùy tình hình, các địa phương thực hiện lệnh cấm biển, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt đối với những người dân ở các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển.

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt cho khách du lịch; bảo vệ an toàn cho sản xuất, bảo vệ công trình dịch vụ, du lịch; đồng thời, đảm bảo an toàn cho học sinh; bảo vệ an toàn cho các công trình xây dựng, trong đó có công trình nhà dân; gia cố các công trình đê biển xung yếu, bảo vệ công trình đang thi công.

Mặt khác, Phó Thủ tướng đề nghị cần đảm bảo an toàn cho các hồ đập. Với hồ thủy lợi,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương chủ động các phương án. Với hồ thủy điện, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương cùng bảo vệ.

Trên tinh thần đó, để ứng phó với bão số 6, Phó Thủ tướng yêu cầu cần chủ động các phương án ứng phó, không để bất ngờ, bị động, đặc biệt thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Các bộ, ngành hỗ trợ cho các địa phương về lực lượng, phương tiện thiết bị và chỉ đạo trong phòng chống thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi cơn bão. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông tiếp tục thông tin kịp thời chính xác về cơn bão đến với người dân để người dân biết và chủ động ứng phó; tuyên truyền kịp thời người tốt, việc tốt trong quá trình chống thiên tai./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực