Chính sách cho cán bộ công tác ở vùng khó khăn: Chi sai, ai chịu trách nhiệm?

Thứ sáu, 13/01/2017 18:25
(ĐCSVN) – Ngày 13/1, Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên giải trình “tình hình thực hiện Nghị định 116/NĐ/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Thiếu hướng dẫn cụ thể dẫn tới tình trạng chi trả mỗi nơi mỗi khác

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 116/NĐ/2010/NĐ-CP, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết: Sau khi nghiên cứu báo cáo của cơ quan có liên quan và khảo sát trực tiếp tại 10 tỉnh đại diện cho các khu vực, địa bàn, Hội đồng Dân tộc nhận định, Nghị định 116 là chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được các địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 116 cũng nảy sinh nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là sự thiếu tính thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị định. Đối tượng thụ hưởng theo Nghị định 116 cũng bao trùm nhiều đối tượng đã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi trước đó. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể đã dẫn tới tình trạng chi trả mỗi nơi mỗi khác, có nơi thực hiện đồng thời nhiều chính sách cho một đối tượng, có nơi lại chỉ thực hiện một chính sách.

Do quy định không rõ ràng, nên một số xã không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, mà là xã theo chương trình 135, xã an toàn khu, xã khu vực I, xã khu vực II cũng được thụ hưởng, dẫn tới số tiền ngân sách phải chi trả hằng năm quá lớn.

Một số địa bàn chi sai đối tượng đã được xác định, tuy Bộ Tài chính đã có chỉ đạo không thu hồi, nhưng công tác rà soát, điều chỉnh và giải quyết, xử lý hậu quả vẫn chưa được thực hiện kịp thời như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên…

“Trong lúc ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn thì việc cân đối các nguồn chi để đảm bảo phát triển hài hòa, toàn diện cũng phải được tính toán, xem xét”, ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Chi sai, ai chịu trách nhiệm?



Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình. (Ảnh: TH)

Đề cập đến trách nhiệm trong việc chi sai đối tượng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi: “Bộ Tài chính nói cả trong Nghị định 116 và Thông tư 08 đều có bất cập. Vậy văn bản này ra thì trách nhiệm thuộc Bộ nào để rút kinh nghiệm? Cần làm rõ, giải trình mà không biết lỗi thuộc ai, ai cũng đúng cả thì chắc dân sai?”

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng thẳng thắn yêu cầu làm rõ tiền chi không đúng đối tượng: “Nghị định này sai, các bộ sai hay ai sai? Tại sao dẫn đến tình trạng này? Thất thoát gây dư luận không tốt trong xã hội khi chúng tôi đi giám sát, thì ai chịu trách nhiệm ở đây, chúng ta phải trả lời với dân”.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cũng đề nghị, làm rõ tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng trùng lặp trong 5 năm qua là bao nhiêu, việc thu hồi khoản chi trả không đúng thế nào?

Giải trình về các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, trước khi ban hành Nghị định 116 đã có rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho khu vực này. “Lỗi là chưa tổng hợp chính sách khi xây dựng chính sách trong Nghị định 116 để tránh trùng lắp”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, cần có đánh giá về việc triển khai thực hiện chính sách 116 như thế nào, bởi có vùng chỉ thực hiện 1 chính sách 116, nhưng có vùng thực hiện cả chính sách 116 và các chính sách ưu đãi trước đó; có trường hợp mới chuyển đến vùng đặc biệt khó khăn đã được hưởng chính sách 116, có trường hợp phải sau 3 năm với nữ hoặc 5 năm với nam mới được hưởng; có trường hợp mới được hưởng chính sách 116 đã chuyển đi khỏi vùng đặc biệt khó khăn… Những bất cập ấy dẫn tới làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng cho biết, khi tổng kết việc thực hiện Nghị định sẽ làm rõ số tiền chi sai, chi không đúng chính sách. “Quan điểm của Bộ Nội vụ cái gì chi không đúng thì kiến quyết thu hồi, có biện pháp xử lý để bảo đảm công minh, công bằng trong thực thi pháp luật”, Bộ trưởng nói.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị Chính phủ tổng kết và chỉ ban hành một Nghị định mới thay thế theo hướng thống nhất chính sách. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hay xin ý kiến Chính phủ không áp dụng đối với cán bộ công chức, viên chức công tác tại các xã không phải là đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo…

5 năm chi 24.817 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP là hơn 24.817 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phụ cấp thu hút là gần 15.875 tỷ đồng; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là hơn 5.413 tỷ đồng; trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng là gần 974 tỷ đồng; trợ cấp mua và vận chuyển nước ngọt sạch là hơn 44 tỷ đồng; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu là gần 178 tỷ đồng; thanh toán tiền tàu xe hơn 61 tỷ đồng; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là gần 134 tỷ đồng.


Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực