Chia sẻ kinh nghiệm thương lượng tập thể và đối thoại tại doanh nghiệp

Thứ bảy, 20/01/2018 22:38
(ĐCSVN) – Đó là nội dung buổi tọa đàm do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức chiều 20/01 tại Hà Nội với sự tham gia của 70 chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) tiêu biểu, đại diện cho gần 50.000 chủ tịch CĐCS khu vực doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính mong muốn các chủ tịch CĐCS tập trung vào việc chia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá trình nắm bắt thông tin, lắng nghe tâm tư nguyện vọng từ người lao động, kỹ năng đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động được tốt nhất.


Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Cẩm Linh

Cũng theo Phó Chủ tịch Mai Đức Chính, những năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều cuộc thương lượng, đối thoại với người lao động. Nhiều hoạt động về đào tạo, xây dựng năng lực cho người lao động cũng được quan tâm. Công tác thoả ước trong đối thoại công đoàn đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, thoả ước được ký kết có lợi cho người lao động còn chưa cao. Đến nay mới có 11,5% thoả ước loại A. Tổng LĐ đang kỳ vọng thoả ước loại A và B được tăng lên.

Cũng theo đồng chí Mai Đức Chính, trong những năm gần đây, bản thoả ước đã đơn giản hơn rất nhiều. Nhiều bản thoả ước đi thẳng vào đời sống, điều kiện lao động của người lao động. Do thực tế chủ tịch Công đoàn đang thực hiện kiêm nhiệm nên rất cần được bồi dưỡng về kỹ năng thương lượng. Trong quá trình thương lượng, người lao động cần được tư vấn của Công đoàn cấp trên.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, các bước chuẩn bị, quá trình thương lượng thỏa ước lao động tập thể, đối thoại, thỏa thuận về bữa ăn ca; đôn đốc, giám sát quá trình tổ chức thực hiện thỏa ước tại doanh nghiệp.

Có thâm niên hơn 15 năm làm Chủ tịch CĐCS tại Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam, doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài, ông Huỳnh Phát Đạt chia sẻ, điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn chính là cán bộ CĐCS phải làm việc từ cái “Tâm” của mình, lo cái lo của người lao động và vui niềm vui của người lao động. Bên cạnh đó, cán bộ CĐ phải tự học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động để xây dựng niềm tin, sự ủng hộ từ số đông công nhân.

Đồng thời, cần phải nhìn nhận và đánh giá khách quan, chính xác về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đưa ra những nội dung thương lượng phù hợp. Tránh việc đòi hỏi quá nhiều điều vô lý trong nội dung thương lượng, gây ra tâm lý tiêu cực giữa hai bên trong quá trình thương lượng. Không được đấu tranh một chiều, không nên chăm bẵm vào quyền lợi của một bên mà phải quan tâm đến cả lợi ích, nguyện vọng chính đáng của công ty, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên, xây dựng môi trường lao động, ổn định, bền vững và lâu dài. Đó mới chính là điều cốt lõi để xây dựng cho được mối quan hệ kiềng ba chân gồm “ba công” (công ty, công đoàn và công nhân).

Theo ông Đạt, vì cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm nên phải xác định mỗi đồng chí làm một việc, tất cả vì cái chung của tổ chức, của người lao động quyết tâm đeo bám, thuyết phục.


Ông Huỳnh Phát Đạt chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: Cẩm Linh

Thông tin về hoạt động Công đoàn ở doanh nghiệp mình đang gắn bó, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do Hàn Quốc đầu tư, chuyên sản xuất giày thể thao thương hiệu Nike cho hay, toàn thể 100% người lao động đều được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm. Thời gian qua, Công đoàn công ty đã đề xuất, thương lượng nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như tăng thêm số ngày nghỉ có lương cho người lao động; xây dựng thang bảng lương, quy chế nâng lương; tăng thêm tiền công  từ 110-150% khi làm việc theo ca, tiền làm thêm cho ngày phép năm là 400%; thưởng các ngày lễ, Tết; hỗ trợ lao động nữ...

Để đạt được những kết quả này, CĐCS đã tiến hành xây dựng quy chế phối hợp giữa CĐCS với Ban giám đốc công ty và các phòng ban nhằm thống nhất chương trình hành động cùng với xây dựng thông tin đa chiều với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng nhằm tiếp thu các ý kiến, mong muốn từ người lao động (phỏng vấn lấy ý kiến hàng ngày tại nơi làm việc, họp mặt hằng tuần với đại diện người lao động các bộ phận)...

Không những thế, CĐ còn cùng với chủ doanh nghiệp thăm khu nhà trọ công nhân hàng tuần. “Qua thăm hỏi sẽ biết cuộc sống thực tế của công nhân, nhiều thông tin ở chỗ làm họ không bày tỏ thì khi đến nhà họ lại cởi mở chia sẻ”, ông Phúc nói.

Phát biểu khép lại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải kết luận, người đứng đầu CĐCS cần phải nắm vững luật pháp, sử dụng nhuần nhuyễn luật pháp. Chủ tịch công đoàn được người lao động tín nhiệm bầu ra phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

“Chúng ta không tách rời thương lương và đối thoại vì đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Chức năng chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động phải luôn là chức năng số 1 của tổ chức Công đoàn. Để mang lại lợi ích cho đoàn viên và người lao động đòi hỏi sự bền bỉ, thông minh, sáng tạo của cán bộ Công đoàn”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực