Chảo lửa Trung Đông lại tăng nhiệt

Thứ hai, 16/09/2019 19:25
(ĐCSVN) – Vụ việc các nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco ở miền Đông Ả rập Xê út bị tấn công vào cuối tuần qua đã một lần nữa khiến “chảo lửa” Trung Đông tăng nhiệt cùng với những tuyên bố khác nhau của các bên liên quan.

Giá dầu thế giới tăng vọt sau các vụ tấn công vào Ả rập Xê út

Khói bốc lên sau các vụ tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Ả rập Xê út, ngày 14/9. (Ảnh: AP)

Từ lời cáo buộc của Mỹ…

Ngày 14/9, nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Ả rập Xê út đã bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Vụ tấn công đã làm giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, khiến Mỹ phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để ổn định nguồn cung. 

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc các nhà chức trách Iran đứng đằng sau vụ việc và khẳng định rằng “không hề có bằng chứng cho thấy vụ tấn công được thực hiện từ lãnh thổ Yemen”.

Để củng cố cho những lập luận trên, hãng tin CNN vừa dẫn lời một quan chức “tất cả mọi khu vực bị ảnh hưởng sau vụ tấn công ở Ả rập Xê út đều nằm ở phía Tây Bắc, điều này cho thấy cuộc tấn công khó có thể được thực hiện từ Yemen” mà có khả năng từ Iran hay thậm chí là nước láng giềng Iraq. Cũng theo quan chức trên thì đã có tới 19 mục tiêu bị nhắm tới trong các vụ tấn công và điều này không thể thực hiện chỉ với 10 máy bay không người lái.

Lập luận trên của quan chức Mỹ đã bác bỏ tuyên bố do lực lượng Houthi ở Yemen về việc đã sử dụng 10 máy bay không người lái để thực hiện các vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Ả rập Xê út. Trong khi đó, hãng tin Reuters cũng vừa dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết một số đại diện của Ả rập Xê út đã đề cập tới những dấu hiệu về việc tên lửa hành trình đã được sử dụng trong các vụ tấn công vào cuối tuần qua.

Ngày 16/9, tờ The Washington Post cho biết, chính quyền Mỹ đang thảo luận về “một phản ứng quân sự nghiêm túc” trước các vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Ả rập Xê út. Cũng theo nguồn tin trên, vào chiều 15/9, Tổng thống D.Trump đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T.Esper.

Trước đó cùng ngày, ông D.Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng, Mỹ sẵn sàng đáp trả các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Ả rập Xê út, song đang chờ chính quyền Riyahd công bố ai đứng đằng sau vụ việc này.

…đến sự bác bỏ của các bên liên quan

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Iran đã tuyên bố những lời cáo buộc của Mỹ là “vô căn cứ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho rằng “những lời cáo buộc cùng những quan điểm mù quáng vô dụng tương tự đều là vô nghĩa lý và không thể hiểu nổi trong các quy tắc ngoại giao”.

Ngày 15/9, Nội các Iraq cũng bác bỏ lập luận cho rằng lãnh thổ của nước này đã được sử dụng để thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu tại Ả rập Xê út và nhấn mạnh Iraq sẽ không bao giờ trở thành “một bàn đạp” để chống lại các nước khác.

Thông cáo báo chí của Nội các Iraq nêu rõ: “Iraq bác bỏ thông tin do một số phương tiện truyền thông và xã hội về việc lãnh thổ nước này đã được sử dụng để tấn công các cơ sở lọc dầu của Ả rập Xê út bằng máy bay không người lái, đồng thời khẳng định cam kết đã được quy định trong Hiến pháp về ngăn chặn sử dụng lãnh thổ vào các hành vi khiêu khích chống lại láng giềng, các anh em và bạn bè của Iraq… Chính phủ Iraq sẽ phản ứng quyết đoán trước bất cứ ai có âm mưu vi phạm Hiến pháp và đã thành lập một ủy ban bao gồm sự tham gia của các đảng phái Iraq để theo sát mọi thông tin và diễn biến”. Bên cạnh đó, thông cáo cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan chấm dứt các hành vi thù địch, đồng thời cảnh báo thêm rằng, các giải pháp quân sự hay việc làm gia tăng căng thẳng sẽ làm phức tạp tình hình chính trị, quân sự, đe dọa an ninh của khu vực và trên thế giới.

Ngày 15/9, Chuẩn tướng Abdullah al-Jefri  đứng đầu các lực lượng không quân Yemen đã ra tuyên bố bác bỏ các báo cáo cho rằng Iran và thậm chí là Iraq đóng vai trò trong các vụ tấn công trên, đồng thời khẳng định rằng vụ tấn công đã được thực hiện từ lãnh thổ Yemen. “Chính vì thế, những nhận định về sự hậu thuẫn của Iran, hay thậm chí cho rằng những vụ tấn công này được thực hiện từ bên trong lãnh thổ Iraq hay thông qua lực lượng Hezbollah của Li-băng đều là hoàn toàn sai lầm” – ông al Jefri nói.

Và phản ứng của cộng đồng thế giới

Trong khi các bên liên quan đang đưa ra những lập luận khác nhau về “hung thủ thực sự” của thực sự của vụ tấn công thì cộng đồng thế giới đã bày tỏ quan ngại về vụ việc và kêu gọi các bên kiềm chế.

Tổng thư ký OIC Yousef al-Othaimeen cho biết: Ngoại trưởng các nước thuộc OIC đã lên án vụ "tấn công khủng bố" này và hoan nghênh các tuyên bố của những tổ chức quốc tế và khu vực lên án hành động nhằm gây bất ổn tại Ả rập Xê út, đồng thời bày tỏ đoàn kết cũng như ủng hộ “các biện pháp mà nước này thực hiện để đối phó với khủng bố, giữ gìn an ninh và ổn định”.

Trong một tuyên bố vừa đưa ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng lên án các vụ tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco tại miền Đông Ả rập Xê út vào cuối tuần qua. Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, tránh leo thang căng thẳng và tuân thủ luật nhân quyền quốc tế.

Ngày 16/9, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã để ngỏ khả năng vụ tấn công các nhà máy lọc dầu của Aramco sẽ được thảo luận trong khuôn khổ cuộc hội đàm ba bên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani sắp diễn ra tại Ankara. Trả lời câu hỏi về việc liệu Nga có tăng cường sản lượng dầu mỏ sau vụ việc trên nay không, ông Peskov đã nói về sự chờ đợi và nghe ngóng những gì diễn ra tiếp theo. “Ả rập Xê út đã tuyên bố rằng nước này sẽ nhanh chóng khôi phục sản lượng. Đây là lý do tại sao chúng tôi chờ đợi những động thái của Ả rập Xê út và giám sát chặt chẽ những phản ứng của thị trường dầu mỏ thế giới” – ông Peskov nói./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực