Cần xác định doanh nghiệp được hỗ trợ những gì?

Thứ ba, 23/05/2017 21:38
(ĐCSVN) – Chiều 23/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến về một số vấn đề của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. Về quan điểm xây dựng Luật: Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ về quan điểm xây dựng dự án Luật này, nên thiết kế theo luật khung hay luật chi tiết.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật này được thiết kế theo hướng kết hợp cả luật khung và luật chi tiết. Đối với những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có DNNVV mà các luật khác đã có quy định (như Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu, các Luật về thuế, các Luật khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ...) thì Luật này chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. Một số quy định trong Nghị định số 56/2009  về trợ giúp phát triển DNNVV đã ổn định, được đánh giá phù hợp sẽ được luật hóa chi tiết, chỉ rõ đối tượng thực hiện.

Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, điển hình là của Hàn Quốc, theo đó để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, cần quy định danh mục sản phẩm mà doanh nghiệp lớn không được đầu tư sản xuất.

Nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi, tính kịp thời của dự án Luật vì giao Chính phủ quy định quá nhiều nội dung hoặc phải sửa các luật có liên quan và phải mất nhiều năm mới có thể hoàn tất để Luật này đi vào cuộc sống. Đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng, chỉ thông qua khi dự án Luật có tính khả thi cao, cân nhắc tiếp tục trình Quốc hội xem xét ở kỳ họp thứ 3 và thông qua vào kỳ họp thứ 4.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DNNVV là vô cùng cấp bách để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, chỉ đưa vào dự thảo Luật những nội dung phù hợp có tính ổn định đã được tổng kết thực tiễn. Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế yêu cầu Cơ quan soạn thảo phải hoàn tất toàn bộ các văn bản mà dự thảo Luật giao Chính phủ quy định (11 nội dung hỗ trợ và 3 Chương trình trọng tâm) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời rà soát các luật có liên quan để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đồng bộ với Luật này ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Tại phiên họp chiều nay, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù đây là Luật mang tính nguyên tắc và sẽ tiếp tục được cụ thể hóa bằng các luật chuyên ngành khác, song các đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn về hiệu quả và tính khả thi của Luật vì nhiều quy định còn quá chung chung, chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Các ý kiến thảo luận cơ bản đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung còn bất cập của dự thảo Luật. Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung thêm tiêu chí doanh thu, cân nhắc doanh thu từ 200 đến 300 tỷ đồng, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người, thay tiêu chí số lao động bình quân bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Việc bổ sung quy định này là để tránh trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 200 lao động nhưng chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 200 lao động mà vẫn được hưởng hỗ trợ.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ)

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đưa vào rất nhiều lĩnh vực hỗ trợ như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo…, song các quy định hỗ trợ này lại rất chung chung, không quy định cụ thể hỗ trợ thế nào, mức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ. Đại biểu Hoàng Quang Hàm  (đoàn Phú Thọ) cho rằng: Giai đoạn hiện nay nên tập trung cải cách bộ máy tổ chức để thực hiện tốt việc phục vụ cho doanh nghiệp phát triển; đổi mới tinh thần phục vụ của công chức, cải cách thủ tục hành chính từ thủ tục thành lập, thủ tục kê khai nộp thuế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giảm thời gian chi phí cho doanh nghiệp. Về nguồn lực hỗ trợ thì Luật nên cân nhắc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách. Hiện nay điều này chưa thấy nhiều, cụ thể ở trong Luật.

Một số ý kiến đề nghị để việc hỗ trợ thực sự có hiệu quả thì các quy định hỗ trợ trong dự thảo Luật cần xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp. Đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) đề nghị dự thảo Luật có nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần phải xuất phát từ việc doanh nghiệp cần hỗ trợ gì chứ không phải xuất phát từ khả năng nhà nước có thể hỗ trợ được những gì. Vì vậy việc quy định chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần phải được xác định trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu hỗ trợ quá nhiều chính sách trong khi nguồn lực không đủ sẽ dẫn đến các chính sách dàn trải không có trọng tâm, trọng điểm và không có hiệu quả.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) 

Cùng chung nhận định rằng các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong dự thảo Luật còn rất chung chung, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, các nội dung còn lại của chính sách hỗ trợ chung như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ công nghệ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc..., vẫn chưa cụ thể, chưa kết nối đầy đủ các văn bản luật chuyên ngành về nội dung đó.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đối với việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại dự thảo còn rất chung , chưa cụ thể, ví dụ như Nhà nước khuyến khích hay doanh nghiệp nhỏ và vừa được các cơ quan, tổ chức hay cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch của doanh nghiệp để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng. Các quy định này rất khó để xác định được cụ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ những gì, như thế nào và ra sao, đơn vị cụ thể nào hỗ trợ. Do đó đề nghị xem xét, đưa ra những quy định cụ thể hơn, khả thi hơn để dễ áp dụng trong thực tế.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị dự án Luật cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm, vai trò của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân(đoàn Thái Bình), đây là luật khung về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ luật khung chuyển sang triển khai các hỗ trợ cụ thể là cả một chặng đường khó khăn và phức tạp. Nếu không nêu trách nhiệm cụ thể cho những hiệp hội cụ thể sẽ gây khó khăn cho việc nắm bắt các đầu mối triển khai và sẽ trở lại tình trạng chung chung, không có ai chịu trách nhiệm.

Giải trình về nhận định của nhiều đại biểu khi cho rằng dự thảo Luật còn chung chung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: nếu quy định chi tiết sẽ làm giảm đi tính ổn định, lâu dài của Luật. Còn quy định mang tính nguyên tắc thì căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ điều chỉnh linh hoạt hơn để có các quy định cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng thời kì.

Theo chương trình, ngày mai (24/3) Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 và thảo luận ở hội trường về dự án luật này./.

Tin, ảnh:Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực