Cần tạo hành lang pháp lý để bảo vệ y, bác sĩ

Thứ ba, 22/05/2018 14:27
(ĐCSVN) – “Người bác sĩ khi đối diện với bệnh nhân phải được bảo đảm chỉ tập trung làm chuyên môn cứu chữa bệnh nhân thôi, mỗi sơ sẩy mà sau đó không có sự bảo vệ của ngành, của lực lượng chuyên nghiệp thì không được...” – đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu thảo luận sáng 22/5. (Ảnh: KT)

Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017). Đồng thời, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Thiếu hành lang pháp lý bảo vệ y, bác sĩ

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu hiện tượng nổi lên gây bức xúc lớn trong dư luận là việc xảy ra nhiều vụ tấn công cán bộ y tế trong bệnh viện. Điều này đang gây tâm lý lo lắng cho đội ngũ cán bộ y tế và ảnh hưởng đến người điều trị.

“Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng việc tấn công cán bộ y tế - người đang điều trị cho bệnh nhân đã tước đi quyền điều trị cho những bệnh nhân kế tiếp. Có thể so sánh việc tấn công cán bộ y tế như tấn công phi công, lái xe đang thi hành nhiệm vụ” – đại biểu nhấn mạnh. Từ đó, đề nghị cần lưu ý vấn đề này, tránh để diễn ra tràn lan, trở thành phổ biến.

Đồng tình với phát biểu trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phải tạo ra một hành lang pháp lý, một cơ chế để bảo vệ nhân viên y tế hoạt động. “Theo dõi vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương mấy ngày vừa rồi, bản thân chúng tôi làm trong ngành y tế rất đau lòng, hoang mang. Phải xác định đúng người, đúng tội chứ tại sao lại quy hết cho bác sĩ trực tiếp làm và lo cứu bệnh nhân trong khi bác sĩ đó làm sao biết chất lượng nước như thế nào?” – đại biểu nói.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong nghề y, bác sĩ nào cũng muốn cứu chữa để bệnh nhân khỏi nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, có những việc xảy ra ngoài ý muốn. Người bác sĩ khi đối diện với bệnh nhân phải được bảo đảm chỉ tập trung làm chuyên môn thôi, mỗi sơ sẩy mà sau đó không có sự bảo vệ của ngành, của lực lượng chuyên nghiệp thì không được. Bà nhấn mạnh: “Đương nhiên, bác sĩ không phải muốn làm gì thì làm, nhưng phải có hành lang pháp lý".

Cũng theo bà, bên cạnh cơ sở vật chất, điều quan trọng nhất trong ngành y là con người. Đại biểu thẳng thắn hỏi: “Tại sao chúng tôi không thấy những đề xuất chính thức từ phía Bộ Y tế về cơ chế đãi ngộ cho bác sĩ?”.

Đại biểu bày tỏ: “Tôi chỉ ước mơ ít ra bằng được hệ thống bảo hiểm, mức lương của họ bằng 1,8 lần, lương trung bình là 8,86 triệu. Trong khi chúng tôi, cho dù khi ra trường có thể đã là tiến sĩ dược thì lương cũng bắt đầu tất cả từ bậc 1, khi tập sự cũng chỉ hưởng 85% lương. Thử hỏi làm sao thu hút người tài?".

Ở khía cạnh khác, đại biểu cũng cho biết, hiện có việc các bác sĩ từ hệ thống công lập “chân trong chân ngoài” làm thêm, thậm chí rời bỏ hệ thống công lập ra ngoài với mức lương gấp nhiều lần. “Kêu gọi bác sĩ thể hiện y đức nhưng phải tạo môi trường để bác sĩ thể hiện y đức, người ta phải nuôi sống được gia đình, bản thân, con cái, có tích lũy, còn nếu như thế này vô cùng bất công” – đại biểu khẳng định.

Phải thực hiện cuộc “chấn hưng” nền nông nghiệp

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh), khoảng cách giàu nghèo trong nước đang giãn ngày càng tăng, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao với số lượng 21,6 triệu lao động nông nghiệp. Thế nhưng năng suất lao động khu vực này thấp làm năng suất lao động chung thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Do đó phải thực hiện một cuộc "chấn hưng" nền nông nghiệp vì có lao động đông, dân số sống đông. “Nếu làm tốt hơn việc chấn hưng nền nông nghiệp Việt Nam sẽ giúp giải quyết vấn đề thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng năng suất lao động” – đại biểu nhận định.

Theo đại biểu, có hai giải pháp Chính phủ cần lưu tâm là giảm chi phí logistics và ứng dụng công nghệ cao.

Cũng về vấn đề phát triển nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không một kỳ họp Quốc hội nào mà vấn đề nông nghiệp không được đặt ra. Đại biểu thẳng thắn nhận định, tổ chức sản xuất nông nghiệp của chúng ta không ổn, vì thế đời sống của nông dân luôn khó khăn. Người nông dân vẫn loay hoay trên mảnh đất của mình, họ không còn mặn mà với đất sản xuất. Cho dù phát triển công nghệ đến mức nào thì tư liệu sản xuất là đất vẫn phải giữ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nông dân bỏ đất đi làm nghề khác có thể thu nhập cao hơn, nhưng nếu vẫn trên mảnh đất đó chúng ta tổ chức được sản xuất, để người nông dân có thu nhập, sống được, bám đất bám làng vẫn là tốt hơn cả.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách vĩ mô, toàn diện về phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh sản xuất công nghiệp, chế biến đang chậm lại.

“Chính phủ cần tiếp thu ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội trong vấn đề này, không để năm nào báo cáo cũng lặp lại nội dung đời sống nông dân còn nhiều khó khăn”, đại biểu nhấn mạnh./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực