Cần làm rõ vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam

Thứ tư, 11/07/2018 13:37
(ĐCSVN) – Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam trình Phiên họp thứ 25 quy định “Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển”.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 25. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 25 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngay sau khai mạc Phiên họp, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (UBQPAN) Võ Trọng Việt cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sau kỳ họp, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CSBVN. 

Theo đó, về vị trí của CSBVN, đa số ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; một số ý kiến đề nghị quy định CSBVN là lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; có ý kiến đề nghị không quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân; có ý kiến đề nghị quy định CSBVN trực thuộc Chính phủ.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết, hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến khó lường; tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng; môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ CSBVN thường xuyên phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có thể hy sinh. Nếu quy định CSBVN là lực lượng dân sự thì khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển như trong thời gian vừa qua.

Nếu quy định CSBVN là lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam thì không phù hợp với xu thế quốc tế trong việc sử dụng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thực hiện các biện pháp pháp luật, nhân đạo, hòa bình để quản lý, bảo vệ biển; sẽ gây hiểu nhầm Việt Nam sử dụng lực lượng quân sự giải quyết các vấn đề trên biển. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH không quy định nội dung trên trong dự thảo Luật.

Trong khi đó, theo Thường trực UBQPAN thì Dự thảo Luật Chính phủ trình quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” là không phù hợp với Hiến pháp 2013, không thống nhất với Luật Quốc phòng, dễ gây hiểu nhầm CSBVN tương đương Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hoặc Dân quân tự vệ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho thay từ “là” bằng từ “thuộc” và viết lại thành “Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tuy nhiên, góp ý về vị trí của lực lượng CSBVN, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng trước hết phải khẳng định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, còn thuộc ai thì tính thêm, phân công để phù hợp thông lệ quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ quan điểm không nên thay đổi lại vị trí của lực lượng CSBVN. Lí do là những nhiệm vụ, quyền hạn của CSB được quy định tại dự luật đều là những nhiệm vụ mà lâu nay lực lượng CSB vẫn làm. Vì vậy, để thể hiện kế thừa pháp lệnh hiện hành thì nên quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân.

Mặt khác, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, từ khi thành lập lực lượng CSBVN đến nay thì chưa có tổ chức quốc tế và cơ quan tổ chức nào có khiếu nại hoặc cho rằng lực lượng này làm chấp pháp trên biển là có vi phạm pháp luật quốc tế.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Pháp lệnh cũ quy định CSBVN là lực lượng vũ trang, việc sửa từ “là” thành “thuộc” không thay đổi bản chất. Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh, Luật CSBVN ra đời phải đạt mục đích nâng cao vị thế, sức mạnh của CSBVN để thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển.

Ngoài vấn đề trên, các thành phiên UBTVQH còn cho ý kiến về: phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; quy định các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam; về phối hợp hoạt động…

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực