Cần có luật về bảo vệ thông tin cá nhân

Thứ sáu, 08/11/2019 14:49
(ĐCSVN) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thông tin đời tư bị khai thác quá đà, bị xâm phạm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta cần một bộ luật về vấn đề này. Các quốc gia trên thế giới đều có bộ luật về bảo vệ thông tin cá nhân.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (tỉnh Hòa Bình) đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Quang Khánh)

Sáng nay 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (tỉnh Hòa Bình) nêu vấn đề, tại Khoản 1, Điều 21 Hiến pháp quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Như vậy, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, theo đại biểu hiện nay, nhiều báo chí thông tin trên mạng khai thác quá mức cần thiết thông tin đời tư, gây  thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thực trạng pháp luật về quản lý báo chí, thông tin về vấn đề này? Nên chăng cần có Luật Bảo vệ thông tin đời tư bí mật cá nhân, một trong những quyền cơ bản được hiến định trong tình hình bùng nổ thông tin hiện nay hay không?.

Trả lời đại biểu Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguyên nhân rất đơn giản là vì “chúng ta quá dễ trong việc cung cấp thông tin cá nhân”. Bộ trưởng đưa ra ví dụ, vài ngày trước Bộ trưởng đi làm kính  thì được cửa hàng đề nghị cung cấp một loạt thông tin cá nhân như: Tên, địa chỉ, số điện thoại, nghề nghiệp; đi mua sắm ở siêu thị, cũng được yêu cầu điền tất cả thông tin cá nhân vào đơn để làm thẻ giảm giá...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện chúng ta mới chỉ có một quy định pháp luật về những doanh nghiệp sở hữu thông tin cá nhân của người sử dụng như thế nào, được phép sử dụng vào việc gì, cái gì cần phải xin phép khách hàng, người sử dụng mới được công bố. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải có một Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ xây dựng dự thảo Nghị định này.

Chưa hài lòng với phần trả lời trên, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy nhắc lại mong muốn Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề hành lang pháp lý trong việc quản lý thông tin khi đưa thông tin cá nhân, bí mật đời tư lên báo chí: Theo Bộ trưởng thì quy định pháp luật nào để bảo vệ các thông tin bí mật cá nhân về đời tư? Đề nghị Bộ trưởng cho biết, tình trạng báo chí hiện nay đưa thông tin về các vụ việc của một nhân vật nào đó thì thường là khai thác quá sâu về hoàn cảnh gia đình, lịch sử cũng như thân thế của họ và như vậy thì có phải là đã xâm phạm đến đời tư của cá nhân hay không và pháp luật để xử lý trong những trường hợp này như thế nào?.

Vị nữ đại biểu đoàn Hòa Bình cũng đề nghị, Bộ trưởng cần làm rõ việc, chúng ta có cần có Luật bảo vệ về thông tin đời tư bí mật cá nhân ở thời điểm bùng nổ thông tin trên các trang mạng xã hội hay không?.

Trả lời lại đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay Luật Báo chí có quy định các hành vi vi phạm, điều cấm, có nghĩa là chúng ta xử phạt được. Trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý 3 vụ liên quan đến báo chí khai thác quá sâu thông tin đời tư, cá nhân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, giải pháp cho vấn đề này vừa là vấn đề luật pháp, vừa là vấn đề tuyên truyền giáo dục. Trước câu hỏi chúng ta có cần một bộ luật không, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cần một bộ luật về vấn đề này. Các quốc gia trên thế giới đều có bộ luật về bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực