Cái lõi của Đề án chính quyền đô thị là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản

Thứ sáu, 07/09/2018 16:11
(ĐCSVN) – Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cái lõi của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố (TP) Hà Nội là làm thế nào để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của TP; làm thế nào để hệ thống chính trị, chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và tăng cường phân cấp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh:TH)

Sáng 7/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy kiến góp ý của Hội đồng lý luận Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Xây dựng chính quyền đô thị TP. Hà Nội theo hướng đô thị thông minh

Khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ: Với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan trung ương của toàn bộ hệ thống chính trị, đồng thời cũng là thành phố lớn với mật độ dân số cao. Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vược bậc; khu vực đô thị của thành phố với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng cơ bản đồng bộ, thống nhất và tương đối hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, phường. Khu vực nông thôn và đô thị cũng không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý. Tại các huyện, xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của nhân dân có sự đan xen giữa các yếu tố của nông thôn và đô thị và ngày càng phát triển theo hướng đô thị hóa...

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động chính quyền các cấp ở TP Hà Nội hiện nay trên thực tế còn có một số hạn chế, bất hợp lý, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng; mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với UBND cùng cấp và mối quan hệ của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với UBND cùng cấp còn nhiều bất cập.

Tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã “đồng ý để TP. Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.

Hà Nội là địa phương đầu tiên được Trung ương và Chính phủ giao cho xây dựng mô hình chính quyền đô thị, theo hướng xây dựng mô hình chính quyền đô thị Hà Nội với đặc trưng Thủ đô và đô thị đặc biệt đang trong quá trình đô thị hóa nhanh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, xuất phát từ những căn cứ, cơ sở thực tiễn trên, việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền TP Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Đồng thời, nêu rõ mục tiêu của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).


GS.TS Vũ văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương 
phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh:TH)

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội có kết cấu 4 phần: Sự cần thiết, căn cứ và cơ sở xây dựng đề án; thực trạng tổ chức chính quyền TP; định hướng và nội dung tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP; tổ chức thực hiện đề án.

Cần mạnh dạn nghiên cứu, đặt vấn đề xây dựng chính quyền đô thị thủ đô Hà Nội

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào 3 vấn đề: Cơ chế, chính sách phân cấp; các phương án mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội được xây dựng trong dự thảo đề án; tổ chức, hoạt động của tổ chức Đảng, MTTQ với các tổ chức chính trị xã hội trong mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị của TP.

Các đại biểu cho rằng, bản dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội đến thời điểm này được chuẩn bị công phu, cơ bản đã hoàn chỉnh, khoa học, có tính khả thi cao. Để tăng tính thuyết phục, PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung vào những quan điểm quan trọng. Trong đó, cần làm rõ thêm tư duy quản lý của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Chính quyền đô thị phải gọn bộ máy, gọn tổ chức nhưng rõ thẩm quyền và cách thức hành động để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Trong giai đoạn đầu chỉ nên tổ chức lại cấp phường, tuy nhiên, giữ lại mô hình nhưng phải điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp trong giai đoạn mới.

Đề cập đến nội hàm của đề án, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo góp ý, đề án này cần tập trung vào xây dựng mô hình chính quyền Thủ đô Hà Nội chứ không phải chính quyền đô thị chung chung. Do đó, tên gọi của đề án cũng nên thay đổi theo hướng đó, cần mạnh dạn nghiên cứu, đặt vấn đề xây dựng chính quyền đô thị thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Cùng quan điểm với đồng chí Nguyễn Thế Thảo, GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đồng tình với quan điểm thiết lập đề án theo hướng xây dựng chính quyền đô thị Thủ đô Hà Nội với những đặc thù của Thủ đô, không phải của một thành phố bình thường. Đồng thời, dự thảo đề án phải rõ về phần kiến nghị, nhất là những kiến nghị nhằm nâng cao sự tự chủ của chính quyền Thủ đô.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị của cả nước, có tính chất rất đặc thù nên xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cũng phải thể hiện rõ tính đặc thù, đó là xây dựng chính quyền đô thị của Thủ đô.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - GS.TS Phùng Hữu Phú lại góp ý đề án cần có cách tiếp cận mới hơn bởi trong đó hiện có tư duy đồng nhất mà không phân biệt giữa đô thị và nông thôn. Trong bối cảnh hiện nay, nên xây dựng mô hình quản lý đô thị thông minh ở Thủ đô Hà Nội bởi vấn đề quản lý lúc này không chỉ là phân cấp, phân quyền mà là tương tác, kết nối giữa chính quyền thành phố đến chính quyền cơ sở. Phải làm thế nào để xây dựng đô thị thông minh với mục đích chính là xây dựng hạ tầng thông minh, kết nối, xây dựng quản trị thông minh, xây dựng hệ thống quản lý quản trị thông minh, gắn với đó là xây dựng công dân thông minh.


GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương 
phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh:TH)

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ, trong quá trình xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội, TP cũng nhận rõ đây là vấn đề rất mới và rất khó. Vì thế, TP đã soạn thảo đề án một cách rất thận trọng, nghiêm túc, tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến. Có thể nói, hiếm có đề án nào được làm công phu đến thế.

Trao đổi về những băn khoăn của các đại biểu, đồng chí Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội là đô thị đặc biệt, là 1/17 siêu đô thị vùng châu Á - Thái Bình Dương với những thách thức đặt ra ngày càng lớn hơn. Kinh tế Thủ đô ngày càng phát triển, dân số Hà Nội mỗi năm tăng thêm tương đương với số dân của một huyện. Trong khi, hạ tầng đô thị chậm phát triển, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của Thủ đô...

Tuy nhiên, để đối phó với những thách thức và đòi hỏi to lớn đó, Hà Nội lại thiếu thẩm quyền, thiếu quyền tự chủ. Ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành, những cơ chế đặc thù dành cho Hà Nội cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

Chính vì vậy, khi được Bộ Chính trị cho phép xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố đã bắt tay vào cuộc với quyết tâm và kỳ vọng rất lớn. Đồng thời, thành phố cũng ý thức rất rõ về tính chất khó khăn, phức tạp của đề án này, nhất là những khó khăn khi đề xuất những đặc thù, đặc quyền cho Thủ đô.

Trao đổi thêm với các đại biểu về nội dung quan trọng nhất của đề án, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, đó chính là để xây dựng một chính quyền hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu, vị thế, vai trò của Thủ đô cũng như nhu cầu của người dân. Trong đề án này cũng đã đưa vào kế hoạch về phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

“Cái lõi của Đề án này là làm thế nào để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của TP; làm thế nào để hệ thống chính trị, chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và tăng cường phân cấp được; không chỉ phân cấp từ Trung ương xuống địa phương mà phân cấp ngay từ TP xuống quận huyện thị, từ quận, huyện xuống xã, phường. Từ mô hình đó, các thủ tục hành chính cũng sẽ được phân cấp xuống cấp dưới, giúp người dân được tiếp cận các thủ tục đó qua hệ thống chính quyền điện tử, tăng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Đồng chí Hoàng Trung Hải thông tin, với quan điểm phải làm thật kỹ, thật chặt chẽ, đủ điều kiện rồi mới trình lên thì dự kiến tháng 12/2018 tới đây, Hà Nội mới trình Bộ Chính trị. Sau Hội thảo, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội…/.

Lan Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực