Bù lỗ khoảng 40 tỉ đồng mỗi năm để xuất bản, phát hành sách giáo khoa

Thứ sáu, 21/09/2018 18:07
(ĐCSVN) - Ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ, NXB đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng. Điều này đã được các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế… kiểm tra, xác nhận.
Ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam trao đổi với báo chí. (Ảnh: KT).

Trước những nghi ngại của dư luận xung quanh câu chuyện sách giáo khoa (SGK), chiều 21/9, NXB Giáo dục Việt Nam đã có cuộc gặp mặt và trao đổi với nhiều cơ quan báo chí.

Tham dự cuộc gặp mặt có: ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam; ông Hoàng Lê Bách – Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam; ông Lê Hoàng Hải – Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam.

Đã khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK

Tại cuộc gặp mặt, trao đổi về ý kiến SGK chỉ sử dụng được một lần, ông Hoàng Lê Bách thông tin, về cơ bản, SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách. Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển. Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)… 

Ông Bách phân tích, đối với sách Toán dành cho học sinh Tiểu học, đặc biệt là sách Toán 1, học sinh bắt đầu được làm quen với các số tự nhiên, các phép toán cộng trừ và các hình khối cơ bản. Với lứa tuổi này, học sinh chưa có kỹ năng viết, vẽ thành thạo. Bên cạnh đó, để có thể hiểu và khắc sâu kiến thức toán, cần đa dạng hóa các dạng bài tập và cách diễn đạt đề bài bắt buộc phải thiết kế các dạng “điền trống”, “ghép cặp”, “khoanh kết quả đúng”,… để học sinh có thể dễ dàng thực hiện được trên vở ghi.

Đáng chú ý, ông Bách cho biết, các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976 - 1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980 - 1989; sách Toán 1 xuất bản giai đoạn 1990 - 2002, đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên.

Tuy vậy, theo ông Bách, để tránh việc học sinh điền trực tiếp vào SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong các văn bản hướng dẫn giảng dạy.

Mặt khác, các tác giả đã có những khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên, qua chú thích dưới các bài tập trắc nghiệm trong SGK. Ông ví dụ: Trong SGK Ngữ văn 7, trang 15 (hoặc Ngữ văn 9, 11), lần đầu tiên xuất hiện “lệnh” Điền/Viết vào chỗ trống, tác giả đã lưu ý chú thích cuối trang là “Học sinh chép lại và làm vào vở bài tập”.

Vẫn theo ông Bách, việc giới thiệu các dạng bài tập trắc nghiệm như đã nêu ở trên còn do yêu cầu về phương pháp dạy học. Điều đó góp phần cụ thể hoá chủ trương: Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học phải gắn liền với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, không chỉ đổi mới mục đích, nội dung, phương pháp đánh giá mà còn phải đổi mới cả phương tiện và công cụ đánh giá. Trong văn bản Chương trình Giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT đã ghi rõ: “Kết hợp các biện pháp đánh giá bằng bài tự luận, bài trắc nghiệm và bằng quan sát của giáo viên nhằm đảm bảo độ chính xác, tin cậy của hoạt động đánh giá”.

Về vấn đề sử dụng lại SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm. NXB Giáo dục Việt Nam không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.

Trong nhiều năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát động và duy trì phong trào sử dụng lại SGK cũ. “Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng SGK cũ được học sinh sử dụng lại” – ông Bách khẳng định.

Hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ

Ông Lê Hoàng Hải chứng minh nội dung SGK giữ ổn định từ khi
biên soạn bộ sách (2002 - 2008) đến nay. (Ảnh: KT).

Tại cuộc gặp mặt, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cũng thông tin tới các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến tài chính.

Cụ thể, về giá SGK, ông Bách cho biết, giá không thay đổi trong 8 năm qua (từ năm 2011 đến nay). Bảng giá SGK được đăng tải trên website (www.nxbgd.vn) và niêm yết tại các cửa hàng của NXB Giáo dục Việt Nam.

Hơn nữa, danh mục SGK của từng lớp được in trên bìa 4 của sách để phụ huynh và học sinh có thể căn cứ vào đó chọn mua đúng tên, số lượng SGK đúng theo danh mục quy định.

Đề cập tới chi phí đầu vào và giá thành của SGK, ông Bách cho hay, các khoản chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK đều biến động tăng, từ yếu tố chi phí nguyên nhiên vật liệu (giấy in, chi phí điện, nước, xăng dầu…), chi phí nhân công, tiền công in trả các nhà in, chi phí vận chuyển... đều tăng mạnh qua các năm.

Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.

Đáng chú ý, về doanh thu và lợi nhuận bán SGK, do chi phí đầu vào của SGK tăng cao, trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXB Giáo dục Việt Nam đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ.

Ông Bách chia sẻ, NXB Giáo dục Việt Nam đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng. Điều này đã được các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế… kiểm tra, xác nhận và kiến nghị NXB Giáo dục Việt Nam có giải pháp khắc phục, hạn chế việc bù đắp lỗ cho hoạt động xuất bản phát hành SGK.

Cụ thể: Tại “Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục Việt Nam” ngày 26/01/2018 của Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận: Doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,8 tỷ đồng. Doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,3 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập kiểm toán số liệu: doanh thu SGK là 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng.

Hàng năm, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều lượt tặng sách cho thư viện trường học, các tủ sách dùng chung và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, NXB Giáo dục Việt Nam cũng hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo... nơi SGK được mua bằng nguồn vốn ngân sách để cung cấp cho học sinh vùng sâu, vùng xa./.

 Ông Hoàng Lê Bách: “Cần phân biệt rõ SGK và sách tham khảo. SGK là do Bộ GD&ĐT ban hành sử dụng thống nhất trong toàn quốc, thông thường bao gồm sách học sinh và sách giáo viên. Sách tham khảo là mảng sách giúp học sinh thực hành, luyện tập thêm về kiến thức, kĩ năng. Sách tham khảo được học sinh chọn mua theo nhu cầu luyện tập và mở rộng kiến thức trên tinh thần tự nguyện. Đây là mảng sách ngoài NXB Giáo dục Việt Nam thì còn được nhiều NXB khác xuất bản”.
Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực