Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Có tình trạng xin về xã nghèo, huyện nghèo”

Thứ hai, 17/09/2018 15:09
(ĐCSVN) - Dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, song Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Có tình trạng xin về xã nghèo, huyện nghèo. Thậm chí, có những huyện chúng tôi đánh giá thoát nghèo rồi nhưng vẫn muốn xin cho ở lại nghèo để hưởng cơ chế 30a”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp (Ảnh: KT)

Sáng 17/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo

Báo cáo kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trình bày cho thấy, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,70% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0 - 1,3% so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3 - 4%/năm, đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo Nghị quyết 142/2016/QH13. Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); bên cạnh 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo, một số tỉnh thuộc khu vực khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.

Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ thừa nhận dù kết quả giảm nghèo trong 02 năm (2016-2017) đạt mục tiêu Quốc hội giao nhưng kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững; tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo, do các nguyên nhân tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước...

Ghi nhận những thành tựu đã đạt được, song thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề xã hội chỉ ra, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Đến tháng 3/2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao.

Đặc biệt, hết năm 2017, số hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo chiếm tới 1,8% hộ nghèo cả nước.

Trước những hạn chế trên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh tới một số nguyên nhân chủ quan là “tình trạng không muốn thoát nghèo; chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục sự ỷ lại; hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế”.

Có tình trạng xin về xã nghèo, huyện nghèo

Nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại trước con số có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. Thêm vào đó, là tình trạng một số tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội nhưng tỷ lệ tái nghèo vẫn cao như: Kiên Giang, Khánh Hòa… Theo ông, cần chỉ ra giải pháp căn cơ cho tình trạng này.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đặt câu hỏi: Số liệu trong báo cáo xác thực đến đâu? Có còn tình trạng “phấn đấu” trở thành hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo không? Bởi nhiều báo cáo từ trước đến nay đều đánh giá đời sống nhân dân cải thiện, tốc độ giảm nghèo rất nhanh nhưng những con số trong báo cáo lại rất đáng băn khoăn.

Quan tâm tới tốc độ giảm nghèo không đồng đều; nhiều huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ ra, những huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao đều là những huyện nằm ở tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng. Bà đặt câu hỏi: “Tại sao tất cả cơ chế chính sách, con người, nguồn lực như nhau nhưng có nơi tốc độ giảm nghèo nhanh, có nơi chậm. Tại sao những huyện này lại tập trung ở tỉnh miền núi phía Bắc, ngoài yếu tố khách quan là thiên tai, bão lũ thì nguyên nhân chủ quan là gì?”.

Đề cập đến việc trục lợi trong chính sách giảm nghèo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Bà dẫn lại báo cáo của cơ quan thẩm tra đánh giá, “Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các Bộ, ngành, địa phương đều tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách nhưng kết quả phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này rất hạn chế, trong khi dư luận xã hội và báo chí phản ánh nhiều về tình trạng cán bộ đưa người thân không đúng đối tượng vào danh sách hộ nghèo để trục lợi chính sách; hoặc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, về cây, con giống lại không phải hộ nghèo; hoặc sai phạm trong sử dụng vốn, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, hiệu quả sử dụng vốn thấp”.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga phát biểu: “Chúng ta cũng đã xem nhiều bài báo phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng “dê, bò đi vào nhà Chủ tịch xã”… Chúng tôi muốn biết sự thực tình trạng này như thế nào, con số đã xử lý ra sao?”.

Giải trình tại phiên họp về con số có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lí giải, trước khi có Nghị quyết 76 thì có 64 huyện nghèo và 30 huyện được hưởng cơ chế theo tinh thần Nghị quyết 30a. “Hiện nay có 8 huyện ra khỏi 30a, như vậy chỉ còn 56 huyện hưởng 30a; còn 29 huyện hưởng cơ chế như 30a chứ không phải chúng tôi đưa 29 huyện này vào” – Bộ trưởng thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng, các vùng vừa qua có tỷ lệ hộ nghèo tăng nhanh chủ yếu do chịu ảnh hưởng thiên tai lũ lụt như những tỉnh vùng phía Bắc: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu... Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết có tình trạng tách hộ. “Câu chuyện có thật ở Nam Định vừa rồi là có tình trạng con cái tách hộ với bố, mẹ nên toàn bộ người già coi như hộ độc lập, nằm trong hộ nghèo này”.

Trước câu hỏi của Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận “có tình trạng xin về xã nghèo, xin về huyện nghèo. Thậm chí, có những huyện chúng tôi đánh giá thoát nghèo rồi nhưng vẫn muốn xin cho ở lại nghèo để hưởng cơ chế 30a”.

Về vấn đề trục lợi chính sách, theo Bộ trưởng, trước đây chúng ta thực hiện bình xét nên có chuyện ‘năm nay nhà tôi nghèo, sang năm nhường cho người khác”. Thế nhưng hiện nay đã chuyển sang tiêu chí thì công khai, minh bạch hơn nên về cơ bản khắc phục được tình trạng trục lợi như trước đây. “Một số vụ việc báo chí nêu thì chủ yếu là trục lợi chính sách hỗ trợ, nguồn hỗ trợ chứ không nằm trong chương trình này; ví dụ như: Một số xã ở Nam Định xảy ra tình trạng Chủ tịch xã cho vợ, con đi làm con nuôi người khác để hưởng chính sách. Vừa qua có trường hợp Chủ tịch xã đi tù về việc này. Một số trường hợp khác khi phát hiện đều xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực