Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh làm việc với Công an TP.Hồ Chí Minh và Cảnh sát PCCC Thành phố

Thứ sáu, 26/05/2017 22:52
(ĐCSVN) - Chiều 26/5, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã đến thăm, làm việc với Ban Giám đốc, chiến sĩ Công an TP.Hồ Chí Minh.

Báo cáo với Bí thư Thành ủy, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an thành phố cho biết, hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp; có sự hình thành, liên kết nhanh giữa các đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác. Đặc biệt, hiện nay, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, hình thành bạo lực tập thể dã man trong nhóm thanh thiếu niên nhập cư không có việc làm, công nhân do mâu thuẫn bộc phát và không rõ ràng, liều lĩnh. Trong những tháng đầu năm 2017 cũng nổi lên tình trạng cướp giật trẻ tuổi, lừa đảo công nghệ cao tiếp diễn; lừa đảo qua mạng xã hội, trộm đột nhập và chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn, chuyên nghiệp. Các băng nhóm tội phạm hoạt động khắp nơi, vươn sang tận Campuchia. Tội phạm xảy ra nhiều ở các quận 1, 9, 12, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân.

 

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Công an Thành phố (ảnh: V.Lê)

Về số liệu cụ thể, tình hình phạm pháp hình sự trong 6 tháng đầu năm 2017 tại thành phố ghi nhận 1.933 vụ, so với thời gian cùng kỳ năm trước giảm 69 vụ (-3,44%), làm chết 48 người, bị thương 257 người; đã điều tra khám phá 1.258 vụ (đạt 68,08%), bắt 1.295 tên. Về cơ cấu đối tượng: có tiền án tiền sự chiếm tỷ lệ cao (đối tượng có tiền án chiếm 11,89%; có tiền sự chiếm 25,79%), hầu hết là lao động tự do (66,87%) và không việc làm (28,88%), độ tuổi phần lớn từ 18 đến 30 tuổi (63,78%); đối tượng tại thành phố (63,93%), các tỉnh khác (31,04%). 

Theo Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh, nguyên nhân phát sinh tội phạm phần nhiều do ma túy. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do đối tượng bị ảnh hưởng của lối sống lệch lạc, khuynh hướng bạo lực, động cơ vụ lợi dẫn đến tha hóa, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia vào các xung đột lợi ích không chính đáng.

Về tội phạm ma túy, theo lãnh đạo Công an Thành phố, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Các băng nhóm mua bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp với số lượng lớn có chiều hướng gia tăng. Chúng lập “kho hàng” ở các tỉnh giáp ranh, sẵn sàng lập các đường dây mới thay thế khi các đường dây cũ bị triệt xóa với những phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động hơn, gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.

Đối với tội phạm kinh tế vẫn diễn biến phức tạp, đối tượng lợi dụng nhu cầu của người dân tăng cao trong dịp lễ, tết để tăng cường buôn lậu, buôn bán hàng cấm (thuốc lá ngoại nhập lậu, hàng điện tử, quần áo…) sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp (lương thực, thực phẩm, thuốc trừ sâu ..). Đã phát hiện 322 vụ việc, gồm 84 vụ kinh doanh hàng cấm, 4 vụ kinh doanh hàng ngoại nhập lậu, 32 vụ kinh doanh hàng giả… thu giữ hàng hóa trị giá khoảng 13,6 tỷ đồng.

Trước tình hình này, Công an TP.Hồ Chí Minh đã chủ động tham mưu Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, toàn diện và mang tính chiến lược. Ngoài ra, ngành công an đã vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo an ninh trật tự…

Tại buổi làm việc với Công an TP.Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với sự vất vả và trọng trách ngày càng lớn hơn của Công an TP.Hồ Chí Minh do phải quản lý một đô thị đã chạm mức dân số 10 triệu dân, với nguy cơ tội phạm ngày càng phức tạp.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, trong thời gian tới, công an thành phố cần tiếp tục bám sát tình hình, có những giải pháp kịp thời, quyết liệt để kéo giảm tội phạm.

“Thành phố hiện đang phấn đấu 4 giảm: giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tội phạm, đề nghị phải phát huy sức mạnh tổng hợp”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

•Cũng trong chiều nay, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm và làm việc với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.Hồ Chí Minh cho biết, địa bàn thành phố có gần 2.000 khu dân cư với khoảng 10 triệu dân, nhiều khu vực mật độ dân cư dày đặc. Trong số gần 29.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy hiện có hơn 11.000 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ. 

 

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Cảnh sát PCCC Thành phố (ảnh:Nguyễn Trà)

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 2.889 sự cố liên quan đến cháy, nổ và cứu hộ, trong đó có 2.536 vụ cháy làm 29 người chết và 69 người bị thương (riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 666 sự cố, tai nạn, trong đó 17 vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng làm 20 người chết, 30 người bị thương), thiệt hại ước tính hơn 300 tỷ đồng. Đối tượng xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân.

Lực lượng PCCC đã xử lý 943 sự cố về cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, cứu được 75 người bị tai nạn trong đám cháy, nổ và 100 người trong các tai nạn, sự cố, tìm được 73 thi thể nạn nhân bị tai nạn, đuối nước. Đáng chú ý, lực lượng PCCC tại chỗ đã kịp thời xử lý hơn 76% các vụ liên quan đến đến cháy nổ. Cùng với đó, cảnh sát PCCC Thành phố đã kiểm tra hơn 132.500 lượt cơ sở và phát hiện hơn 17.700 cở sở vi phạm các quy đinh PCCC; đồng thời tổ chức lập mới 3.237 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, diễn tập 2.811 phương án có nhiều lực lượng tham gia.

Tại buổi làm việc, Cảnh sát PCCC Thành phố cũng đưa ra những khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn hiện nay. Trong đó có việc thông tin báo cháy đến với lực lượng PCCC còn chậm, việc xử lý PCCC ban đầu tại chỗ yếu, nguồn nước phục vụ PCCC có nơi không đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, Dự án quy hoạch ngành PCCC đến năm 2025 triển khai còn chậm; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ PCCC từng bước được nâng cao nhưng chưa đồng đều, phương tiện cơ giới phục vụ PCCC còn hạn chế…

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC Thành phố vì đã luôn hoàn thành nhiệm vụ, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, hiện Thành phố còn 11.000 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, vì vậy các đơn vị chức năng phải tăng cường nhắc nhở, kiểm tra các cơ sở này và xử lý các trường hợp không chấp hành các quy định về PCCC. Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC cần phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân về thực hiện các biện pháp, các quy định về PCCC. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ công tác PCCC, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND Thành phố cân đối kinh phí, đề xuất HĐND Thành phố bố trí ngân sách, tập trung đầu tư lắp đặt đủ các trụ nước phục vụ PCCC, phấn đấu hoàn thành trước năm 2020./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực