Bảo đảm quy định cụ thể các chính sách bảo vệ và phát triển rừng

Thứ hai, 19/06/2017 17:09
(ĐCSVN) – Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật cần thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn nữa nội hàm của công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhất là chính sách của Nhà nước cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đa số các ý kiến đại biểu cho rằng cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững.

Về chính sách của Nhà nước trong BV&PTR, ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, trong Luật này cần bảo đảm quy định được các chính sách cụ thể về BV&PTR, tránh quy định mang tính chung chung, chưa đầy đủ. Để bảo đảm tính khả thi trong việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích BV&PTR, ĐB Nguyễn Sơn đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể trong Dự thảo Luật về chính sách đối với BV&PTR như quy định về rừng biên giới, để bảo vệ biên cương tổ quốc.

 Quốc hội thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: TH).

Đồng quan điểm, ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) nhấn mạnh bảo vệ và phát triển rừng có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong đó, đề nghị bổ sung một điều riêng quy định chính sách của Nhà nước bảo đảm và phát triển rừng, đặc biệt là chính sách thu hút người dân trồng rừng, phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp.


ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) đề nghị ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm bảo đảm cho người dân ở đây có thể sống bằng nghề rừng.

Nhấn mạnh cuộc sống của người dân gắn chặt với rừng, ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) cho rằng, chỉ khi nào người dân thấy bảo vệ rừng là đảm bảo cuộc sống của họ thì rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Theo ĐB Mùa A Vảng, các quy định như trong dự án Luật là chưa đủ, chưa khuyến khích và chưa nâng cao trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ rừng; cần quy định cụ thể hơn chính sách của Nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, ĐB Mùa A Vảng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ rừng, tái sinh rừng tự nhiên đồng thời giao Chính phủ quy định chính sách đặc thù cho vùng, miền để bảo vệ tốt rừng, khu vực xung yếu, biên giới và khu vực cung cấp các nguồn nước chính cho các thủy điện lớn”. 

Đồng tình cần có điều khoản quy định riêng về chính sách Nhà nước trong BV&PTR, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng cần bổ sung thêm những nội dung còn thiếu như ưu tiên đầu tư, khuyến khích chính sách khoa học công nghệ, chính sách đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số là những người gắn bó mật thiết với rừng. Đặc biệt, cần bổ sung tính công khai, minh bạch trong BV&PTR, đây là chìa khóa quan trọng, bởi bất cập thời qua một phần do chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác này.

Một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định để người dân sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được chia sẻ những lợi ích từ rừng, như tham gia bảo vệ rừng và được hưởng các lợi ích của chính sách BV&PTR, có quyền tiếp cận rừng, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm trồng xen dưới tán rừng… nhưng không làm ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học rừng.

Về các hành vi cấm, ĐB Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) đề nghị tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ, nếu không quy định cụ thể những gì pháp luật không cấm sẽ tạo sơ hở, gây khó khăn trong thực tiễn. Đồng thời, đề nghị cần quy định trách nhiệm các cấp, ngành có thẩm quyền để bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng

Liên quan đến quy định chuyển mục đích sử dụng rừng, thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng (Điều 25), một số ý kiến đề nghị cần phải quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong Dự thảo Luật những trường hợp được chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực