Báo chí Thái Lan đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thứ năm, 17/08/2017 17:47
(ĐCSVN) – Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha, trưa 17/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Vương quốc Thái Lan. Các phương tiện truyền thông Thái Lan đã có một số bài phân tích và đưa tin đậm nét về sự kiện này.
            
Tờ Bangkok Post có bài bình luận với tựa đề "Thái Lan và Việt Nam: Cùng nhau mạnh mẽ hơn", với hình ảnh chợ Bến Thành nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Thái Lan. (Ảnh:Thu Lan)


Ngày 17/8, tờ The Nation của Thái Lan cho biết, bắt đầu từ ngày hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức Thái Lan kéo dài 3 ngày (từ 17-19/8) nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong một loạt các vấn đề song phương và khu vực. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Thái Lan kể từ sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vào tháng 4/2016. 

Theo The Nation, trong khuôn khổ chuyến thăm Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có buổi gặp gỡ trực tiếp với Thủ tướng nước chủ nhà Prayut Chan-o-cha tại Tòa nhà chính phủ vào ngày 17/8 để thảo luận về một số vấn đề, từ quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư cũng như sự liên kết và phối hợp giữa hai nước trong phạm vi khu vực. Sau phiên họp toàn thể, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Thái Lan sẽ cùng chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, trong đó có Biên bản ghi nhớ về kinh tế, thương mại, viễn thông, khoa học, công nghệ và thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Trat của Thái Lan và tỉnh Cà Mau của Việt Nam.

Tờ The Nation cho biết, sau cuộc gặp gỡ giữa hai Thủ tướng, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ ra một bản tuyên bố chung, với các nội dung ưu tiên một cách tiếp cận “cân bằng” giữa các lợi ích kinh tế và bảo tồn môi trường trong những nỗ lực bảo đảm một cuộc sống thịnh vượng cho nhân dân hai nước. Đáng chú ý, bản dự thảo tuyên bố chung cũng đề cập tới những quan ngại sâu sắc của Việt Nam về tình hình hiện nay trên Biển Đông, từ đó, khẳng định lập trường chung của hai nước nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải tại vùng biển chiến lược này. Lãnh đạo hai nước sẽ tập trung vào những nỗ lực thúc đẩy thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002, ưu tiên giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam và Thái Lan ủng hộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), sau khi Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung COC trong cuộc họp diễn ra đầu tháng này ở Manila (Philippines).

Cùng ngày, tờ Bangkok Post có bài viết với nhan đề “Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Thái Lan”. Nhấn mạnh đây là chuyến thăm Thái Lan đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, tờ Bangkok Post dẫn nhận định của một số chuyên gia tin tưởng rằng, sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược giữa Thái Lan và Việt Nam, đồng thời tiếp tục khẳng định các nỗ lực của hai chính phủ nhằm tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ tiểu vùng Mekong, ASEAN, Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc. Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo Việt Nam và Thái Lan thể hiện rõ những cam kết duy trì và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.

Tờ Bangkok Post cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiến hành hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha về nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh, quốc phòng, thúc đẩy thương mại, đầu tư, liên kết và hợp tác trong khu vực. Chính phủ hai nước hiện đang quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống buôn lậu ma túy, buôn người, nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu vũ khí, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm mạng, cũng như tăng cường hợp tác lao động trong lĩnh vực xây dựng và khai thác thủy sản. Theo Bangkok Post, trong khuôn khổ cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ đề ra mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước, đồng thời cam kết hướng tới mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

Trước đó, ngày 15/8, Bangkok Post đăng bài bình luận với nhan đề “Thái Lan và Việt Nam: Cùng nhau mạnh mẽ hơn” của tác giả Kavi Chongkittavorn. Bài viết khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Thái Lan trong khối ASEAN. Dù Việt Nam và Thái Lan đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử song vẫn có cơ sở để khẳng định các mối hệ đặc biệt giữa hai nước.

Tác giả bài viết nêu rõ, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan đã được tiếp thêm sinh lực sau sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN vào năm 1995. Hai nước đã thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tất cả mọi lĩnh vực, dựa trên cơ sở tận dụng nguồn tài nguyên phong phú và thị trường tiềm năng của Việt Nam, trong đó phải kể tới yếu tố quan trọng nhất là tinh thần quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy các chính sách về phát triển kinh tế. Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam và Thái Lan đã tích cực thúc đẩy các hoạt động và các chương trình hợp tác. Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng các mối quan hệ thương mại với bên ngoài và nổi lên là một nước kết nối năng động nhất với thế giới - với việc ký kết 17 thỏa thuận tự do thương mại, và là 1 trong 4 nước ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bài viết trên Bangkok Post khẳng định, với những chính sách hấp dẫn về thương mại, Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn để Thái Lan xích lại gần hơn về quan hệ kinh tế. Kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách Đổi mới vào đầu những năm 1980, các nhà đầu tư Thái Lan đã tận dụng triệt để sự ổn định về chính trị và môi trường đầu tư mới mẻ tại Việt Nam và ngày nay, Thái Lan đã trở thành một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan ước đạt 20 tỷ USD (tương đương 665 tỷ baht).

Rõ ràng rằng, các mối quan hệ kinh tế không ngừng lớn mạnh giữa Việt Nam và Thái Lan đã dẫn tới sự tương tác tích cực hơn giữa người dân và các tổ chức của hai nước. Thực tế này đang được khẳng định trong một số lĩnh vực đầu tư và công nghiệp chủ chốt, đặc biệt tại miền Nam Việt Nam – nơi thu hút chủ yếu các hoạt động đầu tư của Thái Lan. Các nhà đầu tư Thái Lan phải tôn trọng các nhu cầu và các điều kiện mà địa phương thu hút đầu tư đặt ra. Trong khi đó, việc thực hiện một cách hiệu quả cách trách nhiệm xã hội, tuân thủ pháp luật và cách thức điều hành của các công ty Thái Lan sẽ trở thành một “điểm quy tụ” để thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế lành mạnh giữa hai nước.

Theo nhận định của tác giả Chongkittavorn thì ngày nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan đang tiến tới một trạng thái bình ổn mới, với các yếu tố kinh tế và chiến lược ngày càng lớn mạnh. Vào thời điểm Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam thực hiện chuyến thăm chính thức Thái Lan ngày 17/8, thì đất nước Thái Lan đã sẵn sàng đón nhận Việt Nam như thể điều này chưa từng được thực hiện. Cả Việt Nam và Thái Lan đều nhận ra rằng hai nước đang lớn mạnh cùng nhau. Giống như một nhà ngoại giao kỳ cựu của Thái Lan đã từng khẳng định, giữa mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan không còn tồn tại các yếu tố gây rạn nứt hay suy yếu mà đã ở mức “không có gì giới hạn”.

Trong những ngày tới, các mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ có tác động đến tình hình phát triển chung tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong khía cạnh kinh tế. Với vị trí là một phần của cộng đồng ASEAN và đóng vai trò trong các tổ chức tiểu khu vực, Việt Nam và Thái Lan được đánh giá là những “động cơ mạnh mẽ” có thể nâng đỡ kinh tế khu vực và tạo ra sự ổn định, bình đẳng tại tiểu vùng Mekong. 

Tác giả Chongkittavorn nhận định, ngày nay, Việt Nam và Thái Lan đã khẳng định vai trò quan trọng của mỗi nước. Các mối quan hệ lịch sử của Việt Nam và Thái Lan với các nước lớn trên thế giới đã tạo ra một sự năng động mới trong khu vực, cho phép hai nước gia tăng tầm ảnh hưởng chiến lược ở mức độ chưa từng có. Chừng nào mối quan hệ Việt Nam – Thái Lan còn được duy trì, thì sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng sẽ còn hiện diện ở khu vực Đông Nam Á./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực