Làm rõ căn cứ, tiêu chí hỗ trợ vốn đầu tư đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 21/02/2017 15:34
(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, sáng 21/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đối với các xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề nghị xem xét bổ sung 1.244 xã được ưu tiên phân bổ vốn ngân sách trung ương

Thừa ủy quyền trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  Hoàng Văn Thắng nêu rõ: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất lương thực để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng là vùng trọng điểm về sản xuất thuỷ sản (trong đó có ngành công nghiệp tôm). Tuy nhiên hiện nay, vùng ĐBSCL thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn trên phạm vi lớn và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (nhất là nước biển dâng)...

Theo kết quả thẩm định và đánh giá kết quả đầu tư các công trình hạ tầng của các địa phương vùng ĐBSCL, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình công cộng (đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa) bình quân/công trình tại vùng ĐBSCL cao hơn nhiều so với suất vốn đầu tư bình quân của cả nước do Bộ Xây dựng công bố…


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ. (Ảnh: TH).

Vì vậy, từ những thực tế nêu trên, để các xã vùng ĐBSCL tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến 2020, bình quân toàn vùng có khoảng 51% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên cơ sở ý kiến thống nhất của tất cả các thành viên Chính phủ, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét bổ sung 1.244 xã (trong đó có 544 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt khó khăn) thuộc 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (không bao gồm 36 xã của thành phố Cần Thơ, là địa phương tự cân đối được ngân sách), là những xã nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, điển hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào nhóm đối tượng đặc thù được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương theo nguyên tắc phân bổ quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, việc bổ sung các xã được ưu tiên sẽ dùng nguồn dự phòng, không ảnh hưởng đến tổng nguồn đã phân bổ cho chương trình và thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Đề cập đến tính hợp lý của việc bổ sung các xã khu vực ĐBSCL vào nhóm đối tượng đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Ủy ban TCNS nhận thấy, đối chiếu với Tờ trình của Chính phủ, trong số 1.280 xã thuộc khu vực ĐBSCL thì có tới 544 xã (chiếm 42,5%) có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt khó khăn; 137 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 44 xã đạt 19 tiêu chí nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, theo quy định tại Nghị quyết số 100, các xã này đã là nhóm xã được ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, phân loại, chỉ đề xuất bổ sung đối tượng đặc thù đối với các xã ngoài nhóm xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và các xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên.

Cần làm rõ căn cứ và tiêu chí để làm cơ sở cho việc quyết định ưu tiên

Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết hỗ trợ vốn đầu tư đối với khu vực ĐBSCL nhằm khắc phục khó khăn về địa điểm địa lý, khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình thêm về suất vốn bình quân của vùng ĐBSCL và những khó khăn so với các vùng, miền khác, làm cơ sở để UBTVQH xem xét, quyết định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, công bằng với các vùng, miền khó khăn khác.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến kiến nghị, cần rà soát có chính sách chung thống nhất, trong đó xem xét tính toàn diện, tham khảo tiêu chí phân định các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn…

Tán thành chủ trương hỗ trợ vốn đầu tư đối với khu vực, song Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy vẫn băn khoăn bởi hiện chưa có số liệu báo cáo đánh giá cụ thể về các chi phí xây dựng nông thôn mới giữa các vùng. “Cần đánh giá tổng thể, có quy định xử lý chung cho các vùng khó khăn tương tự. Không nên cào bằng để bảo đảm công bằng, tính thuyết phục…”, ông Túy nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, cần làm rõ căn cứ và tiêu chí để làm cơ sở cho việc quyết định ưu tiên.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH thấy rằng cần thiết hỗ trợ cho vùng ĐBSCL nhưng phải làm rõ những xã nào, vùng nào cần hỗ trợ và hỗ trợ là bao nhiêu?

“Không điều chỉnh Nghị quyết 100 vì thẩm quyền là của Quốc hội. Chỉ căn cứ tình hình số xã còn lại gặp rất nhiều khó khăn so với các xã khác cùng điều kiện thì cần có sự hỗ trợ nhất định từ nguồn dự phòng thuộc thẩm quyền UBTVQH” – Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển lưu ý.

Trên cơ sở thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu  tính toán lại và tiếp tục xin ý kiến UBTVQH.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau) có diện tích khoảng 40.604,7 km2, dân số khoảng 17.524 nghìn người.

Tổng số xã thực hiện xây dựng nông thôn mới của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 1.280 xã, trong đó có 544 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt khó khăn.

Tính đến hết tháng 01/2017, cả vùng có 305 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó, 261 xã (20,39%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 137 xã đạt từ 15-18 tiêu chí;  644 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 194 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; không còn xã dưới 5 tiêu chí. 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực