Giải pháp nào để quản lý đô thị địa bàn TP.Hồ Chí Minh?

Thứ năm, 11/10/2018 23:13
(ĐCSVN) – Thực tế, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quy hoạch của TP.Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế. Chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá tình hình với các vấn đề còn tồn tại để có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển bền vững.

Đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh như vậy trong phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo khoa học “Quản lý đô thị trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh-Thực trạng, vấn đề và giải pháp” được tổ chức chiều 11/10 tại TP.Hồ Chí Minh. Hội thảo do Hội đồng lý luận Trung ương và Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Hội thảo không chỉ là một cơ hội đặc biệt để gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị mà còn là một cơ hội để Lãnh đạo Thành phố, các ban ngành liên quan được nghe và chia sẻ kinh nghiệm nhằm đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng và quản lý Thành phố.

Tới dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh; Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng; lãnh đạo các ban, ngành của Thành phố cùng các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cả nước trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đô thị.

Đã có nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch được đưa ra tại Hội thảo

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Tất Thành Cang cho rằng, phạm vi quản lý đô thị bao gồm các đối tượng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, như: (1) quản lý đất đai; (2) quản lý môi trường tự nhiên; (3) quản lý cơ sở hạ tầng; (4) quản lý nhà ở; (5) quản lý dịch vụ đô thị và (6) quản lý kinh tế. Các đối tượng này cần được quản lý thống nhất và gắn kết trong một chiến lược và kế hoạch phát triển đồng bộ.

“Với mong muốn đô thị TP.Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ hình thành các khu đô thị mới văn minh hiện đại, bền vững, tạo thêm nhiều điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan; từ thực tế quản lý và cải tạo đô thị, chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá tình hình thực tế với các vấn đề còn tồn tại để có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển bền vững”, đồng chí Tất Thành Cang nhấn mạnh.

Đồng chí Tất Thành Cang cũng chỉ rõ, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quy hoạch vẫn còn một số hạn chế như: Phân loại và số lượng quy hoạch nhiều nhưng thiếu gắn kết do chưa có quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch cấp vùng; trong khi quy hoạch các ngành hạ tầng còn manh mún, thiếu tính tích hợp; nền kinh tế thị trường vẫn lập quy hoạch các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ như thời bao cấp. Bên cạnh đó, phần lớn quy hoạch có chất lượng thấp, cứng nhắc, kém tính khả thi. Quy hoạch thường xuyên bị điều chỉnh theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến việc quản lý sử dụng theo mục đích, tính chất được phê duyệt tại đồ án quy hoạch còn tùy tiện. Một số đồ án quy hoạch xây dựng chất lượng còn thấp, thiếu tính chiến lược lâu dài, chưa thực sự đóng vai trò đi trước một bước. Cán bộ làm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đô thị năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế. Năng lực tổ chức thực hiện quy hoạch thiếu linh hoạt, chưa minh bạch.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư và từng bước cải thiện trên nhiều lĩnh vực nhưng vẫn còn thiếu sự đồng bộ giữa các lĩnh vực, không phát triển theo kịp với tốc độ tăng quy mô kinh tế và sự gia tăng quy mô dân số đô thị, chưa phát huy được thế mạnh đặc thù của Thành phố và chưa thực sự đột phá trên phương diện tổng thể hệ thống.

Tại Hội thảo này, đồng chí Tất Thành Cang đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi làm rõ hơn những nội dung sau:
Một là, tổng hợp và đánh giá thực trạng công tác quản lý đô thị trong thời gian qua.

Hai là, những bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn công tác quản lý đô thị.

Ba là, tiếp tục đề xuất những giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác quản lý đô thị trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ rõ thực trạng hiện nay của TP.Hồ Chí Minh đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị một số giải pháp.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đô thị

GSDD.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trước mắt, ở giai đoạn ngắn và trung hạn, TP.Hồ Chí Minh đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng từ sự bùng nổ dân số đô thị, sự chưa hoàn chỉnh của hệ thống giao thông công cộng (lưu thông chủ yếu bằng xe máy), hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công quá tải, sự xuống cấp của môi trường…

Trong mối quan hệ vùng, TP.Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò là đô thị trung tâm. Do đó, trong quy hoạch cần phải gắn TP.Hồ Chí Minh vào vùng, không thể tách rời. KTS Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, các khu vực phát triển đô thị mới, nhất là khu vực Thủ Thiêm có tới 65% diện tích đất nằm thấp hơn mực nước biển và bị ngập lụt theo chu kỳ, chính quyền đô thị phải đặc biệt lưu ý tới các tác động của biến đổi khí hậu khi xây dựng chính sách, chiến lược phát triển đô thị. Xác định các khu vực phát triển đô thị không làm ảnh hưởng đến quy luật tự nhiên của Thành phố.

PGS.TS.KTS Trần Trọng Danh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, TP.Hồ Chí Minh cần tiếp tục giữ vững vai trò “hạt nhân”, “vai trò đầu tàu” và vai trò “dẫn dắt” của TP.Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của vùng, cả nước và khu vực. Xây dựng TP.Hồ Chí Minh thành một siêu thành phố hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

KTS Trần Trọng Danh cho rằng, mục tiêu cần phải đổi mới tính chất và mô hình tăng trưởng đô thị từ “lượng sang chất”, từ “nâu sang xanh”, từ “nóng sang hài hòa” đảm bảo tăng trưởng lành mạnh. Xây dựng hệ thống các chính sách và biện pháp quản lý đô thị về tăng trưởng đô thị một cách đồng bộ. Trong đó, giảm luồng di cư tự phát từ các luồng di cư nông thôn bằng các biện pháp và chính sách điều tiết vĩ mô, phi tập trung hóa trên cơ sở tăng cường phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và nông thôn mới.

Ở góc độ quản lý, PGS. TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng: Một vấn đề quan trong quản lý đô thị nước ta hiện nay là nhận thức đầy đủ vai trò của quản lý chuyên ngành, đặc biệt như quản lý kiến trúc- cảnh quan, quản lý công trình, quản lý đất đai, môi trường đô thị … Khắc phục tình trạng can thiệp hành chính không đáng có làm hạn chế sự sáng tạo của các chuyên gia, nhà quản lý trên những vấn đề mang tính chuyên ngành của quản lý đô thị. Theo đồng chí Đoàn Minh Huấn, phải tạo ra các thiết chế quản lý chuyên ngành ở Thành phố đủ thẩm quyền, có tính độc lập tương đối với quản lý hành chính, để thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm đối với các vấn đề chuyên ngành. Mặt khác, muốn nâng cao quản lý chuyên ngành phải đào tạo, trọng dụng các chuyên gia giỏi của các lĩnh vực quản lý đô thị, trao quyền đầy đủ cho họ gắn với xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải có quy hoạch trung tâm và có quy hoạch khu vực vệ tinh. Quy hoạch cần phải gắn chặt với vấn đề giao thông. Đặc biệt trong quy hoạch đô thị, từ thực tiễn, phân tích những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để có giải pháp cụ thể phát triển Thành phố theo hướng nào?


Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh cần làm rõ chức năng kinh tế và cơ cấu kinh tế của Thành phố. Suốt 43 năm qua, TP.Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 5% xuống còn 0,8% trong giai đoạn hiện nay; trong khi đó dịch vụ chiếm 62% và công nghiệp khoảng 37%. Cần chỉ ra được hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào và trong từng lĩnh vực phát triển cụ thể ra sao?

Cùng với đó là giải quyết mâu thuẫn của bài toán dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật của Thành phố không đáp ứng được. Tính bình quân 15 năm trở lại đây, cứ 5 năm, dân số Thành phố tăng thêm 1 triệu người. Như vậy, tới năm 2035 dân số thường xuyên của Thành phố khoảng 13,5 triệu chưa kể dân vãng lai. Với số dân tăng nhanh, hạ tầng không thể đáp ứng được. Do đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn, giúp cho áp lực dân số đối với TP.Hồ Chí Minh giảm hơn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra rằng, mô hình quản lý hành chính của Thành phố cũng cần phải chú ý xem xét lại để vận hành hợp lý, hiệu quả hơn. Hiện nay có sự chênh lệch đáng kể về dân số và diện tích giữa các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Nếu so sánh về diện tích, giữa Cần Giờ và một số quận nội thành chênh nhau tới 140 lần, trong khi dân số Cần Giờ ít hơn các quận kia 8,7 lần. Điều này cho thấy sự phân hóa cực kỳ lớn. Tính riêng 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ chiếm khoảng 54% diện tích của Thành phố song dân số chỉ chiếm 10%.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Vấn đề quản lý đô thị là vấn đề đặt biệt quan trọng, phát triển và phát huy sức mạnh của các đô thị, nhất là đô thị đầu tàu. Hiện nay, việc di cư từ nông thôn về đô thị diễn ra nhanh. Do đó, sức ép đô thị, dịch vụ đô thị tăng lên rất lớn, khiến quá tải. Vì thế, xây dựng đô thị an toàn, phát triển bền vững là câu chuyện chung của cả thế giới.

Theo đồng chí Phùng Hữu Phú, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Quy hoạch không gian kiến trúc phải gắn với không gian kiến trúc của vùng. Cần cố gắng đổi mới và xây dựng mô hình quản lý kết nối tương tác giữa các sở, ngành với quận, huyện. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ; có giải pháp đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, xây dựng nếp sống của người dân đô thị.

Cũng theo đồng chí Phùng Hữu Phú, để thực hiện các định hướng giải pháp, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy vể quản lý đô thị, giải quyết mối quan hệ Trung ương, vùng và TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt đặt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có giải pháp về đô thị không gian kiến trúc, không gian kinh tế, không gian văn hóa.


Tin, ảnh:V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực