Cần có chế tài mạnh hơn nhằm kiểm soát việc sản xuất rượu không đảm bảo chất lượng

Thứ sáu, 16/11/2018 16:03
(ĐCSVN) - Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, một số vấn đề có ý kiến khác nhau như: tên của Luật; các trường hợp không được uống rượu, bia; yêu cầu chung về quảng cáo rượu, bia để phòng ngừa đối với giới trẻ...

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Ảnh: TTXVN

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) nhất trí rất cao về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Theo đại biểu vì thói quen sử dụng rượu bia đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam và lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia hàng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 50.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 220.000 lao động cả trực tiếp và gián tiếp. Nhưng mặt khác là những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu bia gây ra đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội đang ngày càng gia tăng, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết.

“Làm sao để xây dựng các chính sách vừa đảm bảo sức khỏe của người dân vừa hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia quả thật là bài toán khó. Nhưng sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội"- đại biểu chia sẻ. Do vậy, đại biểu Lê Thị Yến đồng tình với tên gọi của Luật như Tờ trình.

Không nên đồng nhất giữa rượu và bia để đưa ra các biện pháp, chế tài giống nhau 

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật và cho rằng cơ quan soạn thảo cần có những biện pháp và chế tài mạnh mẽ hơn bổ sung vào dự thảo Luật nhằm kiểm soát việc sản xuất rượu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, kiểm soát việc sử dụng rượu bia quá mức thiếu văn hóa không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng.

Đại biểu lưu ý cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra: rượu và bia là 2 sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau và chịu sự điều chỉnh hệ thống pháp luật khác nhau. Do vậy, không nên đồng nhất giữa rượu và bia để đưa ra các biện pháp, chế tài giống nhau là trái với pháp luật hiện hành.

Đại biểu Trần Quang Chiểu dẫn chứng: “Dự thảo Luật quy định, không được bán rượu, bia trên mạng Internet. Quy định như trên chỉ áp dụng đối với rượu vì rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Còn quy định đối với bia không được bán trên mạng Internet là trái với pháp luật hiện hành. Theo Luật Đầu tư năm 2014, bia không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, do vậy bia phải được đối xử bình đẳng so với các loại hàng hóa khác kinh doanh không có điều kiện, trong đó có quyền bán trên Internet. Do vậy nếu quy định không được bán bia trên Internet là trái với Luật Đầu tư, Luật Thương Mại (điều 10), trái với chủ trương của Chính phủ.

Về tên gọi của Luật, đại biểu Trần Quang Chiểu thì lại cho rằng, nếu tên gọi là Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia chẳng khác nào khẳng định rượu và bia hoàn toàn có hại, từ đó gây ra hiểu lầm không đáng có. Trên thực tế, tác hại là do sử dụng quá liều lượng và sử dụng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

“Mục đích của Luật là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vì thế đối tượng chịu sự tác động chính của luật là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng phải có ý thức. Nếu có ý thức từ người sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và người tiêu dùng sẽ quyết định nên uống như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến cộng đồng”- đại biểu bày tỏ.

Chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng/năm hay tổn thất 65.000 tỷ đồng từ rượu bia?

Cho ý kiến dự thảo Luật, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ quan điểm: Nếu như các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện nhích lên từng bậc là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị thì chỉ số tiêu thụ rượu bia không rõ những nỗ lực đến từ đâu lại luôn đẩy xếp hạng của Việt Nam từ cao đến rất cao so với khu vực và trên thế giới.

Từ năm 2014-2016 khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì ở Việt Nam lại tăng cao gấp đôi. Theo Ủy ban An toàn giao thông, tai nạn liên quan tới rượu bia mỗi ngày gây tổn thất khoảng 250 tỷ đồng, chưa kể những hậu quả nặng nề về cho xã hội mà không thể đo đếm được.

Đại biểu đề nghị, việc quảng cáo bia, rượu phải được cấm trên tất cả các loại hình báo chí từ báo nói, báo hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho thiếu nhi đang được quy định tại dự luật.

“Thật khó mà tự hào với vị trí dẫn đầu Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về tiêu thụ. Phải chăng một phần nguyên nhân là từ tính sẵn có trong đời sống xã hội hay nỗ lực từ ngành bia rượu? Các địa điểm bán rượu, bia không phải tốn công đi tìm vì bán mọi lúc mọi nơi từ tiệm tạp hóa, quán ăn vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng, thậm chí các đô thị có sẵn những con đường ăn nhậu phục vụ ban đêm. Để hạn chế những vấn đề trên, dự luật quy định về các địa điểm, phương thức nhưng quy định vậy phải chăng là những địa điểm khác đương nhiên được bán”- đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân không đồng tình với phản biện cho rằng thông qua luật này là khai tử ngành rượu bia. “Xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành… Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng/năm, đừng quên rằng tổn thất do nó gây ra lên tới 65.000 tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo tụt sự phát triển của đất nước, vậy mà không ít người cổ súy là văn hóa uống”- đại biểu nói.

Đại biểu lý giải, chúng ta có lẽ khó quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ thân chinh các đơn vị chỉ đạo và giao kế hoạch để GDP năm 2017 cán mốc 6,7%. Điều đó cho thấy để nhích lên từng chút một trong tăng trưởng thì cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực thì ở chiều ngược lại mỗi năm bia rượu tổn thất ít nhất 1-3% GDP quý giá của chúng ta.

Như vậy, dù đã được cố gắng biện minh cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thì cũng khó chấp nhận, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội mà không gì bù đắp được. Không ít ý kiến đổ tác hại của rượu, bia do chính người dùng lạm dụng còn ngành rượu, bia như thể vô can. Việc cung cấp cho thị trường thức uống gây nhiều bệnh tật, lắm tác hại lại được dùng nhiều lí lẽ và mỹ từ để bảo vệ thì đó là trách nhiệm hay vô can? Có vô can không khi bia, rượu là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, bạo lực, bạo hành…? 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực