Thủ lĩnh của người khuyết tật

Chủ nhật, 30/09/2018 15:01
(ĐCSVN) - Với tài “dân vận khéo” bà Nguyễn Thị Thúy Ngân ở Thanh Xuân, Hà Nội đã vận động được từ nhiều nguồn lực khác nhau được hơn 4,5 tỷ đồng hỗ trợ cuộc sống cho hàng ngàn người khuyết tật quận Thanh Xuân trong nhiều năm qua.

Không chỉ vậy, bà Ngân cũng đã vận động được đông đảo thương, bệnh binh, vợ liệt sĩ và nhiều thượng tá, đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trở thành những hội viên gương mẫu, tích cực của Hội người khuyết tật (NKT) quận. Những việc làm của bà đã góp phần quan trọng trong việc đưa Thanh Xuân trở thành quận duy nhất của cả nước đã có tổ chức Hội NKT phủ kín cấp phường (11/11 hội NKT cấp phường).

Chuyện về danh hiệu  nữ “Dũng sĩ diệt Mỹ”


Bà Nguyễn Thúy Ngân - ảnh: HM


Nhớ lại khoảng thời gian trực tiếp tham gia kháng chiến, bà kể, năm 1971, vừa bước sang tuổi 18, bà là một trong số ít nữ học sinh tốt nghiệp cấp 3 tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ, nguyện cống hiến sức trẻ cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Chiến trường ác liệt, nhưng ngày ấy được đầu quân vào Tiểu đoàn nữ đầu tiên của Quân khu Tả ngạn bổ sung cho Mặt trận phía Nam, được làm lính Bảo mật của Bộ tư lệnh (BTL) F473 - Bộ đội Trường Sơn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam là vinh dự vô cùng lớn lao với người con gái trẻ tuổi Thúy Ngân năm ấy.

 

Niềm tự hào đó đã biến thành sức mạnh, trí tuệ và sự dũng cảm chiến đấu với giặc Mỹ đến cùng. Thúy Ngân gan dạ, mưu trí khi được giao nhiệm vụ, lập nhiều chiến công hiển hách, 3 lần được Bác Hồ tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Nhớ lại một kỷ niệm mà bà không bao giờ quên, bà kể: “Cuối năm 1971, để chuẩn bị cho chiến dịch Thành Cổ - Quảng Trị, tôi và đồng chí Vân được giao nhiệm vụ về Đoàn bộ 559 công tác (Bộ đội Trường Sơn), chúng tôi ở BTL F473, phía Đông Trường Sơn. Sau khi hoàn thành chuyến công tác từ BTL 559 trở về, chị em tôi đã lạc đường 7 ngày trong rừng. 

Không ai dám nghĩ chúng tôi còn sống, vì khu vực ấy rất nhiều thú dữ. Chúng tôi cố gắng làm chỗ dựa tinh thần, trấn an, nương tựa nhau. Có chút lương khô dù tiết kiệm, dè xẻn thì cũng chỉ đủ cầm cự cho chị em tôi trong 3 ngày. Cả ngày thứ tư nhịn đói, luồn rừng để tìm đường, rồi ngày thứ năm vô vọng; cái đói, cái rét dày vò…Sức khỏe cũng kiệt dần. Tôi nằm lả đi trong cơn đau bụng quằn quại giữa rừng... Trong khi ở đơn vị, mọi người đã làm lễ truy điệu cho chị em chúng tôi.

Ngày thứ 6, với sự nỗ lực của Vân và sự hỗ trợ của một cô gái người Lào Thưng, chúng tôi tìm ra đường tuyến. Ngày thứ 7, chúng tôi tìm về đến đơn vị trong niềm vui vỡ òa và sự ấm áp của đồng đội.”

…Cuộc chiến mưu sinh

Chiến tranh qua đi, những người lính cụ Hồ lại bước tiếp vào một cuộc chiến mới, đấu tranh với cái đói, cái nghèo. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bà theo chồng về vùng Hoàng Liên Sơn (Yên Bái) lập nghiệp.

Bà chia sẻ: Những thương bệnh binh trở về sau chiến tranh ngày ấy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhiều thương binh trở về sau chiến thắng nhưng sức khỏe yếu, không có đất canh tác, sản xuất, trình độ thấp, không nghề nghiệp, họ chỉ biết lên rừng kiếm củi để lấy tiền nuôi con ăn học. Trước hoàn cảnh đó, hơn 100 thương, bệnh binh của thị xã Yên Bái quyết tâm thành lập Câu lạc bộ Thương binh để giúp nhau vượt qua đói nghèo.

Vừa là cô giáo dạy văn, vừa đảm nhận vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ, cô giáo Thúy Ngân mang trong mình nhiều trăn trở, luôn cố gắng suy nghĩ, tìm mọi cách để hỗ trợ tối đa cho những đồng đội của mình vượt khó.

Suốt 10 năm dạy thêm cho học sinh là con em thương binh, liệt sĩ ở TP Yên Bái, bà Ngân đều tình nguyện dạy miễn phí và  nhận đỡ đầu cho 3 con liệt sĩ. Ngoài ra, bà còn chủ động đứng ra vận động các phụ huynh, đề xuất với lãnh đạo thị xã tạo điều kiện và cho phép thành lập Hợp tác xã trông giữ xe ở chợ Yên Bái, giúp 35 thương, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn có công ăn việc làm.

Với bà Ngân niềm vui lớn nhất trong những năm tháng ấy là được chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của những thương, bệnh binh. Từ nỗ lo cơm, áo, gạo tiền đến nay cuộc sống của họ đã khấm khá hơn, con cái được ăn học đàng hoàng.

Với những đóng góp đó, nhiều năm liền cô giáo Thúy Ngân được Bộ Lao động - Thương binh và  Xã hội công nhận là điển hình tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho ngành, được biểu dương, khen thưởng ở quy mô toàn quốc. Đặc biệt, năm 2000, bà được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là “Nhà giáo chiến sĩ” tiêu biểu toàn quốc.

Đồng hành cùng người khuyết tật Thủ đô

Năm 2006 đến tuổi nghỉ hưu, bà Ngân rời Yên Bái trở lại làm công dân của Thủ đô Hà Nội. Với lối sống trách nhiệm và bao dung, người lính cụ Hồ Thúy Ngân nhanh chóng hòa mình với môi trường mới, gắn bó, tích cực đóng góp cho khu dân cư nơi mình đang sinh sống.

Trong vai trò là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân từ năm 2008 đến nay, bà đã làm tốt công tác xã hội hóa để xây dựng Hội Người khuyết tật phát triển toàn diện bền vững, góp phần nâng bước cho nhiều người khuyết tật Thủ đô. Trong giai đoạn 2013-2017, bà đã vận động được 4,5 tỷ đồng hỗ trợ cho người khuyết tật.

 

Khai giảng lớp học công nghệ thông tin cho người khuyết tật quận Thanh Xuân năm 2017 - NVCC

Bà là người có công lớn trong công tác xóa mù chữ cho người khuyết tật. Được phân công phụ trách công tác giáo dục của Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, bà không quản ngại đến các quận, huyện để tìm hiểu thực trạng số người khuyết tật mù chữ để đề xuất với lãnh đạo Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức các lớp xóa mù tại các quận huyện, giúp họ biết đọc, biết viết…

Riêng ở quận Thanh Xuân, bà đã đứng ra tổ chức mở lớp và đích thân đến từng gia đình để vận động người khuyết tật đi học. Bản thân bà tự nguyện làm giáo viên xóa mù; đồng thời vận động thêm một giáo viên nghỉ hưu cùng đứng lớp. 4 lớp xóa mù chữ được tổ chức đã giúp các em đã biết đọc, biết viết, tự tin hơn trong cuộc sống.

Để trang bị nghề nghiệp cho người khuyết tật, bà chủ động xây dựng kế hoạch, tiếp cận, vận động các nguồn tài trợ. Hàng năm bà vận động từ 20 - 30 hội viên tham gia học nghề: Nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy, điện lạnh… cho người khuyết tật tại Trung tâm dạy nghề quận Thanh Xuân.

Từ 2015 - 2017, Hội Người khuyết tật  phối hợp với Trung tâm Dạy nghề để thực hiện dự án “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho người khuyết tật Hà Nội” do Hội Phục hồi chức năng người khuyết tật Hàn Quốc tài trợ. Vì Trung tâm Dạy nghề không có phòng học ở tầng 1 nên không tiếp cận cho người khuyết tật đi xe lăn. Bà đã đứng ra vận động các nguồn tài trợ cũng như đề xuất lãnh đạo quận Thanh Xuân tạo điều kiện hỗ trợ 462 triệu đồng, xây dựng một phòng họp đầy đủ tiện nghị, khang trang, sạch đẹp ở tầng 1 của Trung tâm cho lớp Tin học của người khuyết tật.

Từ khi có phòng học đến nay, Hội đã tổ chức dạy thành công 8 lớp tin học cho 140 người là thương bệnh binh, người khuyết tật và con em họ; thời gian học tập 6 tháng/1 khóa học.    

Ngoài ra, mấy năm nay, Hội cùng với Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật tổ chức nhiều lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ khuyết tật và các bạn khuyết tật trẻ. Cũng trong dịp này, Hội cùng với CLB Thanh niên khuyết tật tổ chức lớp học nữ công gia chánh và tiếng Anh cho thanh niên và phụ nữ khuyết tật Thanh Xuân.

Anh Dương Đức Thành, giáo viên dạy ở Trung tâm giáo dục nghề quận Thanh Xuân cho biết: Từ năm 2008 đến nay, hầu như năm nào cũng có lớp dạy nghề cho người khuyết tật. Đáng quý là không có lớp nào mà cô Ngân không tham gia vận động, kêu gọi học viên. Cô rất nhiệt tình và tâm huyết với Hội, chăm lo cho hội viên như con, như cháu.

Nguyễn Phương Thành, hội viên CLB Thanh niên khuyết tật chia sẻ: Là con của một thương binh nặng, sau khi tốt nghiệp THPT, em ở nhà phụ mẹ bán hàng để mưu sinh. May được cô Ngân động viên học tin học văn phòng, rồi Trung cấp tin học và Photoshop của Hội Người khuyết tật Thanh Xuân phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức. Đến nay, Thành được Công ty TNHH Thương mại In Tuấn Nam nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm là 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Thành còn tổ chức một nhóm bạn cùng học bán hàng Online nên thu nhập hàng tháng khá ổn, giúp mẹ một phần chi phí của gia đình và giúp đỡ bạn bè trong CLB.

Không chỉ có Thành mà 23 học viên khác cũng đã tìm được việc làm với mức lương từ 4,5 triệu - 6,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, với tư cách là chủ dự án, bà đã tham gia vào việc cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho người khuyết tật với số tiền 2 tỷ 480 triệu đồng, lãi suất 0,3%, đã tạo được việc làm mới cho 101 người khuyết tật. Việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi góp phần hỗ trợ người khuyết tật và gia đình, tạo thu nhập và ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, với tài năng “dân vận khéo”, nữ cựu chiến binh còn vận động được đông đảo đảng viên là thương, bệnh binh, vợ liệt sĩ và nhiều Thượng tá, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… trở thành hội viên gương mẫu, tích cực. Từ 43 hội viên đến nay Hội đã có 679 hội viên, góp phần đưa Thanh Xuân trở thành quận duy nhất của cả nước đã có tổ chức Hội người khuyết tật phủ kín cấp phường (11/11 Hội người khuyết tật cấp phường).

Với những đóng góp to lớn đó, bà Nguyễn Thị Thúy Ngân đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của quận, hội và các bộ, ngành, địa phương../.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực