Tấm gương sáng của người khuyết tật

Thứ sáu, 16/11/2018 16:24
(ĐCSVN) – Chăm chỉ, cần cù, cộng thêm được tiếp sức từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, từ một hội viên thuộc diện khó khăn, thiếu đói quanh năm, nay anh Nguyễn Như Hường (xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã vươn lên trở thành một hội viên sản xuất giỏi.
Anh Nguyễn Như Hường hướng dẫn mọi người sản xuất gạch Blook (táp lô).
 (Ảnh: Đình Khanh)

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hường kể, năm 1972, trong một trận ném bom đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ, không may anh bị hỏng đi đôi mắt, lúc đó anh mới 12 tuổi.

Năm 1984, qua sự mai mối, anh xây dựng gia đình, sau đó là bốn đứa con lần lượt chào đời. Con đông cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, anh luôn suy nghĩ tìm kế sinh nhai, làm gì để nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học trưởng thành.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương về việc di dân lên vùng kinh tế mới, sau khi tìm hiểu và khảo sát địa hình, anh bàn với vợ con lên lập nghiệp tại xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tỉnh nơi có đất rộng lớn phù hợp để phát triển trang trại. Được sự đồng tình ủng hộ của vợ con, gia đình anh đã phát rừng, trồng cây ngắn ngày để sinh sống.

Không quản mưa nắng, có những hôm làm việc ngoài đồi 10- 12 tiếng đồng hồ, gia đình anh đã cải tạo và khai hoang được 10ha đất rừng để lập trang trại trồng cây lâm nghiệp như: keo, tràm và các loại cây ăn quả: bưởi, cam, chanh, chè, đào ao thả cá và trồng cỏ, chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, anh còn trồng xen các loại cây ngắn ngày như: lạc, đậu, vừng, các loại khoai để giữ độ ẩm cho cây và tăng thêm nguồn thu nhập để đầu tư tái sản xuất.

Khi kinh tế vườn đồi phát triển và đã cho thu nhập, anh đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vừa nâng cao đời sống kinh tế, vừa có nguồn phân bón cho các loại cây ăn quả. Nhờ làm ăn chăm chỉ và học hỏi kinh nghiệm, đến nay gia đình anh đã nuôi 27 con bò, 08 con trâu, 30 con lợn thịt, hàng trăm con gà, vịt... hàng năm thu từ bán gia súc, gia cầm, cây lâm nghiệp, cây ăn quả gia đình anh đã thu về trên 80 triệu đồng.  

Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó và có đầu óc làm kinh tế nên anh chưa thỏa mãn với mức thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm. Năm 2011 có chủ trương về phát triển mô hình kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước; anh nghĩ, ngoài làm kinh tế vườn đồi và chăn nuôi ra thì còn nhiều cách làm giàu từ mảnh đất này. Có chủ trương và qua một thời gian nghiên cứu anh cùng với mấy anh em trong thôn góp vốn và đề xuất với chính quyền địa phương cho thành lập mô hình hợp tác xã (HTX).

Ngày 30/11/2011, HTX nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Bình Minh xã Kỳ Trung chính thức được ra đời và do anh Nguyễn Như Hường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, phụ trách kinh doanh ba ngành nghề chính là: dịch vụ môi trường thu gom xử lý rác thải, quản lý điều tiết thủy lợi và tận thu khai thác cát, sạn đóng gạch Blook (táp lô) tạo công ăn việc làm cho 20 lao động là người thân và con em hội viên trên địa bàn có làm việc thường xuyên với mức thu nhập tiền công lao động từ 200 - 250 ngàn đồng/người/ngày.

Lúc đó, do thiếu vốn đề đầu tư sản xuất, qua tìm hiểu anh đã nắm bắt được thông tin về việc cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách này. Năm 2012, anh được vay 20 triệu, năm 2014 anh tiếp tục vay 20 triệu để mở rộng quy mô sản xuất.

Sử dụng đồng vốn hiệu quả, cộng thêm sự cần cù, chăm chỉ, từ năm 2014, sau khi cân đối thu chi và đầu tư tái sản xuất, gia đình anh đã thu về trên 200 triệu đồng.

Nhận thấy việc sử dụng vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, năm 2016, anh tiếp tục vay 20 triệu để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Đến nay, anh Nguyễn Như Hường chính là tấm gương sáng của người khuyết tật về ý chí, nghị lực, tinh thần vươn lên không mệt mỏi, không chịu đầu hàng số phận. Nhiều hộ học theo cách làm kinh tế của gia đình anh Hường giờ cũng đã thoát nghèo vươn lên khá giả.

Anh tâm sự: “Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự phấn đấu không ngừng của hai vợ chồng tôi và các con, cũng nhờ Đảng và Nhà nước, chính quyền đã quan tâm giúp đỡ, đặc biệt là Hội người mù đã tổ chức tập huấn, lại được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và chuyển giao cho các tài liệu về khoa học kỹ thuật trong chăn, thả và trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao”./.

Đình Khanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực