Những điển hình dân vận khéo trong xóa đói giảm nghèo

Chủ nhật, 26/06/2016 17:26
(ĐCSVN) – Những người làm dân vận không chỉ hiểu biết chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà phải luôn gần dân, hiểu suy nghĩ của dân, mong muốn và vận động người dân có những cách làm sáng tạo trong đời sống, để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Đây là những trải nghiệm thực tế trong công tác dân vận ở cơ sở của bà Thạch Ngọc Điệp, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Ô Rồm, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và bà Nguyễn Thị Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Tổ tiết kiệm giúp nhau xóa đói, giảm nghèo

Ấp Ô Rồm, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, độc canh cây lúa, cơ sở hạ tầng thấp kém, chưa đồng bộ, đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nhất là nhận thức của phụ nữ còn hạn chế. Một số chị em địa phương còn mê tín dị đoan, khi bị bệnh không đến viện mà nhờ thầy cúng đến chữa... Vì thế tỷ lệ hộ nghèo của ấp chiếm 30%.

Bà Thạch Ngọc Điệp trao tiền từ Tổ tiết kiệm cho hội viên ấp Ô Rồm -  Ảnh: Quang Huy

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của chị em phụ nữ ở địa phương và được chị em địa phương tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ ấp Ô Rồm, bà Thạch Ngọc Điệp đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là tìm cách hỗ trợ, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống.

Bà Thạch Ngọc Điệp tâm sự “địa phương làm nông nghiệp, trồng cây lúa, chăn nuôi là chính, nghề phụ không có, chỉ có một số chị em làm ăn buôn bán nhỏ, nên tìm cách phát triển kinh tế là rất khó khăn vì thiếu vốn. Trằn trọc suy nghĩ nhiều ngày, tôi đã nghĩ ra cách làm rất hiệu quả và phù hợp với điều kiện của phụ nữ địa phương là thành lập tổ tiết kiệm, chị em trong Hội sẽ góp một số tiền nhỏ lại với nhau thành món tiền lớn. Rồi đó sẽ giúp cho 1 chị em trong Hội lấy vốn đó để làm ăn”.

“Chỉ có như vậy mới có thể nghĩ đến cảnh thoát nghèo, làm giàu chứ không mạnh ai nấy làm thì hết đời cũng khó có thể khá lên được”, bà Thạch chia sẻ.

Từ suy nghĩ đó, năm 2002, bà Điệp đã chủ động đứng ra vận động chị em trong Hội tham gia vào mô hình Tổ tiết kiệm tín dụng. Ban đầu, mọi người chưa đồng lòng nên mới thành lập 02 tổ với 24 thành viên tham gia góp vốn, với số tiền 10.000 đồng/tháng/thành viên và số tiền góp vào sẽ xét cho 01 thành viên trong tổ vay với lãi suất 1%/1 lần vay và thời gian hoàn trả vốn trong nửa năm.

Qua quá trình hoạt động thấy được hiệu quả Tổ tiết kiệm tín dụng mang lại nên thu hút ngày càng nhiều hội viên phụ nữ tham gia. Tính đến năm 2016, bà Điệp đã vận động thành lập được 15 tổ tiết kiệm tín dụng với 206 thành viên tham gia, với số vốn gần 1 tỷ đồng. Nhờ đó đã giúp cho hàng trăm lượt chị em hội viên phụ nữ vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Từ đồng vốn này đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của chị em hội viên không chỉ trong ấp Ô Rồm mà cho chị em phụ nữ trong xã Châu Điền.

Điển hình như gia đình chị Thạch Thị Chanh Thi, ở ấp Ô Rồm, trước nay sinh sống bằng nghề buôn bán nhỏ, do thiếu vốn nên thường phải vay bên ngoài với lãi suất cao. Từ khi tham gia vào tổ tiết kiệm tín dụng, chị được giúp vốn để mở rộng tiệm tạp hoá và bổ sung thêm nhiều nguồn hàng hoá bán phục vụ cho bà con ở địa phương, nhờ đó mà kinh tế gia đình trở thành bậc khá của ấp.

Hay như chị Lâm Thị Kha, một trong 26 hội viên đầu tiên trong tổ tiết kiệm ban đầu đã thoát nghèo. Chị Kha cho biết, từ khi tham gia vào tổ tiết kiệm đến nay chị đã được vay 13 đợt, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng, số tiền này chị đã đầu tư chăn nuôi heo, nuôi bò sinh sản. Nhờ vậy, hiện gia đình chị đã có cuộc sống ổn định hơn.

Do làm tốt công tác vận động, tập hợp chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội cũng như tham gia vào mô hình tổ tiết kiệm tín dụng, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo ở ấp Ô Rồm giảm đáng kể (chiếm 2%), đáng chú ý tỷ lệ sinh con thứ 3 ở ấp Ô Rồm không còn cao. Đây không chỉ là sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân ấp Ô Rồm mà còn có sự đóng góp không nhỏ của Chi hội trưởng phụ nữ Thạch Ngọc Điệp.

 “3 tốt” giúp phụ nữ thoát nghèo

Tuy đã gần 60 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Nga vẫn nhiệt tình tham gia công tác Hội phụ nữ của địa phương. Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, bà đã gương mẫu đi đầu, vận động phụ nữ ở địa phương thực hiện mô hình "3 tốt" (tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt).

Bà Nga cho biết, Chi hội “3 tốt” thời gian đầu có 32 chị em phụ nữ tham gia, đến nay chi hội “3 tốt” đã vận động được 110 hội viên phụ nữ. Sinh hoạt Chi hội được thực hiện đều đặn vào ngày 20 hằng tháng, tại các sân đình làng của xã. Tại các buổi sinh hoạt, các chị em được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cách giúp nhau phát triển kinh tế và chăm sóc, nuôi dạy con cái… Mỗi lần sinh hoạt, chị em rất phấn khởi vì tình cảm làng xóm láng giềng thêm gần gũi và gắn bó.

Đặc biệt, trong mỗi buổi sinh hoạt, các chị em đóng góp 20 nghìn đồng/người vào quỹ tiết kiệm của chi hội. Tổng số tiền quyên góp mỗi tháng là 2,2 triệu đồng sẽ được dùng để hỗ trợ ngay cho 1 hội viên được đề xuất từ tháng trước là 2 triệu đồng để họ buôn bán, sản xuất, còn lại 200 nghìn đồng nộp vào quỹ chung của chi hội. Số tiền dư quỹ sẽ dành để chị em tổ chức hoạt động vui chơi, tham quan vào các ngày lễ, tết, 20/10, 8/3…

Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ “20 nghìn đồng nằm trong khả năng đóng góp của chị em, tuy số tiền không nhiều nhưng gộp lại đây là một khoản tiền kha khá có thể giúp 1 chị em đổi đời. Bởi chị em ở xã Tân Dương chủ yếu làm nghề buôn bán hoa quả, thực phẩm nên số tiền này đủ để phát triển kinh tế gia đình”.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay chi hội “3 tốt” đã tiết kiệm được 394 triệu đồng, giúp cho 120 lượt chị em vay để phát triển kinh tế, tổ chức được 12 buổi tập huấn cho chị em về kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc nuôi dạy con.

Thành công đầu tiên của chi hội "3 tốt" đã giúp được 5 hội viên phụ nữ thoát khỏi nghèo; giúp đỡ 115 triệu đồng cho hội viên mắc bệnh hiểm nghèo; giúp 2 cháu có nguy cơ bỏ học trở lại trường, toàn chi hội không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học…

Với những việc làm cụ thể và thiết thực trong thời gian qua, bà Thạch Ngọc Điệp, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Ô Rồm, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và bà Nguyễn Thị Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen và tuyên dương là cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại hội nghị điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2011-2015./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực