Tương lai khó đoán định của Trung Đông sau bầu cử Israel

Thứ năm, 18/04/2019 12:42
(ĐCSVN) - Kết quả cuộc bầu cử trước thời hạn do Ủy ban Bầu cử Trung ương Israel công bố cho thấy Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Đảng Likud đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, với đường lối dân tộc chủ nghĩa bảo thủ, cứng rắn của ông, cùng với các động thái định hình lại chính sách của Mỹ tại Trung Đông, có thể khiến cho tiến trình hòa bình ở khu vực này càng trở nên khó đoán định.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và phu nhân
tại trụ sở đảng Likud ở Tel Aviv tối 9/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ cuộc bầu cử trước thời hạn...

Cuộc bầu cử Israel được tổ chức sớm so với kế hoạch tới 7 tháng do quyết định của Thủ tướng đương nhiệm Netanyahu và liên minh cầm quyền. Quyết định này cho thấy ông Netanyahu đặt cược tương lai chính trị của mình trong bối cảnh chính phủ và bản thân ông đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả về chính trị lẫn pháp lý, khiến người ta cho rằng ông rất khó trúng cử.

Tuy nhiên, với kết quả kiểm 100% phiếu bầu, nhóm đảng cánh hữu đạt được 65 ghế, vượt 61 ghế cần thiết để giành quyền thành lập chính phủ. Trong khi đó, nhóm đảng trung hữu đạt được tổng cộng 55 ghế trong Quốc hội. Thủ tướng đương nhiệm Netanyahu sẽ trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Israel.

Giới chuyên gia cho rằng, Thủ tướng Netanyahu trúng cử ngay cả khi đang dính vào những vụ bê bối là bởi ông đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Nhà nước Do Thái sau 13 năm cầm quyền. Diện mạo Israel đã thay đổi, kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp với 6.000 công ty, dỡ bỏ giới hạn tối đa về các khu định cư.

Ông Netanyahu có rất nhiều kinh nghiệm trong tranh cử, bằng việc đưa ra chương trình tranh cử rất rõ ràng, biết tranh thủ các lực lượng cánh hữu, có thái độ cứng rắn đối với vấn đề Palestine, biết củng cố cho lợi ích của Israel ở Trung Đông. Đồng thời, ông cũng xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với một số người đứng đầu các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.

Đặc biệt, Thủ tướng Netanyahu nhận được sự ủng hộ từ Mỹ và cá nhân Tổng thống Mỹ D. Trump. Ngay từ khi bước vào Nhà Trắng, ông D.Trump đã đưa ra các quyết định có lợi cho Israel như công nhận Jesuralem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán tới đây, công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel, tuyên bố liệt kê lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào lực lượng khủng bố quốc tế. Những động thái này được coi là “bảo trợ ngấm ngầm” của chính quyền Tổng thống D.Trump với ông Netanyahu.

Đến định hình chính sách...

Thủ tướng Netanyahu, một nhà lãnh đạo theo trường phái dân tộc chủ nghĩa bảo thủ, cứng rắn giành thắng lợi trong bầu cử, ông sẽ thực thi tuyên bố trong giai đoạn cuối của cuộc tranh cử, đó là cam kết sáp nhập những vùng mà Israel đã xây dựng các khu định cư tại Bờ Tây vào lãnh thổ chính thức của nước này.

Trong khi đó, theo Hiệp ước hòa bình Oslo giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) năm 1993, rất nhiều khu định cư hiện nay của người Do Thái ở Bờ Tây phải thuộc quyền quản lý của chính quyền Palestine. Tuyên bố của ông Netanyahu sẽ là lời cáo chung thực sự cho tiến trình hòa bình tại Trung Đông.

Sẽ không khó để nhận thấy những nét đi chính và những tính toán chiến lược của Israel ở Trung Đông. Israel sẽ thực thi những chính sách cứng rắn hơn, cùng với những hậu thuẫn của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống D.Trump.

Không phải ngẫu nhiên hay chỉ là động thái mang tính biểu tượng khi Tổng thống Mỹ D. Trump tặng cho Israel Cao nguyên Golan, mà đây là một bước đi nhằm tạo lợi thế cho Thủ tướng Netanyahu trong bầu cử và có ý nghĩa chiến lược về quân sự trong chính sách của Mỹ và Israel tại khu vực Trung Đông.

Theo Tổng thống D.Trump, Cao nguyên Golan có “tầm quan trọng về chiến lược và an ninh hệ trọng đối với Nhà nước Israel và sự ổn định của khu vực”. Những hành động hiếu chiến (theo cách nói của ông D.Trump) của Iran và những hành động khủng bố ở miền Nam Syria, khiến Cao nguyên Golan trở thành bàn đạp tiềm năng để phát động các cuộc tấn công nhắm vào Israel. Bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai cũng sẽ phải cân nhắc tới khả năng phòng vệ của Israel trước Iran, Syria và các mối đe dọa từ khu vực.

Giới quan sát nhận định, sự hậu thuẫn của Mỹ trong bầu cử của Israel và sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là bước đi mới nhất của Tổng thống D.Trump trong một loạt các bước nhằm định hình lại vai trò của nước Mỹ trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đánh dấu một sự dịch chuyển lớn trong chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Trước đó, trong chuyến công du tới Trung Đông hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã “phác thảo” sơ bộ tầm nhìn mới của Mỹ ở Trung Đông với cam kết Washington sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh trong việc đảm bảo an ninh, ổn định tại khu vực, sẽ không từ bỏ các nỗ lực nhằm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của Iran. Ngay cả việc rút quân tại Syria cũng sẽ diễn ra từ từ, theo lịch trình chứ không phải ngay lập tức, bỏ trống trận địa quan trọng ở Syria.

Và tương lai của khu vực

Theo giới phân tích, thắng lợi của Thủ tướng Netanyahu trong bầu cử cùng với tái định hình chính sách của Mỹ, khiến cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ngay trong nội bộ Israel cũng còn nhiều người lo ngại cho một sự ổn định lâu dài khi chính sách cứng rắn của Thủ tướng Netanyahu không mở ra cánh cửa hòa bình với người Palestine.

Tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu về việc xây dựng thêm một số khu định cư của Israel tại Bờ Tây trước bầu cử, cũng như phát biểu ủng hộ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Palestine. Ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine, nêu rõ: “Chúng tôi phản đối những tuyên bố này. Đây là những tuyên bố vô trách nhiệm, đồng thời đại diện cho một sự vi phạm luật pháp quốc tế và một sự khiêu khích đối với nhân dân Palestine”.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng: “Điều mà chính quyền của Mỹ đang làm là phá vỡ sáng kiến hòa bình Ả Rập và thay đổi chính sách đối với vấn đề Israel và Palestine. Chính quyền của ông D.Trump đã kết thúc những vai trò còn sót lại cuối cùng của mình trong tiến trình hòa bình, cơ hội là một trung gian hòa bình”.

Những người dân đất nước Liban sống tại khu vực tranh chấp giữa nước này với Israel cảm thấy bất bình về quyết định từ phía Israel. Họ cho rằng, vùng đất như Chebaa hay Cao nguyên Golan là lãnh thổ của người Ả Rập, của người Syria. Những vùng đất này sớm muộn cũng được giải phóng, dù là bằng máu và bằng kháng chiến.

Ngoại trưởng Syria, Walid al-Moallem tuyên bố sẽ thu lại từng mét đất lãnh thổ của mình bị chiếm đóng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng tuyên bố: “Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã đẩy khu vực của một cuộc khủng hoảng mới, một căng thẳng mới. Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức Hợp tác Hồi giáo sẽ không ngồi yên hay khuất phục”.

Như vậy, chính sách cứng rắn của Thủ tướng Israel Netanyahu, cùng với động thái của Mỹ trong bối cảnh mâu thuẫn giữa hai giáo phái lớn của Hồi giáo là dòng Sunni và Shia vẫn tồn tại dai dẳng, bạo lực ở Dải Gaza đang bùng phát trở lại, các cuộc chiến chưa thể đi đến hồi kết, khiến cho tình hình Trung Đông càng trở nên khó đoán định hơn./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực