Tổng thống Sudan định hình nội các mới

Thứ hai, 10/09/2018 12:05
Chỉ ít giờ sau khi giải tán nội các gồm 31 thành viên, ngày 9/9, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (Ô-ma An Ba-sia) đã chỉ định ông Moutaz Mousa Abdallah (Mâu-tát Mâu-xa Áp-đa-la) làm thủ tướng mới của nước này.

 

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir phát biểu tại Khartoum ngày 27/6. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ông Moutaz Mousa Abdallah là Bộ trưởng Tưới tiêu và điện lực trong nội các vừa bị giải thể, có nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới với ít thành viên hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng tại quốc gia châu Phi này. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Bakri Hassan Saleh (Ba-cri Hát-xan Xa-lê) được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng thống thứ nhất, còn ông Mohamed Osman Yousif Kiber (Mô-ha-mét Ô-xman Dâu-xíp Ki-bơ) được chỉ định làm Phó Tổng thống thứ hai.

Trước đó, Đài Truyền hình quốc gia Sudan cho biết Tổng thống Omar al-Bashir dự kiến sẽ thành lập nội các mới có 21 thành viên. Quyết định giải tán nội các cũ được ông đưa ra vào thời điểm Sudan đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, với tình trạng lạm phát đã tăng hơn 65% trong thời gian qua. Theo ông Faisal Hassan Ibrahim (Phai-xan Hát-xan I-bra-him), cố vấn hàng đầu của Tổng thống al-Bashir, việc cắt giảm thành viên trong nội các mới là nhằm cắt giảm chi tiêu công và đây là biện pháp ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn.

Sudan chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế bất chấp việc Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phát vốn duy trì chống nước này trong nhiều thập kỷ. Giá của các loại mặt hàng lương thực và sản phẩm khác đã tăng gấp đôi trong năm nay. Trong khi đó, trên thị trường giao dịch tài tiền tệ nước ngoài, đồng bảng của Sudan đã giảm mạnh so với đồng USD. Trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng Trung ương Sudan đã hai lần phá giá đồng nội tệ trong năm nay. Hiện trên thị trường chợ đen, 1 USD đổi được 41 bảng Sudan, trong khi tỷ giá được quy định chính thức là 1 USD đổi 28 bảng Sudan. Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhiều thể chế tài chính đã hối thúc Chính phủ Sudan thực hiện các cải cách một cách có hệ thống nhằm vực dậy nền kinh tế kiệt quệ này. Sudan đã trải qua thời kỳ phát triển với tăng trưởng trung bình của Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn 1998 - 2008 là trên 6%, song nền kinh tế quốc gia châu Phi sau thời kỳ đó đã dần tụt dốc./.

Lê Thanh Hương/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực