Tổng thống D.Trump bác bỏ khả năng Hàn Quốc tự gỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên

Thứ năm, 11/10/2018 10:49
(ĐCSVN) – Ngày 10/10, Tổng thống Mỹ D. Trump đã bác bỏ khả năng Hàn Quốc sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Triều Tiên mà không có sự chấp thuận của Washington.

Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa các cuộc gặp Mỹ - Triều


Tổng thống Mỹ D.Trump. (Ảnh: Politico)


Tuyên bố trên được người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tỏ rõ một lập trường mềm mỏng hơn trong vấn đề Triều Tiên và cho biết thêm rằng, chính quyền Seoul đang cân nhắc tới việc gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đơn phương chống Bình Nhưỡng. Ông D.Trump nhấn mạnh, hiện cả Mỹ và Hàn Quốc vẫn “cùng kề vai sát cánh” trong vấn đề Triều Tiên.

Phản ứng trước câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc Hàn Quốc đang cân nhắc gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt chống Triều Tiên, ông D.Trump đã quả quyết rằng: “Họ (Hàn Quốc) sẽ không làm điều này nếu không có sự chấp thuận của chúng tôi. Họ cũng sẽ không hành động gì nếu như không có sự đồng thuận từ chúng tôi”.

Tổng thống D.Trump hiện được cho là đang theo đuổi cách tiếp cận đa chiều trong vấn đề Triều Tiên. Một mặt, nhà lãnh đạo này để ngỏ các phương án ngoại giao với Triều Tiên, song mặt khác lại hối thúc các đồng minh của Mỹ duy trì lệnh trừng phạt Triều Tiên cho tới khi nào tiến trình phi hạt nhân hóa được hoàn tất và xem đây là một phần trong “chiến dịch gây sức ép tối đa” mà chính quyền Washington áp dụng trong vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, trong một phiên họp Quốc hội Hàn Quốc, ngày 10/10, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho biết, chính quyền Seoul đang cân nhắc tới việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đơn phương chống Triều Tiên nhằm khích lệ Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi phi hạt nhân hóa. Các lệnh trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc nhằm vào Triều Tiên bắt đầu được đưa ra sau vụ chìm tàu chiến Cheonan năm 2010, đề cập tới việc cấm hầu hết các hoạt động giao dịch thương mại và trao đổi giữa hai miền.

Tuy nhiên, ngay sau đó, bà Kang đã rút lại lời tuyên bố của mình do vấp phải sự chỉ trích từ phía một số nhà làm luật theo đường lối bảo thủ của Hàn Quốc vì cho rằng, trước tiên, Triều Tiên cần đưa ra lời xin lỗi về vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.

Trong bối cảnh Mỹ đang duy trì một lập trường cứng rắn còn Hàn Quốc vẫn chưa tỏ ra nhất quán trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên thì cộng đồng thế giới ngày càng đưa ra kêu gọi mạnh mẽ về việc nới lỏng các biện pháp gây sức ép lên chính quyền Bình Nhưỡng, nhất là vào thời điểm tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang tiến triển.

Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt chống Bình Nhưỡng.
(Ảnh cắt từ bản tin NHK)


Ngày 9/10, các đại diện ngoại giao của ba nước gồm: Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “xem xét lại” các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng, đồng thời xem đây là những “biện pháp tương ứng” nhằm đáp lại những bước đi thiết thực của Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

 

Thông cáo chung do Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov, người đồng cấp Trung Quốc Kong Xuanyou và Triều Tiên Choe Son-hui đưa ra sau khi kết thúc các vòng tham vấn ở thủ đô Moscow (nga), ngày 9/10 có đoạn viết: “Dựa trên việc cân nhắc tới những bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên đã thực hiện, các bên cho rằng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên bắt đầu xem xét lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên”.

 

Các đại diện ngoại giao Nga, Trung Quốc và Triều Tiên chia sẻ lập trường cho rằng, các phương thức hòa bình và ngoại giao chính là giải pháp duy nhất và không thể thay thế cho các vấn đề hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Ba nước trên hoan nghênh nỗ lực của các bên liên quan nhằm thúc đẩy tiến trình đối thoại, dựa trên thiện chí tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên. Bên cạnh đó, các nước cũng kêu gọi nối lại các vòng đối thoại Mỹ-Triều và Hàn-Triều để có thể giải tỏa những quan ngại chung và bình thường hóa các mối quan hệ.


Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Trung Quốc và Triều Tiên khẳng định quan điểm hiện thực hóa mục tiêu giải giáp hạt nhân và thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cần được thực hiện từng bước một và đồng bộ, đòi hỏi các bước đi tương ứng từ các bên liên quan./.

Thu Lan (Theo Reuters, Yonhap, TASS)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực