Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Thứ hai, 17/09/2018 16:09
(ĐCSVN) - Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hungary; Thông điệp thường niên của Liên minh châu Âu; Ký kết thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa các phe phái ở Nam Sudan; Triều Tiên diễu binh với nhiều thay đổi; Diễn đàn Kinh tế phương Đông thúc đẩy hòa bình... là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018

Từ ngày 11 - 13/9/2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". 

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 

Ðây là một trong những sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm nay; đồng thời, là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Việt Nam, khẳng định sự đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam vì hội nhập và thịnh vượng chung của khu vực.

Tham dự Hội nghị có 9 nguyên thủ, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác cùng hơn 1.000 đại biểu là thành viên của Diễn đàn Kinh tế thế giới; các doanh nghiệp ASEAN, thế giới và Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử WEF, vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham dự phiên khai mạc, cùng với các vị lãnh đạo của Việt Nam, thành viên của Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, 7 bộ trưởng đã tham gia vào các phiên thảo luận, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm của các nước đối với quá trình tự cường trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab đồng chủ trì hội nghị.

Trong ba ngày diễn ra Hội nghị, khoảng 60 phiên họp, thảo luận chuyên đề đã được tổ chức, mở ra cơ hội để các đại biểu trao đổi về những vấn đề quan tâm liên quan cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ đề của các phiên thảo luận phong phú, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần đại biểu, như: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Triển vọng kinh tế châu Á; An ninh mạng; Ðịnh hướng năng lực tự cường của khu vực; Công sở 4.0… qua đó phát huy tối đa tiềm năng và bản lĩnh của ASEAN trong thời đại mới.

Giáo sư Klaus Schwab đánh giá, đây là Hội nghị thượng đỉnh cao cấp nhất từng có về ASEAN và là Hội nghị khu vực thành công nhất của WEF.

Thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 tạo dấu ấn quan trọng của Việt Nam, góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập của các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao các nước, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hungary

Sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, từ ngày 8 - 11/9/2018, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hungary theo lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến một trong những nước ở khu vực Trung-Đông Âu, kể từ sau thời kỳ chuyển đổi thể chế ở những nước này. Chuyến thăm khẳng định chủ trương của Việt Nam coi Hungary là đối tác truyền thống quan trọng hàng đầu tại khu vực Trung-Đông Âu.

Các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc diễn ra trong không khí hữu nghị, chân thành, tin cậy lẫn nhau, với nhiều nội dung phong phú về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Tại hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Viktor Orban thống nhất cho rằng trải qua gần 70 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong những năm gần đây. Nhằm thể hiện cao độ tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước, 2 nhà lãnh đạo nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ giữa hai nước lên “Đối tác toàn diện”.

Hai bên quyết tâm cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch…; chia sẻ kinh nghiệm trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong quá trình phát triển.

Các văn kiện được ký kết trong chuyến thăm này gồm: Hiệp định liên chính phủ về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hungary; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Công nghệ và Sáng tạo Hungary; Kế hoạch hợp tác giáo dục giai đoạn 2019-2021 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực Hungary; Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội ngành nước Hungary và UBND tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện Dự án cung cấp nước sạch Quảng Bình II; Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội ngành nước Hungary và UBND tỉnh Vĩnh Long về Dự án xử lý nước tại tỉnh Vĩnh Long; Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội ngành nước Hungary và UBND tỉnh Thanh Hóa về Dự án cấp nước sạch tại tỉnh Thanh Hóa.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hungary về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Thông điệp thường niên của Liên minh châu Âu

Ngày 12/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đọc bản thông điệp liên minh thường niên trước Nghị viện châu Âu tại thành phố Strasbourg (Pháp). Đây là thông điệp lần thứ 4 và cũng là lần cuối của ông trên cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Thông điệp liên minh Liên minh châu Âu năm nay được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử nghị viện châu Âu năm 2019 đã bắt đầu và các phong trào dân túy ở châu Âu đang trỗi dậy mạnh mẽ, đồng thời Liên minh châu Âu cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, thậm chí là một cuộc khủng hoảng có thể đe dọa sự tồn tại của khối. Liên minh châu Âu dường như cũng đang lún sâu vào thế đối đầu với Mỹ bởi những bất đồng giữa hai đồng minh truyền thống hai bờ Đại Tây Dương về hàng loạt vấn đề, từ Iran tới thương mại..., hầu như không thể tháo gỡ.

Do đó, nội dung trọng tâm của bản thông điệp này mà ông Juncker trình bày là tăng cường chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu tương xứng với sức mạnh kinh tế của liên minh, đồng thời hối thúc Lục địa già gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế với một lập trường thống nhất. Theo ông, sức mạnh của một châu Âu thống nhất trong cả nguyên tắc và hành động chính là yếu tố giúp Liên minh châu Âu có được nhiều kết quả rõ ràng.

Đánh giá về thông điệp cuối cùng của ông Juncker trên cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu, các nhà phân tích cho rằng, thông điệp chứa đựng nhiều mục tiêu tham vọng, qua đó ông đã chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo chính trị có tầm chứ không đơn thuần chỉ là một “phát ngôn viên” của các nước Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tầm nhìn tham vọng của ông được cho là chưa tìm ra “phương thuốc hữu hiệu” để giải quyết vấn đề cốt lõi, là Liên minh châu Âu đang bị "xé nát" bởi những bất đồng, và ông cũng không thể đủ thời gian để hiện thực hóa tất cả các dự định to tát của mình. Vì vậy, liệu các chính sách của Ủy ban châu Âu dưới thời Chủ tịch Juncker có phù hợp với những thách thức hiện nay vẫn đang còn là một câu hỏi chưa có đáp án rõ ràng.

Ký kết thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa các phe phái ở Nam Sudan

Ngày 12/9, các phe phái chính trị ở Nam Sudan đã ký kết thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới. Thỏa thuận cuối cùng được ký kết bởi Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh các nhóm đối lập gồm Riek Machar (nhóm SPLM-IO), Gabriel Chang Changson (nhóm SSOA), Deng Alor (nhóm SPLM- FDs).

Trong tuyên bố sau lễ ký, Bộ trưởng Truyền thông Nam Sudan Michael Makuei đã hoan nghênh thỏa thuận hòa bình có tính “hồi sinh” được ký kết bởi tất cả các bên và kêu gọi các bên tha thứ cho nhau, để cùng nhau làm việc vì lợi ích của nhân dân Nam Sudan.

Trước khi có thỏa thuận cuối cùng này, các phe phái ở Nam Sudan, trong đó chủ yếu là phe Chính phủ với đại diện là Tổng thống Salva Kiir và phe đối lập với thủ lĩnh là cựu Phó Tổng thống Riek Machar đã nhiều lần tổ chức đàm phán. Các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình toàn diện, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ năm 2013. Qua nhiều lần đối thoại, các bên đã đạt được một số thỏa thuận, bao gồm cả việc ngừng bắn vĩnh viễn và chia sẻ quyền lực, cho phép ông Riek Machar được phục hồi chức vụ Phó Tổng thống đã từng giữ trước đây.

Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận cuối cùng được ký kết giữa các phe phái ở Nam Sudan lần này đã mở ra một chương mới cho tiến trình hòa bình và ổn định lâu dài của quốc gia châu Phi này. Bởi tuy mới giành độc lập được 7 năm nay, nhưng những mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị ở Nam Sudan đã khiến đất nước này rơi vào xung đột đẫm máu. Kể từ tháng 12/2013 đến nay, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong khi hơn 4 triệu người mất nhà cửa, khoảng 2 triệu người đã phải chạy trốn sang các quốc gia láng giềng.

Triều Tiên diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 

Các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã không truyền hình trực tiếp lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Các thông tin liên quan chỉ được phát đi từ những phóng viên nước ngoài được mời tới tham dự buổi lễ. Đây được coi là một sự thay đổi đầu tiên đáng chú ý.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Kim Jong-un đã duyệt đội danh dự của quân đội nhân dân Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không đọc bài phát biểu tại buổi diễu binh mà nhiệm vụ này đã được giao cho Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên Kim Jong-nam, với nội dung trọng tâm là các vấn đề phát triển kinh tế.

Tại buổi lễ, hàng nghìn binh sỹ Triều Tiên đã diễu binh qua quảng trường Kim Nhật Thành, đi theo sau là các xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí khác. Phía trên bầu trời là những chiếc máy bay xếp thành con số “70” mang ý nghĩa biểu trưng kỷ niệm ngày Quốc khánh Triều Tiên.

Nét đáng chú ý trong cuộc diễu binh năm nay đó là có xu hướng vắng bóng những khẩu hiệu chống Mỹ - vốn được xem là điểm nổi bật trong các sự kiện trước tại Triều Tiên. Thay vào đó là những khẩu hiệu nêu bật những nỗ lực tăng cường ngoại giao mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đang theo đuổi. Dù một số loại vũ khí đã được huy động tham gia vào cuộc diễu binh, song các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa tầm trung đã không xuất hiện tại sự kiện này. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với cuộc diễu binh do Triều Tiên tổ chức vào tháng 2/2018 nhằm kỷ niệm ngày thành lập quân đội nước này, với sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 và Hwasong-15.

Dư luận Hàn Quốc nhận định, việc Triều Tiên không huy động các tên lửa ICBM tham gia cuộc diễu binh ngày 9/9 là nhằm thể hiện một thái độ tích cực trong quan hệ với Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun tin tưởng rằng, một thông điệp tốt đã phát đi tín hiệu về một tương lai mới của sự tiến bộ trong các mối quan hệ liên Triều, phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Trong thông điệp đăng tải trên trang cá nhân ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh giá việc Triều Tiên không huy động các thiết bị tên lửa ICBM tham gia cuộc diễu binh kỷ niệm ngày Quốc khánh là một “lời tuyên bố lớn lao và rất tích cực” từ chính quyền Bình Nhưỡng. Tổng thống D.Trump cho biết, chủ đề chính của cuộc diễu binh là phát triển kinh tế và hòa bình. Triều Tiên đã thuyết phục giới chuyên gia rằng nước này đang cắt giảm các tên lửa hạt nhân để chứng minh cho người đứng đầu Nhà Trắng về cam kết phi hạt nhân hóa. Qua đó, Tổng thống Mỹ D.Trump đã gửi lời cảm ơn tới nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, ông và ông Kim Jong-un đã chứng minh rằng “mọi người đã sai”. Theo quan điểm của ông D.Trump thì không diễn biến nào có thể so với một vòng đối thoại tốt giữa hai người có thiện cảm với nhau và tình hình hiện nay đã tốt hơn nhiều so với thời điểm ông nhậm chức.

Liên minh châu Âu gia hạn các lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng

Ngày 13/9, cơ quan phụ trách báo chí của Hội đồng Liên minh châu Âu (Liên minh châu Âu) cho biết, Liên minh châu Âu đã gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thêm 6 tháng, vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/9 tới. Theo đó, sẽ có 155 cá nhân và 44 thực thể nằm trong bản danh sách gia hạn trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Các nước Liên minh châu Âu đã bắt đầu đưa ra các biện pháp áp đặt trừng phạt nhằm vào các cá nhân của Nga kể từ tháng 3-2014. Và từ thời điểm đó cho tới nay, các biện pháp trừng phạt này đã được gia hạn đều đặn cứ 6 tháng/lần.

Nguyên nhân của những lần gia hạn trừng phạt trên xuất phát từ mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Liên minh châu Âu kể từ sau cuộc chính biến ở Ukraine hồi tháng 2/2014. Sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea hồi tháng 3/2014 với kết quả ủng hộ phương án sáp nhập vào Nga, các nước phương Tây đã cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, Nga luôn bác bỏ các luận điệu của Liên minh châu Âu và cũng đưa ra các biện pháp trả đũa Liên minh châu Âu về kinh tế.

Cho tới nay, Liên minh châu Âu đã áp đặt một số gói trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó gồm các lệnh cấm vận và giới hạn kinh tế đối với Nga. Gói trừng phạt mới đây nhất của Liên minh châu Âu là cấm các doanh nghiệp châu Âu duy trì bất cứ mối liên hệ nào với Crime. Các biện pháp trừng phạt cụ thể được thông qua như là một phần trong chính sách của Liên minh châu Âu nhằm không công nhận việc sáp nhập Crimea vào Nga và có thể sẽ tiếp tục được Liên minh châu Âu gia hạn.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông thúc đẩy hòa bình và phát triển

Từ ngày 11 - 13/9, Diễn đàn Kinh tế phương Ðông (EEF) lần thứ tư đã diễn ra tại thành phố Vladivostok (Nga), thu hút sự tham gia của hơn 6.000 đại biểu với hơn 100 hoạt động. Diễn đàn tập trung vào bốn nhóm chủ đề chính: “Các công cụ hỗ trợ các nhà đầu tư”, “Những ưu tiên ngành của Viễn Ðông”, “Viễn Ðông toàn cầu: các dự án hợp tác quốc tế” và “Tạo điều kiện sống cho con người”.

Trong khuôn khổ diễn đàn, đã có 7 phiên thảo luận kinh doanh, gồm: “Nga-Trung Quốc”, ”Nga-Ấn Độ”,  “Nga-Hàn Quốc”, “Nga-Nhật Bản”, “Nga-ASEAN”, “Nga-Cận Đông” và “Nga-châu Âu”.

Tại diễn đàn, đã có hơn 170 thỏa thuận được ký với tổng trị giá 2,9 nghìn tỷ rúp (41,7 tỷ USD). Trong số các thỏa thuận có trị giá lớn có dự án xây dựng cơ sở công nghiệp khai khoáng tại Chukotka, thỏa thuận về đầu tư của Quỹ đầu tư châu Á Generations Fund (GenFund) vào các dự án khu vực Viễn Đông của tập đoàn nông nghiệp Rusagro và nhà máy phân khoáng Nokhodkinsky của Nga, thỏa thuận cung cấp 100 máy bay SSJ-100 cho hãng hàng không Aeroflot của Nga...

Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) được Nga tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 với mục tiêu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế vùng Viễn Đông giàu tiềm năng và mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác đây cũng là quyết sách của Nga nhằm đối phó với chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga kể từ năm 2014 đến nay. Qua 3 lần tổ chức, EEF đã thu hút trên 10.000 lượt đại biểu tham dự, trong đó có nhiều quan chức cấp cao chính phủ các nước và có hơn 700 thỏa thuận được ký kết, trị giá gần 100 tỷ USD.

Các nhà phân tích cho rằng, EEF lần thứ 4 này đã mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư đa phương, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh chính sách bảo hộ đang đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Apple Inc giới thiệu các mẫu điện thoại Iphone mới nhất

Ngày 12/9, tại nhà hát Steve Jobs, trong khuôn viên trụ sở Apple Park ở Cupertino, California, Mỹ, hãng công nghệ Apple đã tổ chức sự kiện giới thiệu loạt siêu phẩm mới, gồm 3 mẫu điện thoại thông minh iPhone phiên bản 2018 có tên gọi iPhone XR, iPhone XS và iPhone XS Max, được nâng cấp đáng kể về màn hình, tốc độ, tính năng...

Nổi bật trong loạt điện thoại mới lần này của Apple là bộ đôi iPhone XS mới đều dùng công nghệ OLED, Face ID nhanh hơn, loa stereo rộng hơn. Cả 2 dùng chip A12 Bionic, dòng chip 7 nm đầu tiên trên thế giới với 6 nhân CPU, 4 nhân GPU, Neural Engine. GPU trên chip này nhanh hơn 50% so với thế hệ trước.

Hai loại siêu phẩm này, được trang bị loại kính mới, bền nhất từ trước đến nay đối với smartphone, và được ra mắt với 3 màu: xám, trắng và vàng, chống nước theo tiêu chuẩn IP68. So với iPhone X, iPhone XS và iPhone XS Max có thời lượng sử dụng pin cao hơn lần lượt là 30 phút và 90 phút.

Bên cạnh đó, lần ra mắt mẫu iphone lần này cũng đánh dấu lần đầu tiên Apple ra mắt loại smartphone có 2 sim, 2 sóng. Ngoài ra, hãng công nghệ khổng lồ này còn thiết kế loại sim đặc biệt có thể sử dụng toàn cầu.

Theo ông Tim Cook - CEO của Apple, loạt iPhone mới này sẽ đưa iPhone X lên một tầm cao mới, và đây là những chiếc iPhone tốt nhất Apple từng tạo ra. Trong khi đó, tác giả Nilay Patel của trang công nghệ The Verge đánh giá: "Apple quá xuất sắc trong việc biến những thứ giống nhau trở nên khác biệt".

Virus MERS – CoV xuất hiện trở lại tại Hàn Quốc

Sau hơn 3 năm bùng phát dịch bệnh do virus Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS - CoV), ca bệnh đầu tiên đã xuất hiện trở lại tại Hàn Quốc. Ngày 8/9, một người đàn ông Hàn Quốc 61 tuổi đã được phát hiện nhiễm virus MERS - CoV sau chuyến công tác dài ngày tới Kuwait. Đây là ca bệnh đầu tiên ở Hàn Quốc kể từ sau đợt dịch bùng phát hồi tháng 7/2015 khiến 38 người thiệt mạng.

Ngay khi có báo cáo về trường hợp nhiễm virus MERS-CoV xuất hiện trở lại, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã tiến hành rà soát, theo dõi và cách ly những người có tiếp xúc với bệnh nhân. Số người tiếp xúc với bệnh nhân này được khoanh vùng trong 440 người, trong đó số đối tượng được cho là có tiếp xúc gần gũi cần phải giám sát tích cực là 22 người.

MERS-CoV là bệnh nhiễm trùng phổi do virus coronavirus gây ra. Bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại Saudi Arabia vào năm 2012, lây nhiễm hơn 1.600 trường hợp với 36% tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, tương tự như SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp), MERS-CoV hiện không có vaccine phòng ngừa. Virus nguy hiểm này có thể lây từ động vật sang người hoặc giữa người với người do tiếp xúc.

Theo các quan chức ngành dược, các hãng dược phẩm lớn như Ilyang Pharmaceutical Co. và Gene One Life Science Inc. vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chế tạo các loại vaccine đặc hiệu, có khả năng phòng ngừa chủng virus MERS-Co. Hồi năm 2016, một phương pháp điều trị thử nghiệm MERS của hãng dược phẩm Ilyang Pharmaceutical Co đã được chọn làm dự án nghiên cứu được chính phủ hỗ trợ, song tiến trình này hiện vẫn đang ở giai đoạn ban đầu và hiện chưa có thông tin cụ thể.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Bỉ

Bộ Nông nghiệp Vương quốc Bỉ xác nhận dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở nước này sau khi có hai con lợn rừng ở khu vực Etalle nhiễm virus của dịch bệnh này.

Theo Bộ Nông nghiệp Bỉ, loại virus này không ảnh hưởng đến người nhưng giới chức nước này đang làm việc để ngăn chặn sự lây lan của virus qua lợn rừng tới các trang trại lợn.

Chính phủ Bỉ đã ra lệnh cấm săn bắn thú hoang trong vòng 1 tháng kể từ ngày 14/9 trong một khu vực rộng 63.000 ha nhằm ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi lan ra khỏi khu rừng. Trong khi đó, 67 trang trại lợn trong vùng đã được đặt vào tình trạng phải theo dõi liên tục.

Sự xuất hiện của dịch tả lợn châu Phi tại Bỉ đã khiến các quốc gia láng giềng, trong đó có Pháp đề cao cảnh giác trước nguy cơ lây lan dịch bệnh ở quốc gia này.

Virus gây dịch tả lợn châu Phi là virus có tốc độ lây truyền cao và đã xuất hiện tại một số nước Đông Âu. Khi mắc bệnh, tỷ lệ tử vong ở động vật lên đến 100%, do đó cách duy nhất là tiêu hủy. Dịch bệnh này đã được phát hiện tại Romania vào tháng trước, khiến nước này phải tiêu hủy 140.000 con lợn.

Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm  Vytenis Andriukaitis cho biết, ông đã kêu gọi một cuộc họp với giới chức Bỉ để bàn bạc về chiến lược ngăn chặn dịch bệnh  lây lan trên toàn châu lục.

Hàng loạt vụ nổ khí gas xảy ra ở bang Massachusetts

Hàng loạt vụ nổ khí gas đã xảy ở 3 thị trấn, gần thành phố Boston, Massachusetts (Mỹ), làm ít nhất 1 người thiệt mạng, 10 người bị thương và hơn 8.000 người phải đi sơ tán.

Cảnh sát bang Massachusetts đã nhận được khoảng gần 100 báo cáo về các vụ cháy, nổ ở 3 thị trấn Lawrence, North Andover và Andover. Sau đó, giới chức bang này đã nhờ đến sự giúp đỡ của các lực lượng cứu hỏa và cảnh sát của các địa phương lân cận để kiểm soát tình hình.

Ít nhất 8.000 khách hàng của Công ty Khí đốt Columbia ở khu vực Merrimack đã được yêu cầu sơ tán khỏi nhà ngay lập tức. Công ty điện lực Grid cũng nhanh chóng thông báo kế hoạch cắt điện để đảm bảo an toàn. Do vậy, nhiều đường phố ở bang Massachusetts đã chìm trong bóng tối sau khi xảy ra hàng loạt vụ cháy nổ từ chiều 13/9.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nguyên nhân của các vụ cháy nổ có thể là do đường dẫn khí gas do Công ty khí đốt Columbia quản lý chịu áp lực lớn. Công ty này có khoảng 313.000 khách hàng tại bang Massachusetts, hiện cũng đang tiến hành một cuộc điều tra riêng để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Bão Mangkhut tràn qua Philippines, đổ bộ vào Trung Quốc

Tràn qua Philippines, theo ước tính, siêu bão Mangkhut có thể khiến Philippines thiệt hại khoảng 5 - 6% GDP và làm Trung Quốc và Hong Kong tiêu tốn 50 tỷ USD.

Sau khi đổ bộ vào thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từ chiều 16/9 với sức gió mạnh 160 km/h, bão Mangkhut đã lấy đi sinh mạng của ít nhất 2 người, làm hơn 100.000 người phải di tản, kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

Chính quyền Trung Quốc cho biết gần 2,5 triệu cư dân ở tỉnh Quảng Đông chịu ảnh hưởng của cơn bão, 18.000 cơ sở lưu trú tạm thời được mở cửa cho những người sơ tán.

Trước khi bão Mangkhut đổ bộ, chính quyền đã yêu cầu ngư dân neo đậu thuyền bè tại những khu vực an toàn, không ra khơi đánh cá. Tại Hong Kong, nước lũ dâng cao 3,35 m ở cảng Victoria, chia cắt đảo Hong Kong với phần còn lại của thành phố.

Trong khi đó, lở đất sau bão Mangkhut tại Philippines đã làm hàng chục người mắc kẹt, trong đó có ít nhất 40 thợ đào vàng và nhiều người đang trú ẩn tại một nhà thờ.  

Trả lời báo chí, ông Francis Tolentino, cố vấn cấp cao của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ước tính hơn 5,7 triệu người trực tiếp chịu ảnh hưởng của cơn bão, đồng thời cho rằng việc hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm cho những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất sẽ là một thử thách lớn.

Chính quyền cũng lo ngại các ruộng lúa, ngô và chuối tại tỉnh Cagayan sẽ bị tàn phá sau khi bão Mangkhut đổ bộ. Bloomberg ước tính Philippines sẽ chịu thiệt hại khoảng 5 - 6% GDP.

Ông Chuck Watson, chuyên gia về thảm họa tại Viện nghiên cứu Enki, Mỹ, cho rằng Trung Quốc và Hong Kong có thể tiêu tốn đến 50 tỷ USD vì bão Mangkhut./.

Lê Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực