Nga tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong Hiệp ước hạt nhân

Thứ tư, 05/12/2018 16:01
(ĐCSVN) – Ngày 4/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Moscow đang tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Mỹ cũng biết điều này.

Các nhà lập pháp Nga kêu gọi sửa đổi quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Ảnh: TASS)

Đây là lập trường mới nhất mà Nga đưa ra liên quan tới những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg liên quan tới INF.

Trước đó, cũng trong ngày 4/12, ông Pompeo ra tối hậu thư cảnh báo Nga về khả năng Mỹ sẽ chấm dứt nghĩa vụ đối với INF trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ Hiệp ước này một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng.

 

Phát biểu trong một cuộc họp của NATO, ông Pompeo nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, Mỹ tuyên bố đã phát hiện Nga vi phạm INF và trong vòng 60 ngày sẽ chấm dứt nghĩa vụ của chúng tôi với Hiệp ước này như là một biện pháp khắc phục trừ khi Nga trở lại tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng”.

 

Quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, Nga đã triển khai một thiết bị tên lửa có tầm bắn vượt quá giới hạn cho phép của INF và tầm bắn hữu dụng của thiết bị tên lửa này đã trở thành mối đe dọa trực tiếp với châu Âu. Cũng theo ông Pompeo thì từ năm 2013 cho tới nay, Mỹ đã nêu lên vấn đề Nga vi phạm INF ít nhất 30 lần, song tình hình vẫn không được cải thiện.

 

Về phía Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo thêm rằng, thời gian để Nga tuân thủ INF sắp hết. Đại diện cấp cao của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh nhấn mạnh: “Nga đang đứng trước một cơ hội cuối cùng để trở lại tuân thủ INF. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản thiếu vắng Hiệp ước này”. Theo đánh giá mà ông Stoltenberg đưa ra thì Mỹ đang tuân thủ INF còn Nga thì không. “Chính bởi vậy, chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức trở lại tuân thủ Hiệp ước INF một cách đủ và có thể xác minh được…” - ông Stoltenberg nói.

 

Hiệp ước INF được ký bởi Tổng thống Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987. Đây được xem là một hiệp ước mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chạy đua vũ trang trong thời chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc. Hiệp ước đề cập tới việc cấm các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km và hướng tới việc loại bỏ gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

 

Ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập tới khả năng rút khỏi INF vì cho rằng Nga đang vi phạm thỏa thuận này. Cho tới nay, Anh cũng đã bày tỏ lập trường ủng hộ tuyên bố của Mỹ còn phía NATO đã gán trách nhiệm cho Moscow trước quyết định của ông D.Trump với lập luận rằng “Nga đã vi phạm INF”. Tuy nhiên, trái với sự đồng thuận từ các nước đồng minh NATO, tuyên bố mà ông D.Trump đưa ra đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Nga và làm dấy lên một cuộc tranh cãi trong nội bộ chính trường Mỹ.

 

Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 4/12, Nghị sĩ đảng Dân chủ Eliot Engel tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cảnh báo, việc Tổng thống D.Trump đưa ra quyết định tạm thời chấm dứt các nghĩa vụ của Mỹ trong INF có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ. Chính vì thế, ông Engel cho rằng, nhiệm vụ của Mỹ trong thời điểm hiện nay là cùng phối hợp với các nước đồng minh châu Âu để đưa Nga quay trở lại con đường tuân thủ INF, chứ không phải đơn phương rút khỏi Hiệp ước này. “Chúng ta phải hành động có trách nhiệm và làm mọi điều có thể nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang” - thông cáo báo chí của ông Engel nêu rõ.

 

Trả lời báo chí ngày 4/12, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng LB Nga - ông Viktor Bondarev cho rằng, trong tình huống hiện nay, Nga và Mỹ cần phải đối thoại về INF và gói gọn vấn đề này trong phạm vi châu Âu. Nga nhấn mạnh tính cần thiết của việc tuân thủ và duy trì INF, tuy nhiên, nước này sẽ đưa ra những biện pháp phản ứng trong tình huống Mỹ rút khỏi INF, trong đó gồm cả việc triển khai những loại vũ khí "độc nhất vô nhị" mà chỉ Nga mới có./.

Thu Lan (Theo NHK, TASS, Sputnik)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực