Khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông: Nhiều nước đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar

Thứ ba, 06/06/2017 20:44
(ĐCSVN) – Sóng gió mới lại nổi lên ở Trung Đông sau khi một loạt quốc gia đã tuyên bố cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng nước này can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, hậu thuẫn khủng bố và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.


Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammad Bin Abdul Rahman Al Thani. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 5/6, Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã tuyên bố ngừng tất cả quan hệ ngoại giao với Qatar. Sau đó, các nước gồm Maldives, Ai Cập, Yemen và Libya cũng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như các nước đồng minh trong khu vực và cắt đứt các mối quan hệ bang giao với Qatar.

Điều đáng nói là 5 nước Ả rập gồm: Ả rập Xê út, UAE, Bahrain, Yemen và Ai Cập không chỉ đột ngột đình chỉ các mối quan hệ ngoại giao với Qatar như đã từng làm trong quá khứ mà còn được nâng lên một mức cao hơn khi cắt đứt các hoạt động đi lại bằng đường bộ, đường không và đường biển với Quatar. Tất cả 4 nước còn lại trừ Ai Cập gồm: Ả rập Xê út, UAE, Bahrain và Yemen đều đã chỉ thị các công dân của mình rời khỏi Qatar.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Qatar đã ra tuyên bố tỏ rõ sự tiếc nuối và ngạc nhiên trước động thái được xem là “không công bằng và vô căn cứ” của các nước khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha.

Ngoại trưởng Qatar Mohammad Bin Abdul Rahman Al Thani nêu rõ, quyết định về ngoại giao của các nước vùng Vịnh đã làm dấy lên câu hỏi nghiêm túc về tương lai của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Ba Tư (PGCC). Ông Thani tuyên bố, Qatar sẽ đánh giá lại mối quan hệ giữa nước này với PGCC nếu như nhận thấy có dấu hiệu của sự can thiệp từ phía bên ngoài vào công việc nội bộ của Qatar. Đại diện ngoại giao này tin tưởng người dân Qatar sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình huống mới phát sinh và sẽ tiếp tục duy trì cuộc sống bình thường.

Cùng ngày, chính phủ Iran cũng lên tiếng chỉ trích việc 5 nước Ả rập cắt đứt quan hệ với Qatar. Trong thông điệp đăng tải trên trang cá nhân, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Láng giềng là vĩnh viễn, địa lý không thể thay đổi…Sự ép buộc không bao giờ có thể mang lại giải pháp…Đối thoại mới là cấp bách, đặc biệt trong dịp lễ Ramadan”.

Trong tuyên bố ngày 5/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi kêu gọi Qatar và các nước giải quyết tranh cãi thông qua ngoại giao và đối thoại rõ ràng. Theo quan điểm của ông Qassemi thì không một nước nào trong khu vực và trên thế giới được hưởng lợi từ các mối quan hệ gia tăng căng thẳng giữa các nước láng giềng, đặc biệt vào thời điểm các nước trong khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả bởi sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, cũng như việc Israel tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine. “Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran kêu gọi tất cả các nước liên quan tới cuộc tranh cãi đang tiếp diễn ở phía Nam vùng Vịnh rút kinh nghiệm từ những bài học cay đắng trong khu vực…và hành động để hạ nhiệt căng thẳng, thiết lập lại hòa bình trong khi tỏ rõ sự kiềm chế” – ông Qassemi nói.

Ngay trong ngày 5/6, Tiểu vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah đã kêu gọi Qatar kiềm chế trước các hành động có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, đồng thời nỗ lực để giải quyết bất đồng đang có dấu hiệu leo thang trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc bùng phát một cuộc khủng hoảng ngoại giao mới giữa Qatar và một số nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Một quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố Washington sẵn sàng trợ giúp để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao đang tiếp diễn giữa các nước trong GCC và hy vọng tất cả các bên sẽ sớm giải tỏa bất đồng.

Theo đánh giá của giới phân tích, diễn biến này không chỉ tạo ra “một cơn địa chấn” nghiêm trọng nhất về mặt ngoại giao ở vùng Vịnh trong nhiều năm trở lại đây, mà còn đẩy Qatar vào một cuộc khủng hoảng tức thời khi nước này có đường biên giới trên bộ duy nhất tiếp giáp với Ả rập Xê út và phụ thuộc 40% lượng lương thực nhập khẩu từ các nước Ả rập. Người dân Qatar cho biết hiện họ đang bắt đầu tích trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu và tiền mặt, trong khi đó, các công dân và nhà ngoại giao Qatar đang phải đối mặt với thời hạn 48 giờ đồng hồ để rời khỏi một số nước tuyên bố cắt đứt ngoại giao với Doha.

Một số nhà quan sát cho rằng, với động thái mới nhất về ngoại giao, một số nước dường như đang nỗ lực gây sức ép lên Qatar - nước vốn duy trì các mối quan hệ với Iran. 

Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Đông thường được ví là “thùng thuốc súng đang trực chờ phát nổ” với các mối đe dọa về khủng bố, cực đoan cùng một loạt cuộc khủng hoảng còn chưa tìm được lối thoát. Điều này lại càng nhấn mạnh vai trò của những nỗ lực ngoại giao nhằm dập tắt cuộc khủng hoảng vừa bùng phát trong khu vực nhằm tránh kịch bản Trung Đông sẽ bị đẩy vào một tình huống mới, với những khó khăn chồng chất./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực