Ấn Độ và EU sẽ tái khởi động đàm phán FTA

Thứ hai, 11/11/2019 15:44
(ĐCSVN) – Tại cuộc họp Rà soát Quan hệ Đối tác Chiến lược Ấn Độ - Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 8 -11/2019 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, hai bên đã cam kết sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Ấn độ và  EU sẽ tái khởi động đàm phán FTA.
(Ảnh: thepolicytimes.com)

“Ấn Độ và EU nhấn mạnh sự cần thiết phải có một Hiệp định Thương mại và Đầu tư song phương (BTIA) và nhất trí tiếp tục đàm phán để hướng tới mục tiêu này”, theo công bố được đưa ra ngày 9/11 sau cuộc họp Rà soát Quan hệ Đối tác Chiến lược Ấn Độ - EU do Bí thư Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) Vijay Thakur Singh và Phó Tổng thư ký Các vấn đề Kinh tế và Toàn cầu của Cơ quan Đối ngoại EU ở khu vực châu Mỹ Christian Leffler chủ trì. Tuy nhiên, hai bên không đưa ra lộ trình về cách thức khai thông những bế tắc trong các cuộc đàm phán kéo dài 6 năm qua.

Quyết định hướng đến một thỏa thuận BTIA được đưa ra sau khi Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được khởi xướng và dẫn dắt bởi ASEAN, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 4/11 vừa qua.

Việc Ấn Độ quyết định rút khỏi Hiệp định RCEP được cho là vì lợi ích quốc gia. Bà Vijay Thakur Singh – Bí thư (Thứ trưởng phụ trách khu vực) phương Đông, Bộ Ngoại giao Ấn Độ truyền đạt lại quyết định của Thủ tướng Narendra Modi cho biết: "Ấn Độ có những vấn đề quan trọng về lợi ích cốt lõi vẫn chưa được giải quyết". Bà Singh cho biết nước này đã tham gia các vòng thảo luận của RCEP rất thiện chí, đàm phán mạnh mẽ và rõ ràng về lợi ích của đất nước. "Chúng tôi đã quyết định đúng đắn vì lợi ích quốc gia", bà nói thêm.

Tuy nhiên, các quan chức EU cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng các cuộc đàm phán FTA với Ấn Độ có thể sẽ được nối lại một cách nhanh chóng do còn vướng mắc một số vấn đề, bao gồm Ấn Độ quyết định hủy bỏ các Hiệp định Thương mại và Đầu tư song phương với 58 quốc gia, bao gồm 22 quốc gia thành viên EU vào năm 2016 và tiến trình Anh rời Liên minh EU (Brexit) đang gặp trở ngại.

Bộ trưởng Thương Mại Ấn Độ Piyush Goyal, cũng như các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết Ấn Độ muốn thăm dò FTA với các nước phương Tây, bao gồm các nước EU và Mỹ hơn là nhóm 15 quốc gia RCEP, bao gồm Trung Quốc. Tại cuộc gặp song phương ngày 1/11 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng xúc tiến đẩy mạnh thỏa thuận BTIA.

Theo ông Piyush Goyal, các ngành như đá quý, hàng dệt may và nông nghiệp của nước này đã thúc đẩy một thỏa thuận thương mại với EU.

Trả lời phỏng vấn báo The Hindu, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU năm nay cho biết thỏa thuận BTIA có thể mất “thời gian dài” để đạt được đồng thuận. Cũng theo Ngoại trưởng Haavisto, tiến trình Brexit đang diễn ra đã khiến các thỏa thuận thương mại của EU bị trì hoãn.

Năm 2013, Ấn Độ và EU đã trì hoãn các cuộc đàm phán sau khi không đạt được đồng thuận về các vấn đề như thuế ô tô và rượu của EU, bảo mật dữ liệu và việc Ấn Độ muốn Hiệp định bổ sung các dịch vụ và cấp thêm thị thực cho các chuyên gia Ấn Độ. Kể từ đó đến nay, mặc dù hai bên đã tổ chức cuộc họp vài lần nhưng vẫn không đạt được nhất trí nhằm tái khởi động đàm phán như cam kết được Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch EU đưa ra tại một hội nghị thượng đỉnh năm 2017./.

Hoài Hà (Theo The Hindu, mea.gov.in)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực