14 nước trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Thứ sáu, 18/10/2019 19:34
(ĐCSVN) – Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 17/10 đã bầu 14 quốc gia làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền cho nhiệm kỳ mới có thời hạn 3 năm.

 

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: UN)

Namibia (175 phiếu), Sudan (175 phiếu), Mauritania (172 phiếu) và Libya (168 phiếu) đã được bầu để lấp đầy 4 ghế trống của Nhóm châu Phi.

Đối với Nhóm các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, Indonesia (174 phiếu), Nhật Bản (165 phiếu), Hàn Quốc (165 phiếu) và Quần đảo Marshall (123 phiếu) đã giành được vị trí trong Hội đồng Nhân quyền.

Đức (174 phiếu) và Hà Lan (172 phiếu) đã được bầu vào hai ghế trống của Tây Âu và các quốc gia khác. Hai ghế của Nhóm Đông Âu đã tới với Armenia (144 phiếu) và Ba Lan (124 phiếu).

Đối với những nước thuộc Nhóm các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean, Brazil được bầu lại với 153 phiếu, và thành viên mới là Venezuela, quốc gia đã đánh bại Costa Rica với 105 phiếu so với 96 phiếu.

Được thành lập vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có trách nhiệm tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Có trụ sở tại Geneva, Hội đồng Nhân quyền tổ chức 3 phiên họp thường niên vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9 hàng năm. Hội đồng gồm có 47 quốc gia được bầu trực tiếp và cá nhân bằng cách bỏ phiếu kín, theo nguyên tắc phân phối địa lý công bằng, theo đa số trong 97 phiếu của các thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên có nhiệm kỳ 3 năm và chỉ đủ điều kiện để tái cử một lần.

Các quốc gia được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hợp tác đầy đủ với Hội đồng và đệ trình thủ tục đánh giá định kỳ toàn cầu tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ của họ. Do 2/3 số thành viên có mặt và bỏ phiếu, Đại hội đồng có thể đình chỉ quyền ngồi vào Hội đồng của một thành viên đã vi phạm nhân quyền thô bạo và một cách có hệ thống. Libya là quốc gia duy nhất cho đến nay đã bị đình chỉ khỏi Hội đồng vào năm 2011.

Các quốc gia sẽ rời khỏi Hội đồng vào ngày 31/12/2019 tới là Nam Phi, Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Croatia, Cuba, Ai Cập, Hungary, Iceland, Iraq, Nhật Bản, Rwanda, Tunisia và Vương quốc Anh./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực