FED không tăng lãi suất năm 2019, vì sao?

Thứ sáu, 22/03/2019 17:23
(ĐCSVN) - Sau phiên họp kéo dài 2 ngày (19 và 20/3) của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC), Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell cho biết, sẽ giữ lãi suất ổn định trong một khoảng thời gian vì kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm chạp và áp lực lạm phát giảm.

FED vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,25-2,5%. 

Những dấu hiệu giảm tốc

Theo nhận định của FED, trong năm 2019, kinh tế Mỹ chỉ tăng khoảng 2,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3% đạt được trong 2018. FED cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong 2019 sẽ ở mức 3,7%, cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2018; lạm phát có thể ở mức 1,8%, thấp hơn mức dự báo 1,9% trước đó.

Dự báo nêu trên khiến các chuyên gia kinh tế có sự đánh giá khác nhau. Có ý kiến cho rằng, năm 2019 nền kinh tế Mỹ sẽ có sự khởi đầu tồi tệ, lại có ý kiến cho rằng, “triển vọng là tích cực”.

Theo nhận định của chuyên gia Anthony Chang thì “các lực đẩy kinh tế Mỹ năm nay suy yếu”, trong khi ông Powell lại cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trong một “trạng thái tốt” và triển vọng là “tích cực”.

Phát biểu sau cuộc họp báo (20/3), chủ tịch FED, ông Powell cho biết họ đã thấy các dấu hiệu kinh tế giảm tốc nhiều hơn dự kiến và số liệu kinh tế trái chiều. Tuy nhiên, “Kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng tốt và chúng tôi (tức FED) sẽ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để duy trì”.

Nhiều mối lo bắt đầu nổi lên: Sự suy giảm trong chi tiêu của các hộ gia đình, mức đầu tư của các công ty từ đầu năm đến nay; việc đóng cửa chính phủ khiến nhiều dữ liệu, bao gồm cả việc công bố các báo cáo hàng tháng về GDP đã bị trì hoãn; những rủi ro tiềm ẩn tác động từ Brexit ở EU và cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa đến hồi kết…

Theo giới phân tích, nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại chủ yếu do những tác động bên trong, đó là khi tác dụng của chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ hết hiệu lực. Theo đó, Chương trình thắt chặt định lượng (QT) bán ra tài sản với tốc độ 50 tỷ USD/tháng sẽ giảm dần bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 9 tới.

Ngay sau khi FED tuyên bố, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đóng cửa ở mức thấp hơn trong phiên kết thúc ngày 20/3. Chỉ số Dow Jones giảm 141,71 điểm xuống 25.745,67 điểm; S&P 500 giảm 0,3% còn 2.824,23; các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh từ 3,2 – 2,0%; chỉ có Nasdaq Composite tăng (0,1%) lên 7,728,97 điểm.

Sự kiên nhẫn trong chính sách tiền tệ 

Chính sự mất đà tăng trưởng kinh tế nêu trên là lý do khiến FED, nhấn mạnh phải “kiên nhẫn” khi tăng lãi suất. Và FED sẽ bình thường hóa bảng cân đối “nhanh nhất có thể”. Chủ tịch FED nói: “Những dữ liệu gần đây không cho thấy rõ ràng chúng tôi cần đi theo hướng nào”. Vì thế, “đây là lúc chúng tôi cần kiên nhẫn”.

Ông Powell nói thêm: “Có lẽ phải mất một thời gian nữa thì triển vọng việc làm và lạm phát mới tạo ra cơ sở rõ ràng cho việc thay đổi chính sách”.

Giới phân tích cho rằng, việc FED phát tín hiệu dừng tăng lãi suất là phù hợp với dự báo của thị trường, đồng thời cũng có thể khiến Tổng thống D.Trump hài lòng, bởi thời gian qua, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích FED về việc nâng lãi suất, cho rằng việc đó gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Mỹ.

Với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, các nhà hoạch định chính sách của FED dự đoán lãi suất liên bang sẽ ổn định trong khoảng 2,25% - 2,5% ít nhất trong cả năm 2019. Đồng thời, lãi suất được cho là sẽ đạt đỉnh 2,6% vào thời điểm nào đó trong năm 2020.

Tuyên bố của FED còn nhận định: “kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và thị trường việc làm giữ được trạng thái vững vàng hiện nay”.

Những dự báo khác nhau của giới chuyên gia

Giới chuyên gia có ý kiến cho rằng, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2018 không nghiêm trọng như những gì các nhà dự báo lo ngại và ngay cả khi nền kinh tế mất đà vào cuối năm thì năm 2018 vẫn được xem là năm phục hồi tốt nhất sau một thập kỷ kể từ cuộc Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Ông Lewis Alexander, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Nomura cho biết, ông không nghĩ rằng “chúng tôi (tức Mỹ) đang rơi xuống vực thẳm”; “Tôi nghĩ rằng đây là một sự tăng trưởng chậm lại”.

Ông Joseph Song, chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch, lại thể hiện sự lạc quan và dự đoán: “Có thể các doanh nghiệp bắt đầu thấy nhiều phạm vi đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) công nghệ và rõ ràng về lâu dài điều này sẽ là thông tin tốt”.

Xuất khẩu sụt giảm trong quý III, nhưng tăng trở lại trong quý IV/2018 cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang “nguội lạnh” nhưng vẫn chưa thể kéo các nhà xuất khẩu Mỹ xuống. Trong khi đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị, phần mềm và nghiên cứu, một dấu hiệu cho thấy họ vẫn đang kỳ vọng vào tương lai của kinh tế Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Ben Herzon tại công ty Macroeconomic Advisers lại cho rằng, không có nhiều “sự chậm chạp”, nhưng mặt khác, những gì thúc đẩy tăng trưởng trong quý IV/2018 là không bền vững. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn kỳ vọng tốc độ tăng trưởng năm 2019 và các năm sau sẽ dao động ở mức 3%.

Chuyên gia kinh tế Michael Pearce của Capital Economics cho rằng, nền kinh tế Mỹ có thể chứng minh khả năng phục hồi. Đó là sự kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương tăng, giá dầu giảm… sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu của người dân “Tất cả các nguyên tắc cơ bản là nhằm vào sự phục hồi vững chắc của người tiêu dùng”.

Như vậy, sự tác động qua lại lẫn nhau giữa chính sách thuế, chi tiêu chính phủ với mức lãi suất cao hơn; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu... có thể là những tác nhân làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới trong năm 2019.

Vì thế, “kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và thị trường việc làm giữ được trạng thái vững vàng hiện nay” như tuyên bố của Chủ tịch FED hôm 20/3 vừa qua là có cơ sở./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực