Làm gì để đến năm 2030 không thiếu điện?

Thứ sáu, 01/06/2018 16:45
"Nếu không có sự quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ của của cả hệ thống chính trị; có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án điện, đến năm 2030, nguy cơ thiếu điện có thể sẽ trở lại…". Đó là chia sẻ của ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam về lộ trình đảm bảo điện đến năm 2030.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam .

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam từ nay đến năm 2030?

Ông Trần Viết Ngãi:  Về lộ trình đảm bảo điện đến năm 2030, theo đánh giá của các cơ quan tài chính quốc tế, nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6.5%-7%/năm. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, có một nguyên tắc, đó là điện năng nói riêng, năng lượng nói chung phải đi trước một bước và thường phải tăng trưởng gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP.

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện dự kiến lên tới 129.500 MW. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, từ nay đến năm 2030, nguồn điện của Việt Nam cần phải đạt khoảng 150.000 MW - 200.000 MW, mới đủ năng lực cung cấp cho nền kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đến nay đã không còn phù hợp. Chúng ta cần thực hiện Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

PV: Nhu cầu sử dụng điện đang tăng cao hơn dự báo, ngành Điện phải đối mặt với những thách thức như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Tính đến cuối năm 2017, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt trên 45.000 MW. Để đạt được đến con số 129.000 MW đã là vấn đề không đơn giản, chưa nói gì đến 150.000 MW.

Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh có tính đến 2 tổ máy của Điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, dự án điện hạt nhân đã tạm dừng. Cùng với đó, nguồn thủy điện gần như đã khai thác hết; tiềm năng dầu và khí đốt cũng đang giảm. Năng lượng tái  tạo của Việt Nam hiện chưa đáng kể, mới chỉ có Dự án điện gió Bạc Liêu và Tuy Phong được hòa lưới, nhưng sản lượng điện nhỏ. Ngoài ra, còn những khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện với số tiền lên đến hàng trăm tỷ USD.

PV: Giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không còn con đường nào khác là tập trung vào phát triển nhiệt điện than và năng lượng tái tạo, cùng với đó, chính sách giá điện phải phù hợp để hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khai thác tối đa tiềm năng của các nhà đầu tư tư nhân.

Với nhiệt điện than, cần phải cân đối được nguồn than trong nước và than nhập khẩu. Nguồn than trong nước và năng lực khai thác có hạn. Do vậy, khi xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, phải tính đến phương án nhập khẩu than sao cho phù hợp. Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ hiện đại, thiết bị, máy móc hiện đại với mục tiêu bảo vệ môi trường sống.

Về năng lượng tái tạo, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời và sinh khối. Tuy nhiên, dù là nguồn năng lượng nào, cũng cần đưa công nghệ lưu điện vào trong hệ thống, nhằm điều tần, điều áp, điều chỉnh phụ tải cho hệ thống điện.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tính đến phương án nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG), tận dụng những nhà máy khí hiện nay đang có và phát triển thêm 5.000 MW đến 10.000 MW. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lý thuyết. Để triển khai hiệu quả các dự án điện không hề đơn giản. Thực tế, có nhiều dự án điện BOT đã đăng ký, nhưng chưa triển khai, do giá điện Việt Nam vẫn chưa có sức thu hút các nhà đầu tư; hay số lượng dự án điện mặt trời đã đăng kí cũng rất nhiều, nhưng triển khai chưa được bao nhiêu...

PV: Việt Nam đã có chính sách về giá điện mặt trời nhằm thu hút đầu tư, nhưng vì sao các dự án điện mặt trời vẫn chưa được triển khai nhiều, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Thực ra, việc sản xuất, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng mặt trời nói riêng không đơn giản. Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.000 km, có đồi núi, có đồng bằng, nhưng gió lại phân bố không đều. Điện mặt trời có ưu điểm ổn định hơn điện gió, nhưng lại chiếm diện tích lớn để lắp tấm pin mặt trời. Cụ thể, để lắp đặt 1 MW cần tới 1 ha đất. Đó là chưa kể, Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong kỹ thuật phát điện mặt trời lên lưới…

Tôi cho rằng, thời gian tới, cần phải đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển điện mặt trời. Phải phát động toàn dân làm điện mặt trời: Pin mặt trời trên mái nhà, trên ao hồ, sườn đồi, trên các tòa nhà… Mỗi gia đình sản xuất từ 5-7 kW; mỗi thôn/bản từ 50-70 kW, cũng đã góp phần rất lớn trong việc giảm phụ tải cho hệ thống điện. Và trên hết, phải lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực. Trước hết, phải cho thí điểm trước khoảng 1MW..., xem nối lưới được không, phải điều độ thế nào.

PV: Với rất nhiều khó khăn như vậy, liệu đến năm 2030, nguy cơ thiếu điện có xảy ra không, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Tôi cho rằng, không phải đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025, nếu các dự án nhiệt điện như Duyên Hải II, Long Phú II, III, Sông Hậu II…, không được đưa vào vận hành đúng tiến độ; đường dây 500 kV Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku 2 không hoàn thành trong năm 2019, kịp thời truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam, nguy cơ thiếu điện cũng đã hiển hiện, đặc biệt là khu vực Nam bộ. Trên thực tế, các dự án nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu hầu như chưa triển khai được mấy.

Để hệ thống điện có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt; phải có sự đồng lòng, quyết tâm rất lớn, giống như khi xây dựng đường dây 500 kV mạch 1. Chúng ta cần tinh thần chiến đấu cho một cuộc cách mạng đặc biệt, đó là việc thực hiện Quy hoạch VIII sắp tới.

Phải khẳng định rằng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, chính quyền các địa phương; sự quyết liệt của các Tập đoàn năng lượng; không được sự ủng hộ của toàn dân, chắc chắn vấn đề thiếu điện sẽ trở lại. Chúng ta cần có cơ chế, chính sách thu hút tư nhân đầu tư vào các dự án điện, bởi chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, sẽ rất khó đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng trong thời gian tới, khi nguồn vốn cần phải huy động là rất lớn...

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực