Đẩy mạnh xây dựng, phát triển dịch vụ công trực tuyến tài chính tại Việt Nam

Thứ năm, 08/01/2015 21:44

(ĐCSVN) – Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (TH&TKTC), Bộ Tài chính, xu hướng tài chính trực tuyến sẽ ngày càng được phát triển và mở rộng, nhất là trong bối cảnh công nghệ internet đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Với trách nhiệm theo dõi, quản lý gần 100 phần mềm trong toàn ngành tài chính, khoảng 30 phần mềm phải quản lý trực tiếp, Cục TH&TKTC đang phải tập trung tham mưu, nghiên cứu xây dựng triển khai hiệu quả nhiều hệ thống thông tin lớn, hiện đại trong lĩnh vực quản lý tài chính.

 

Dự kiến mô hình GFMIS của Việt Nam (Ảnh: Cục TH&TKTC, Bộ Tài chính)


Hiện nay, theo thống kê, Bộ Tài chính cung cấp khoảng gần 200 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, 170 dịch vụ liên quan tới hải quan, 8 dịch vụ liên quan tới thuế, 8 dịch vụ liên quan tới ủy ban chứng khoán, 3 dịch vụ liên quan tới kho bạc, 2 dịch vụ liên quan tới cổng thông tin của Bộ.

Bộ Tài chính cũng xây dựng kế hoạch triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến năm 2020, trong đó, có 248 thủ tục hành chính (TTHC) dự kiến cung cấp ở mức độ 3-4 đến năm 2015 (Tổng cục Hải quan: 71 TTHC, Tổng cục Thuế: 174, Kho bạc Nhà nước: 3); 178 TTHC dự kiến cung cấp ở mức độ 3-4 đến năm 2020.

Cũng theo TS Nguyễn Việt Hùng, cải cách quản lý tài chính công trong đó bao gồm việc xây dựng một hệ thống thông tin quản lý tài chính quốc gia, nhằm nâng cao khả năng quản lý và điều hành ngân sách đang là yêu cầu cấp bách đối với bất kỳ quốc gia nào. Xuất phát từ điều này, Bộ đã giao Cục TH&TKTC triển khai Dự án Hệ thống thông tin quản lý tài chính quốc gia (GFMIS). Theo đó, mục tiêu hướng tới là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý tài chính công; tăng cường năng lực quản lý, điều hành, giám sát chính sách tài chính của Chính phủ và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, công khai các thông tin tài chính Chính phủ tới các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người dân.

Thời gian thực hiện GFMIS dự kiến từ 2014 đến 2020, trong đó, một trong các cấu phần của GFMIS là cơ sở dữ liệu tổng hợp và công cụ khai thác thông tin báo cáo GFMIS thực hiện các chức năng: Thứ nhất, cung cấp báo cáo tài khóa, báo cáo đánh giá, kiểm toán, báo cáo thống kê Chính phủ, dự báo kinh tế vĩ mô... nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, giám sát tài chính của Bộ, Chính phủ. Thứ hai, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, công khai tối đa các dữ liệu tài chính dưới hình thức các báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, các báo cáo tùy chọn theo nhu cầu người sử dụng, các bộ dữ liệu thô... nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ, nhà nghiên cứu... Thứ ba, thiết lập kênh đối thoại về công khai dữ liệu tài chính Chính phủ thông qua trang thông tin tài chính điện tử Chính phủ GFMIS.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Nguyễn Việt Hùng cũng thẳng thắn chia sẻ, có nhiều khó khăn trong thực hiện GFMIS, đặc biệt trong thời gian qua. Khó khăn đầu tiên phải kể đến việc thiết kế xây dựng GFMIS rất phức tạp với đặc thù nền tài chính công Việt Nam (ngân sách 4 cấp lồng ghép). Thêm nữa, thời gian triển khai dài (thường kéo dài từ 6-8 năm, theo thống kê của Ngân hàng thế giới). Rồi đến việc xây dựng thành công GFMIS sau đó phải thực hiện cung cấp các dịch vụ công trên đó như thế nào? Vì lẽ đó, rất cần sự quyết tâm của cấp trên, sự hỗ trợ thiết thực của các đơn vị liên quan đế Cục TH&TKTC triển khai hiệu quả nội dung này.

Bước sang năm 2015, Bộ Tài chính cũng xác định: một số chương trình, dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT chính khác cần thực hiện đồng bộ và tích hợp với cơ sở dữ liệu GFMIS giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, gồm có: Quản lý đầu tư công; Tổng kế toán Nhà nước; Quản lý tài sản công; Hệ thống thị trường chứng khoán thống nhất; Hệ thống quản lý thuế tập trung.

Tuy nhiên, để đảm bảo xây dựng GFMIS thành công, thì việc thiết kế, xây dựng mô hình và lộ trình tổng thể GFMIS phù với đặc thù nền tài chính công Việt Nam đóng vai trò then chốt. Đây là một nhiệm vụ lớn, quan trọng, phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp, hỗ trợ, tham vấn từ nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước nhằm đưa ra một mô hình, lộ trình xây dựng GFMIS phù hợp, tối ưu nhất cho Việt Nam.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực