Luật Chứng khoán: Cần chỉnh sửa tiếp cận gần với thông lệ quốc tế

Thứ tư, 07/11/2018 20:47
(ĐCSVN) – Luật Chứng khoán ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2010 cùng hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh và đưa hoạt động chứng khoán, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngày càng phát triển.
Quang cảnh tại Hội thảo (Ảnh:M.P)

Ngày 7/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi khu vực phía Bắc nhằm trao đổi, lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự để hoàn thiện Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Luật Chứng khoán ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2010 cùng hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh và đưa hoạt động chứng khoán, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngày càng phát triển. TTCK đã trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Tính đến năm 2018, số lượng các công ty chứng khoán niêm yết đã tăng hơn 7 lần so với năm 2006, đã có 1.537 công ty niêm yết và giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường đạt 3.859 nghìn tỷ đồng, tương đương với 77% GDP (cao hơn nhiều lần so với năm 2006 là 22% GDP). Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế và hoạt động của TTCK, Luật Chứng khoán hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp tình hình mới, đảm bảo cho sự phát triển an toàn, bền vững của TTCK trong thời gian tới.

“Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đưa ra xin ý kiến của các đại biểu tham dự lần này đã trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng; Ban Soạn thảo, Tổ biên tập đã lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà đầu tư và những người quan tâm. Hiện nay, Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và đang được lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Dự thảo cũng được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải thông tin.

Tại Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã giới thiệu các nội dung mới, cơ bản được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi như: Phạm vi điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán; Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng; Điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng; Điều kiện để công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình; Quy định về quản trị công ty đại chúng; Điều kiện niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán; Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK Việt Nam; Thị trường giao dịch chứng khoán; Công bố thông tin; Thanh tra và xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực chứng khoán; …

Theo đánh giá của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo, sự sửa đổi Luật Chứng khoán vào thời điểm này là kịp thời, thể hiện rõ định hướng tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, công khai, thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho rằng, Dự thảo đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch cho TTCK như: tăng thẩm quyền cho Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Việc quy định tách giấy phép hoạt động với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán giúp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể thực thi được các chế tài, tránh tình trạng không thể xử lý dứt điểm các thành viên thị trường vi phạm do bị vướng các quy định liên quan đến thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp. Mặt khác, quy định về tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi cho công chúng. Quy định này được kỳ vọng sẽ đem lại các thông tin có chất lượng hơn trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng và niêm yết, giúp nhà đầu tư có thông tin rõ ràng, minh bạch trước khi quyết định đầu tư.

Cho ý kiến về vấn đề quản trị công ty tại Dự thảo Luật, ông Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, Ban Soạn thảo cần cân nhắc cụ thể hóa các nguyên tắc quản trị công ty theo OECD, từ đó bổ sung nguyên tắc công ty niêm yết, công ty đại chúng phải xây dựng hệ thống quản trị công ty trên cơ sở pháp luật về nội dung này và tuân thủ các quy tắc đó. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của các Sở giao dịch chứng khoán trong vấn đề quản trị công ty.

TS.Cấn Văn Lực, thành viên Tổ tư vấn chính sách tiền tệ cũng bày tỏ sự ủng hộ quan điểm sửa Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, ông đưa ra các gợi ý cho Ban Soạn thảo về các vấn đề liên quan đến việc dẫn chiếu Luật; Việc mua lại cổ phiếu của chính mình; Việc phân cấp ủy quyền; Điều kiện đăng ký lưu ký; Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; Điều kiện cấp phép hoạt động kinh doanh…/.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực