Xu thế “đa cực hóa” thế giới đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình?

Thứ sáu, 30/12/2016 23:43
(ĐCSVN) - Sau Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ ra sức khuếch trương sức mạnh, nhằm thiết lập trật tự thế giới “đơn cực”, do Washington dẫn đầu và giữ vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, chưa đầy 2 thập kỷ, vai trò thế giới của Mỹ bị suy giảm đáng kể. Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, xu thế “đa cực hoá” thế giới đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình, thể hiện trên những nét chủ yếu sau:
Biến động chính trường thế giới năm 2016 qua một bức ảnh.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong bức ảnh chụp chung hồi tháng 4/2016 (Ảnh: White House)

Từ quá trình định hướng…

Theo giới quan sát ghi nhận, năm 2010, Tổng thống Mỹ B. Obama đã thừa nhận vấn đề một thế giới đa cực hay còn gọi là “trật tự thế giới đa đối tác”[1] và Mỹ đang phải xem xét trao quyền lực thêm cho nhiều “người chơi” khác trong đời sống chính trị thế giới. Điều này đã chứng tỏ Mỹ cần phải chứng minh thái độ của mình khi đối mặt với những biến động trong đời sống chính trị quốc tế.

“Mùa xuân Arabia” đã bộc lộ những hạn chế trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Có thể nhận ra rằng, Mỹ không còn đủ khả năng điều khiển thế giới theo ý mình, không thể duy trì một hình thức “thế giới đơn cực” theo tư tưởng chiến lược xuyên suốt và nhất quán của họ từ trước đến nay[2].

Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông B. Obama đã đưa ra chủ thuyết gọi là “Chủ nghĩa B. Obama” với chính sách hướng nội, và chính sách đối ngoại đa phương gắn với quyền lực mềm, nhưng điều quan trọng nhất, “Mỹ vẫn là số một”, Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo thế giới.

Nước Mỹ theo chủ thuyết B. Obama vẫn tuân thủ 2 nguyên tắc[3]: Một là, “Mỹ vẫn là quốc gia mạnh và giàu có nhất trên hành tinh”; hai là, “Nước Mỹ vẫn đại diện cho một loạt các giá trị và lý tưởng toàn cầu về dân chủ, tự do ngôn luận, tôn giáo, nhân quyền”. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi bởi những chuyển biến cực kỳ quan trọng trong năm 2016.

Đến bước chuyển sang định hình…

Sau 2 sự kiện Brexit và D. Trump, giới quan sát cho rằng, đây có thể là bước “đột phá” quan trọng của quá trình biến chuyển từ định hướng sang định hình của trật tự toàn cầu mới “đa cực, đa trung tâm”[4]. Trước đó, nước Anh là một trong những quốc gia không thừa nhận thế giới đa cực. Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit, giới lãnh đạo nước này đã nhận ra một thực tế rằng London không thể phụ thuộc vào EU và Mỹ mà phải có vị trí xứng đáng hơn với vai trò trung tâm tài chính và tiềm lực quốc phòng.

Sự kiện ngày 12/11/2016, càng chứng minh thêm bước chuyển quan trọng này, với việc ông D. Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Sự đảo lộn trật tự trong tư duy của người Mỹ nói chung và chính giới Mỹ nói riêng đã tạo dấu ấn cho nền chính trị Mỹ.

Với tư duy “Nước Mỹ là trên hết”[5] trong chính sách đối nội, và “chủ nghĩa dân tộc” trong chính sách đối ngoại, ông D. Trump đã vượt qua cả chính sách hướng nội và “không làm chuyện điên rồ” của người tiền nhiệm - B. Obama.

Vượt trên chính sách “chia sẻ trách nhiệm, hạn chế rủi ro” của ông B. Obama, ông Trump yêu cầu các đồng minh phải tự bảo vệ mình, kể cả việc phát triển vũ khí hạt nhân và trả tiền khi thuê quân đội Mỹ bảo vệ. Ông D. Trump còn tuyên bố “NATO không còn lý do để tồn tại”[6], ông cũng sẵn sàng hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với TPP, khiến chiến lược “tái cân bằng” CA-TBD có thể bị vô hiệu hóa.

Ông D. Trump muốn biến “kẻ thù” Nga (dưới thời Obama) thành đối tác của Mỹ.  Ông coi Tổng thống Nga Putin là nhà lãnh đạo tốt hơn cả Tổng thống Mỹ B. Obama[7] và ông hứa sẽ “hâm nóng” quan hệ với nước Nga.

Đối với Trung Quốc, ông D. Trump tuy có tuyên bố cứng rắn về các quan hệ thương mại, tiền tệ những lại ít đề cập đến việc kiềm chế tham vọng khu vực và toàn cầu bằng biện pháp quân sự; đối với Triều Tiên, ông D. Trump chủ trương mềm mỏng và có thể đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Và cạnh tranh quyết liệt…

LB Nga, dưới thời Tổng thống V. Putin đã đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố sức mạnh quốc gia, vượt qua cấm vận, lấy lại vị thế của mình; bảo vệ và mở rộng lợi ích tại các khu vực chiến lược, thúc đẩy hợp tác với các nước lớn, gia tăng ảnh hưởng tại CA-TBD; phát huy hiệu quả tấn công IS ở Syria buộc phương Tây phải thừa nhận vai trò quốc tế của mình; nhân nhượng trong quan hệ với Nhật Bản, tạo ra bước “đột phá” xung quanh vấn đề Nam Kuril, hướng tới một Hiệp định hòa bình giữa hai cường quốc Nga - Nhật.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược, gia tăng ảnh hưởng và lợi ích trên thế giới; tranh chấp quyết liệt với Mỹ tại CA-TBD, trước hết là quân sự hóa các đảo ở Biển Đông; mở rộng quan hệ với các đối tác lớn, áp dụng sách lược hòa dịu với các nước láng giềng, nhất là với Philippin, Malaysia, Campuchia, Lào… nhưng vẫn cứng rắn trong bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi”. Tăng cường răn đe khu vực với việc vận hành tàu sân bay Liêu Ninh tiến về phía Tây Thái Bình Dương (26/12/2016). 

Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách an ninh đối ngoại mới, độc lập tự chủ hơn; sẵn sàng để quân đội tham gia tác chiến với đồng minh và đối tác ở nước ngoài; sửa đổi Hiến pháp, chia sẻ trách nhiệm với Mỹ thông qua các hoạt động tuần tra trên biển, thể hiện vai trò “nước lớn quân sự”; chủ động “đảo chiều” tư duy “kinh tế đi trước” trong giải quyết vấn đề vùng Lãnh thổ phương Bắc đang tranh chấp với Nga, với 68 thỏa thuận hợp tác kinh tế, năng lượng đã được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin ngày 16/12/2016. 

Liên minh châu Âu (EU) vẫn phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế, đồng thời đối mặt với các thách thức từ nạn di cư, khủng bố, vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga… sự chia rẽ nội bộ sẽ gia tăng với việc chủ nghĩa dân túy lên ngôi, nguy cơ một số nước ly khai khỏi EU (Hy lạp, Scotland, Bắc
Ireland, Italia…), khiến tình hình thêm bất ổn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu, đứng đầu là Đức vẫn cố gắng để hạn chế sự tác động của Brexit, nhằm khôi phục và lấy lại vị thế của EU với ý tưởng thành lập quân đội châu Âu, tạo ra sự độc lập với Mỹ trong tình huống NATO tan rã.

Australia, Hàn Quốc với vị thế “cường quốc hạng trung” cũng vươn lên trong xu thế đa cực hóa thế giới, muốn có tiếng nói độc lập hơn, nhưng vẫn muốn nằm trong sự bảo vệ của đồng minh Mỹ.

Đối với ASEAN, đang củng cố vai trò trung tâm, nòng cốt và cân bằng lợi ích giữa các nước lớn trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng nảy sinh những khó khăn từ nội khối, xung quanh việc xác lập mối quan hệ chiến lược song phương với Mỹ và Trung Quốc. Như vậy, với những động thái chiến lược có tính “đột phá” diễn ra trong những năm vừa qua, nhất là ở hai trong ba trung tâm kinh tế và quyền lực của thế giới (châu Âu, Mỹ) khiến giới chuyên gia phân tích cho rằng quá trình chuyển đổi trật tự thế giới “đa cực, đa trung tâm” từ định hướng sang định hình là có cơ sở.


[1] http://www.nxbctqg.org.vn: Về cục diện thế giới đa cực trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI 

[2] http://anninhthudo.vn: Mỹ mất địa vị độc tôn, chấp nhận một thế giới đa cực. 30/10/2013

[3] http://dantri.com.vn: Dấu ấn “Chủ nghĩa Obama”. 15/9/2015

[4] Văn kiện Đại hội XII - 2016, tr7

[5] http://vov.vn: Giới lãnh đạo Mỹ cam kết cùng ông Trump thúc đẩy sự phát triển nước Mỹ. 10/11/2016

[6] http://antg.cand.com.vn: NATO có thể bị “khai tử” dưới thời ông Donald Trump. 18/11/2016

[7] http://nld.com.vn: Ông Trump khen ông Putin lãnh đạo tốt hơn ông Obama. 8/9/2016

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực