Trí tuệ nhân tạo và sự sáng tạo của con người

Thứ ba, 05/09/2017 16:55
(ĐCSVN) - Trí tuệ nhân tạo (AI) là thuật ngữ chỉ sản phẩm máy thông minh do con người tạo ra. Nó có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi và ra quyết định... giống như con người. Xuất hiện từ giữa thế kỷ 20 tại Mỹ, AI nay đã phát triển đến cấp độ siêu trí tuệ (SI) và gần đạt đến mức trí thông minh tổng quát (GI).
Robot có khả năng thay thế con người trong một số lĩnh vực. (Ảnh: Getty Images)

AI là nhân tố đặc trưng cốt lõi của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt qua tâm.

Từ sản phẩm đặc trưng của thời đại…

John McCarthy là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “Artificial intelligence - AI” trong một cuộc hội thảo tại Mỹ vào giữa thế kỷ trước và trở thành một trong những lĩnh vực trọng yếu của ngành tin học, liên quan đến cách thức xử lý tình huống, học hỏi và cấp độ thông minh của máy như: Điều khiển, lập kế hoạch, chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng, nhận dạng chữ viết, tiếng nói và khuôn mặt…

Mới đây, các nhà khoa học đã cài đặt thành công “trí tưởng tượng” vào dự án AI của Google–DeepMind, khiến máy móc đã có thể dự báo hệ quả của hành động và tự lên phương án xử lý phù hợp. Đây là thành tựu được ghi nhận là một trong số những phẩm chất quan trọng nhất của trí tuệ con người.

Ngày 28/7, công ty sản xuất chip – Intel đã lên kế hoạch tập trung phát triển công nghệ AI và hệ thống lái xe tự điều khiển không cần đến sự trợ giúp của con người. Intel còn dự đoán, thị trường xe tự lái sẽ  đạt doanh số 7 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Giám đốc điều hành Brian Krzanich của Intel nói: “Chúng tôi đã tung ra nhiều sản phẩm lưu trữ, Xeon, Core và đang thu hút nhiều khách hàng trong các lĩnh vực AI và xe tự lái”. Ngay sau tuyên bố, giá cổ phiếu của Intel đã tăng thêm 4%, đó là sự phản ứng tích cực của thị trường đối với thành tựu mới của con người.

AI ngày nay đã trở thành một môn học với mục tiêu là cung cấp lời giải cho các vấn đề của cuộc sống thực tế như: Kinh tế, y học, kỹ thuật, công nghệ, phần mềm máy tính gia dụng, trò chơi điện tử và đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng.

Ông David Moloney - Giám đốc điều hành Intel tuyên bố, AI trong thời đại ngày nay còn quan trọng hơn sự ứng dụng điện năng trong nửa cuối của thế kỷ 19. Máy móc hiện nay học nhanh và tốt hơn con người. Nhân loại có thể đạt được năng suất vượt ngoài khả năng của mình trên nhiều lĩnh vực, nhất là phân tích số liệu, thăm khám bệnh, học hỏi, thậm chí nhận ra lỗi lầm và tự khắc phục sai sót…

Ông  Jeff Bezos - người sáng lập và là giám đốc điều hành của Amazon, cũng khẳng định: Về cơ bản, không có một học viện nào trên thế giới mà không cải tiến được nhờ khả năng tự học của máy móc. Chỉ là, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng của AI mà thôi.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy AI đã vượt trí tuệ con người: Máy Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch thế giới cờ vua Garry Kasparov (1997), máy Watson của IBM đánh bại chuyên gia trong trò chơi ngôn ngữ (2011), máy Cepheus đánh bại nhà vô địch trò chơi bài xì phé (2015); và mới đây, máy AlphaGo của Google đã thắng nhà vô địch cờ vây  (Trung Quốc) Ke Jie...

Một trong những bước tiến quan trọng, đó là AI đã đạt trình độ siêu trí tuệ (Superintelligence - SI), khiến nó có thể tự lập những thuật toán mới để xử lý điện toán cực nhanh. Cùng với Big Data có sức tổng hợp từ các nguồn dữ liệu lớn, khiến AI nhanh chóng vượt qua con người để đạt tới mức siêu nhiên.

Theo giới chuyên gia, để xây dựng thuật toán AI mới, các nhà nghiên cứu đã dựa trên những thành quả của khoa học thần kinh, và giải mã các kết nối não được đánh dấu là quan trọng nhất đối với các kỹ năng học được trong quá khứ. Theo đó, trước khi chuyển đổi nhiệm vụ máy sẽ xác định xem các kết nối nào trong mạng lưới là quan trọng nhất khiến nó gặp khó khăn trong lưu giữ điều  mà con người đã học được.

Với tiến bộ trên của Google, khả năng AI đạt tới mức GI, tức là khả năng xử lý tất cả tình huống xảy ra trong thực tế gần giống như con người sẽ không còn xa nữa. Khi đó chắc chắn nhiều vấn đề sẽ được đặt ra và giải quyết.  

Đến làn sóng đầu tư…

Cho đến nay đã có những hãng khổng lồ hàng đầu thế giới đang đầu tư mạnh vào công nghệ AI (Google, Facebook, Amazon, IBM, Microsoft…). Theo đó, Google đã mua lại công ty khởi nghiệp AI DeepMind để trở thành Google DeepMind và thực hiện dự án AI cho hệ thống tàu điện ngầm London (Anh). Google cũng đưa hệ thống học máy TensorFlow miễn phí vào hoạt động theo công nghệ nhận dạng thoại, hình ảnh, dịch thuật và bắt chước cơ chế hoạt động của não người.

Facebook cũng sử dụng công nghệ AI giúp người khiếm thị có thể “nhìn thấy” ảnh qua một ứng dụng trên iOS, tạo các bản đồ chi tiết về dân số, người truy cập Internet toàn cầu và nghiên cứu hành vi của người dùng; nhận dạng khuôn mặt của người trong ảnh đăng trên mạng xã hội…

Hãng Apple (2016) đã mua lại công ty khởi nghiệp AI Emotient để tập trung vào công nghệ nhận diện khuôn mặt, phản ứng của khách hàng với quảng cáo. Trước đó, Apple đã mua công ty AI Vocal IQ nhằm nâng cấp máy trợ lý ảo Siri và sử dụng phần mềm AI giọng nói của Vocal IQ.

Dự án Oxford của Microsoft nhằm giúp phân tích hành vi người dùng thông qua các giao diện ứng dụng giọng nói, biểu cảm và khuôn mặt. Microsoft còn có chương trình Future Decoded nhằm tiếp cận dịch vụ phát hiện tâm trạng người dựa trên biểu cảm khuôn mặt của họ.

Máy tính Watson nổi tiếng của IBM có khả năng trả lời câu hỏi theo ngôn ngữ tự nhiên, thông qua sử dụng AI để phân tích bối cảnh và ý nghĩa ẩn sau các bức ảnh, video, tin nhắn và lời thoại. IBM đang nghiên cứu nâng cấp Watson mạnh thêm 1,7 lần và ứng dụng cho máy soạn bài học dựa trên tài liệu được cung cấp vào năm 2018 tại Mỹ.

Thương hiệu Skype được Microsoft mua lại đã cung cấp khả năng dịch thuật theo thời gian thực với 6 loại ngôn ngữ chính và có khả năng nhận dạng giọng nói người dùng và chuyển sang chữ viết (text) khi người dùng nói.

Máy chuyên về học sâu MetaMind cũng được Salesforce mua lại của một công ty khởi nghiệp (2016). Theo đó, Salesforce có thể cung cấp cho khách hàng những giải pháp thông qua các quy trình tự động và cá nhân hóa, công nghệ marketing và xử lý các quy trình kinh doanh khác. Elon Musk hiện đang hợp tác với các hãng khổng lồ như: Amazon, LinkedIn và PayPal để phát triển AI nguồn mở.

Theo giới nghiên cứu, cùng với những thành tựu to lớn của con người về công nghệ AI giúp định hình thế giới theo cách tốt đẹp hơn, nhưng AI cũng đưa lại sự lo ngại ngày càng gia tăng, rằng đến lúc nào đó máy móc sẽ kiểm soát con người, khiến con người phụ thuộc vào những quyết định của máy móc khi chúng đạt đến trình độ SI và GI.

Tuy nhiên, ông Adam Cheyer - đồng sáng lập trợ lý ảo Siri, một chức năng hỗ trợ sử dụng AI đã so sánh nỗi sợ về việc AI sẽ trở nên quá thông minh cũng giống với việc lo ngại bùng nổ dân số trên Sao Hỏa. Ông khẳng định “Chúng ta còn chưa chạm được đến khởi đầu của AI, thậm chí còn chưa làm được điều gì”.

Như vậy, con người đã sáng tạo ra AI và phát triển nó đến mức SI, nhưng lại nảy sinh sự lo lắng về nguy cơ bị lệ thuộc vào chính sản phẩm của mình. Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu khoa học, cho dù AI thông minh đến mức nào thì máy móc vẫn chỉ là máy móc. Cho dù sản phẩm này có đạt đến trình độ GI thì con người vẫn đủ thông minh để đi trước một bước là tìm ra phương thức quản lý những sản phẩm “thông minh” hơn mình./.

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực