Phía sau khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh

Thứ tư, 07/06/2017 19:11
(ĐCSVN) - Các nước vùng Vịnh đang rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng khi một loạt các nước Arab đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đằng sau cuộc khủng hoảng ngoại giao này, dấu hiệu rạn nứt một liên minh hợp tác, chứa đựng bên trong nhiều bất đồng đã dần lộ diện.

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani (Ảnh EPA/TTXVN).

Đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar

Ngày 5/6, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực và đột ngột tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Để ủng hộ quyết định của các nước này, cũng trong ngày 5/6, Yemen, chính phủ được quốc tế công nhận ở miền Đông Libya và Maldives cũng quyết định cắt đứt mối bang giao với Doha.

Saudi Arabia cho biết, nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa biên giới với nước láng giềng Qatar để "bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa của khủng bố và cực đoan". Theo đó, Saudi Arabia đã đóng cửa mọi cảng hàng không và cảng biển với Qatar. Chính phủ Saudi Arabia cũng đã ra lệnh đóng cửa trụ sở kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar, đồng thời thu giấy phép hoạt động của Al-Jazeera tại nước này.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo (MB). Do đó, chính phủ Ai Cập đã ra lệnh trục xuất đối với Đại sứ Qatar, yêu cầu ông này phải rời khỏi Ai Cập trong vòng 48 tiếng. Ngoài ra, Ai Cập cũng quyết định sẽ đóng cửa tất cả các cảng và sân bay đối với các tàu thuyền và máy bay của Qatar.

Hãng tin Bahrain thông báo Bahrain cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Qatar do quốc gia Arab vùng Vịnh này "làm lung lay an ninh và sự ổn định", cũng như can thiệp vào công việc của Bahrain. Ngoài ra, Bahrain yêu cầu các công dân Qatar rời khỏi nước này trong vòng 14 ngày, trong khi các nhà ngoại giao Qatar chỉ có 48 giờ để rời khỏi Bahrain sau khi bị trục xuất. Tuyên bố của Bahrain còn giải thích lý do phía sau quyết định trên là do Qatar "kích động truyền thông và ủng hộ các hoạt động khủng bố cùng các nhóm hỗ trợ tài chính liên quan tới Iran".

Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố nước này cắt đứt quan hệ với Qatar với lý do quốc gia này "ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và làm suy yếu sự ổn định của khu vực". UAE cũng yêu cầu các nhà ngoại giao Qatar rời khỏi UAE trong thời hạn 48 giờ đồng hồ. Hãng hàng không Etihad Airways, Emirates, FlyDubai của UAE đã quyết định ngừng các chuyến bay tới Qatar kể từ ngày 6/6.

Trong khi đó, liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống phiến quân tại Yemen cũng thông báo sẽ chấm dứt tư cách thành viên của Qatar do hầu hết các nước Vùng Vịnh đã cắt đứt quan hệ với Qatar. Liên minh trên cho biết, biện pháp này được đưa ra do "âm mưu của Qatar ủng hộ các tổ chức khủng bố ở Yemen, gồm cả Al-Qaeda và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Nỗ lực hòa giải ban đầu

Ngay sau động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao của các nước vùng Vịnh, Bộ Ngoại giao Qatar đã ra tuyên bố bày tỏ "lấy làm tiếc" vì các quyết định này. Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng, quyết định nói trên của các quốc gia Vùng Vịnh là "vô lý" và dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ". Doha khẳng định, đây là một sự "vi phạm chủ quyền", đồng thời cam kết với người dân nước này rằng động thái trên sẽ "không ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của họ".

Trong một tuyên bố ngày 6/6, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã kêu gọi đối thoại, đồng thời cam kết đảm bảo mối quan hệ vững chắc với Mỹ.

Ngay trong ngày 5/6, Tiểu vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah đã kêu gọi Qatar kiềm chế trước các hành động có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, đồng thời nỗ lực để giải quyết bất đồng đang có dấu hiệu leo thang trong khu vực. Kuwait đang cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải căng thẳng giữa Qatar và các quốc gia vùng Vịnh sau khi các nước này tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm khủng bố.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi các nước vùng Vịnh đoàn kết và giải quyết bất đồng. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ:  Washington "khuyến khích các bên ngồi lại với nhau để giải quyết những bất đồng" và "Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) duy trì đoàn kết". Ông Tillerson cũng cho biết, mặc dù tình hình đang rơi vào "thế bế tắc", nhưng ông mong đợi điều này sẽ không "gây ra bất kỳ tác động lớn nào tới cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực và trên toàn thế giới".

Còn Phó Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Iran - ông Hamid Aboutalebi cho rằng, quyết định của các nước vùng Vịnh sẽ không giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Trung Đông. Theo ông, cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa biên giới không phải là cách giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit cũng "lấy làm tiếc" trước việc các nước trên cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời bày tỏ "quan ngại về tình trạng chia rẽ do những bất đồng hiện nay gây ra đối với công việc chung của khối". Tổng thư ký AL hy vọng các quốc gia Arab sẽ vượt qua được những bất đồng để xây dựng một mặt trận đoàn kết trước các mối đe dọa chung đối với an ninh quốc gia của mỗi nước.

Chính quyền Sudan cũng kêu gọi các nỗ lực hòa giải giữa Qatar và các nước Arab vùng Vịnh. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan bày tỏ "quan tâm sâu sắc" đối với tình hình căng thẳng, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo của các nước này giữ bình tĩnh và cùng nhau giải quyết khủng hoảng. Sudan "sẵn sàng triển khai tất cả các nỗ lực" để giải quyết vấn đề một cách êm thấm trên cơ sở hòa giải vì lợi ích của người dân trong khu vực.

Ngày 6/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã điện đàm với lãnh đạo các nước Qatar, Nga, Kuwait và Saudi Arabia nhằm tìm giải pháp xoa dịu căng thẳng sau khi các cường quốc Arab cắt đứt quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ phiến quân Hồi giáo.

Nguyên cớ khủng hoảng

Theo các nguồn tin, những động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao của các nước vùng Vịnh đối với Qatar sau hàng loạt gây sự bất đồng giữa hai bên.

Trước đó, Saudi Arabia van UAE đã phản ứng gay gắt khi Hãng thông tấn quốc gia Qatar và kênh truyền hình nhà nước Qatar TV trước đó đã đăng tải tuyên bố của Tiểu vương Qatar Tamim Bin Hamad Al Thani cho rằng, Saudi Arabia và UAE có liên quan đến các giao dịch bất hợp pháp ở khu vực với Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Qatar đã khẳng định, các tuyên bố trên đã được dàn dựng và công bố lên hãng thông tấn quốc gia khi trang web của hãng bị tấn công. Qatar cũng cáo buộc lại rằng, chiến dịch truyền thông chống nước này được đưa ra bởi kênh truyền hình vệ tinh Al-Arabiya của Saudi Arabia và kênh vệ tinh Sky News Arabia của UAE.

Vụ việc không dừng ở đấy. Saudi Arabia và UAE lại tiếp tục bày tỏ sự phản đối đối với Qatar khi nước này chỉ trích các phát ngôn của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) chống Iran và tuyên bố chống lại các phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm chính thức Trung Đông và Vùng Vịnh vừa diễn ra hồi cuối tháng 5/2017. Sau khi xảy ra những tranh cãi gay gắt này, Saudi Arabia, UAE và Bahrain còn quyết định chặn các trang web của hãng truyền hình Qatar Al Jazeera. Qatar cũng đã phải đối mặt với những chỉ trích trên các kênh truyền hình của Ai Cập và Bahrain vì đã can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia Arab.

Theo các nguồn tin ngoại giao của các nước Arab, chính bởi "sự can thiệp của Qatar vào công việc nội bộ của các nước Arab"  là lý do thúc đẩy các nước Arab phải có các động thái chống lại Qatar, bắt đầu bằng việc ngăn chặn các kênh truyền hình, báo chí và đỉnh điểm là chấm dứt quan hệ ngoại giao.

Quyết định chưa có tiền lệ trong lịch sử tồn tại GCC này cho thấy những thay đổi quan trọng tới đây của tổ chức này, cũng như cán cân quyền lực tại vùng Vịnh.

Hệ lụy sâu xa

Trên thực tế, quan hệ giữa Qatar với các nước vùng Vịnh (GCC) khác vốn đã bị gián đoạn từ cuối năm 2016 do các nước GCC cáo buộc Qatar ủng hộ Phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Khi đó, chính quyền Doha đã phủ nhận tài trợ cho các nhóm cực đoan, nhưng tuyên bố ủng hộ tài chính cho nhóm Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza và cho phép một số quan chức cao cấp Hamas sống lưu vong tại nước này từ năm 2012.

Tranh cãi giữa các nước thành viên GCC đã tồn tại từ lâu và việc bùng phát chỉ là vấn đề thời gian. Tại Hội nghị thượng đỉnh GCC hồi tháng 12/2016 được tổ chức tại Kuwait, Saudi Arabia và UAE chút nữa đã thành công trong việc lên án Qatar “hỗ trợ tài chính” cho chủ nghĩa khủng bố ở Syria và một số nước khác. Đến phút chót, chính quyền Riyadh đã rút lại ý định vì không muốn làm "mất mặt" nước chủ nhà Kuwait. Thay vào đó, Saudi Arabia đưa ra cảnh báo riêng với Qatar. Vài tuần trước đó, giới lãnh đạo Saudi Arabia quở trách Thái tử Qatar Emir Sheikh Tamim trong một cuộc gặp ở Riyadh được nhà lãnh đạo Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad sắp xếp. Ông Tamim được yêu cầu phải có những điều chỉnh thực sự trong chính sách đối ngoại, trong đó có việc chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các nhóm có liên quan đến tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria. Thái tử Tamim được cho là đã đồng ý với yêu cầu này, nhưng đặt điều kiện cần có thêm thời gian để thay đổi.

Rốt cục, Thái tử Tamim cũng tìm cách giảm sự can dự của Doha vào cuộc xung đột ở Syria. Nhưng khi nhận thấy mình mất dấu ấn ở Syria, Qatar lập tức tăng cường các nỗ lực kết nối với phong trào Anh em Hồi giáo (MB) và các nhánh của tổ chức này ở khu vực, trong đó có Hamas. Không dừng ở đó, Qatar còn tiếp tục nỗ lực tạo dựng quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ phiến quân Houthi tại Yemen và thử nghiệm kết nối với Hezbollah. Hành động này đã khiến Saudi Arabia, UAE tức giận vì cả hai nước này đang tìm mọi cách triệt tiêu ảnh hưởng của MB...

 Rạn nứt giữa Qatar với các nước láng giềng Saudi Arabia, UAE cũng khiến Mỹ lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Mỹ có quan hệ chiến lược với cả ba nước đó nên rất khó để Washington điều phối hợp tác khi cả Qatar, Saudi Arabia, UAE không có chung một tiếng nói. Rất có thể Riyadh và Abu Dhabi vận động Mỹ giúp ngăn chặn dòng tiền của Doha ra bên ngoài dưới vỏ bọc chống chủ nghĩa khủng bố. Nhưng Mỹ sẽ phải cân nhắc kĩ do Qatar là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid và Trung tâm chỉ huy không quân, vũ trụ hỗn hợp của Mỹ - đầu mối chuyên điều phối tất cả sứ mệnh do thám, không kích của Không quân Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Nói cách khác, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể sẵn sàng đáp ứng các biện pháp trừng phạt Doha theo đề xuất của Saudi Arabia và UAE, nhưng Lầu Năm Góc sẽ là người hãm phanh bất kỳ một kế hoạch nào kiểu như vậy.

Những ngày tới đây, việc các đại sứ Saudi Arabia, UAE, Bahrain rời Qatar nhiều khả năng sẽ kích hoạt các cuộc tham vấn gấp gáp giữa các nước Arập vùng Vịnh. Bước đi này có thể sẽ đưa tới một giải pháp chính trị nào đó nhằm tháo gỡ khủng hoảng. 

Đây là một kỉ nguyên chính trị mới ở vùng Vịnh mà ở đó các nước đơn lẻ đang theo đuổi tiến trình của riêng mình, còn ý tưởng về một tổ chức thống nhất đang dần tan biến, bất chấp những nỗ lực theo đuổi của Saudi Arabia./.

 

Tấn Vũ
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực