Nhiều thách thức đang chờ đón tân Tổng thống Pháp

Thứ ba, 09/05/2017 14:05
(ĐCSVN) – Nước Pháp vừa trải qua một kỳ bầu cử lịch sử. Tối ngày 7/5, người dân Pháp đã lựa chọn ông Emmanuel Macron là người lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới. Tuy nhiên, vị tân Tổng thống này sẽ phải tiếp nhận nước Pháp với hàng loạt các thách thức.


Chân dung Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Ông Emmanuel Macron, sinh năm 1977, đã trở thành Tổng thống Pháp sau đêm bầu cử ngày 7/5 vừa qua. Ông là vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp.

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters)

6 tháng trước, không ai có thể tưởng tượng ông Macron sẽ lọt vào vòng bầu cử thứ hai, nhưng ông Macron đã làm nên lịch sử. “Họ nói rằng điều này là không thể. Nhưng đấy là họ chưa biết nước Pháp rồi” – ông Macron phát biểu trước hàng chục nghìn cử tri tại bảo tàng Louvre sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được thông báo.

Ông Macron đã có những bước tiến kinh ngạc trên chính trường. Sau khi tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia Pháp ở Paris, ông làm thanh tra của Bộ Y tế Pháp từ năm 2004 - 2008. Sau đó, ông Macron chuyển sang làm nhân viên ngân hàng trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Trong thời gian làm việc cho Chính phủ từ năm 2014 đến khi thành lập đảng Tiến lên, ông Macron nổi tiếng là người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và phá cách.

Phong trào Tiến bước của ông Macron chỉ mới được thành lập từ tháng 4/2016, bắt đầu từ việc ông và những người ủng hộ mình đi gõ cửa từng nhà để hỏi xem người dân đang mong muốn điều gì. Chính nhờ sự nhiệt huyết của mình, ông Macron từ vị trí của một ứng cử viên yếu thế đã dần dần vươn lên và dẫn đầu ngay 1 tuần trước vòng bầu cử thứ nhất. Kết quả các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, phong trào của ông sẽ giành được 249-286 trong tổng số 577 ghế của Quốc hội, trong khi đảng Xã hội cánh tả lâu đời chỉ có thể giành được 28-43 phiếu.

Bước vào kỳ bầu cử tổng thống, ông Macron là người đại diện cho một nước Pháp lạc quan, tin tưởng vào tiến trình hội nhập quốc tế.  Emmanuel Macron đã được người Pháp ví von là Napoleon thứ hai khi ông luôn làm việc chăm chỉ, cuốn người khác theo lý tưởng và sự say mê của mình.

Tuy nhiên, trước mắt ông Macron còn rất nhiều việc phải làm khi tiếp nhận nước Pháp với nhiều thách thức.

Hàng loạt thử thách

Xã hội Pháp đang bất ổn. Dòng người di cư vì lý do kinh tế tràn vào Pháp theo làn sóng người tị nạn. Một số kẻ khủng bố cũng trà trộn vào nhóm này để reo rắc nỗi sợ hãi khắp châu Âu. Nước Pháp là nơi hứng chịu nhiều vụ khủng bố nhất. Người Pháp không còn niềm nở đón chào người di cư như trước nữa. Bên cạnh đó, tỉ lệ thất nghiệp dưới thời ông Francois Hollande cũng tăng cao khiến người dân bi quan vào nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này. Nhiều người đổ lỗi cho sự hội nhập châu Âu và tiến trình toàn cầu hóa đã cướp đi cơ hội của họ.

Chính lúc này, bà Marine Le Pen cùng đảng Mặt trận quốc gia đã xuất hiện, cam kết một nước Pháp đóng cửa để tự mình phát triển đã nhận được nhiều ủng hộ của người dân. Bà Le Pen là người đi đầu trong phong trào dân túy đang nổi lên trên toàn châu Âu. Bà Le Pen đã liên tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước vòng bầu cử thứ nhất cho đến khi ông Macron bất ngờ vượt lên vào tuần cuối cùng. Tại vòng hai cuộc bầu cử, bà Le Pen đã nhận được 10,5 triệu phiếu bầu, hơn nhiều so với con số 7,7 triệu ở vòng một của bà. Con số này cũng lớn hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm của đảng và cũng chính là cha của bà Le Pen – ông Jean Marie Le Pen. Có thể nói, bà Le Pen chính là đại diện cho khuôn mặt bi quan của nước Pháp.

Chính do sự khác nhau trong lý tưởng, bà Le Pen và ông Macron đã đưa ra hai đường lối vận động tranh cử hoàn toàn trái ngược. Trong cuộc bầu cử 2017, người ta đã phải chứng kiến một nước Pháp chia rẽ sâu sắc.


Ông Emmanuel Macron bước vào bảo tàng Louvre khi nhận được kết quả vòng bầu cử thứ hai (Ảnh: Le monde).

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại tại đó. Lần đầu tiên trong lịch sử, tỉ lệ phiếu trắng lên đến 9% số người đi bỏ phiếu, tương đương với 4 triệu người. Trong khi tỷ lệ người không đi bầu lên tới con số 25,38%. Tổng cộng, hơn 1/3 cử tri Pháp đã từ chối bầu ra một vị tổng thống mới. Khắp các trang mạng, người Pháp giăng khẩu hiệu “Không Macron cũng chẳng Le Pen” “Tôi không đi bầu hôm nay”. Có thể nói, 1/3 người dân Pháp không hài lòng với cả hai ứng viên. Nước Pháp không chỉ chia rẽ thành hai mà thành rất nhiều hướng.

Có lẽ một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Macron chính là chứng tỏ năng lực của bản thân. Tuy nhiên, điều này không phải dễ dàng khi cương lĩnh tranh cử của ông Macron rất tham vọng.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong dư luận Pháp hiện nay là liệu nước này có nên duy trì chế độ làm việc 35 giờ mỗi tuần hay không. Trong khi bà Le Pen và ứng viên đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất Jean-Luc Melenchon ủng hộ chương trình này, còn ứng viên đảng Cộng hòa Francois Fillon cho rằng, người Pháp cần làm 39 giờ một tuần, thì ông Macron tuyên bố: "Tất cả đều sai". Ông cho rằng các quy định về việc làm, trong đó có số giờ làm, cần phải được quyết định bởi giới chủ và công nhân thông qua đàm phán, chứ không phải giữa nhà nước và các nghiệp đoàn lớn. Hệ thống như vậy sẽ vừa tạo sự linh hoạt cho giới chủ, vừa không gây bất lợi cho công nhân, điều mà các hệ thống trước đây chưa làm được.

Tuy nhiên, chính sách của ông Macron sẽ giúp cho giới chủ dễ dàng sa thải nhân viên của mình hơn, cũng như không đảm bảo thời gian tái tạo sức lao động. Điều này có thể làm tổn thương tầng lớp trung lưu hoặc lao động chân tay.

Ông cũng có nhiều đề xuất lý tưởng nhưng khó lòng thực hiện khác. Ông muốn đầu tư 50 tỷ euro trong 5 năm để đầu tư cho dạy nghề, công nghệ xanh, hiện đại hóa hệ thống y tế, nông nghiệp, nền hành chính công và cơ sở hạ tầng. Ông muốn giảm thuế cho doanh nghiệp, hứa hẹn hãm đà tăng chi phí bảo hiểm y tế, cải cách bảo hiểm thất nghiệp và áp dụng công nghệ số cho các cơ quan nhà nước. Ông cũng muốn cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, chẳng hạn như đơn giản hóa quy trình xin giấy phép lái xe, vốn kéo dài tới một năm cùng khoản chi phí 3.000-4000 euro, khiến nhiều thanh niên không có bằng lái xe để đi làm ở xa.

Macron tin rằng, ông có thể xây dựng một nước Pháp mới mẻ mà không làm tổn thương đến ai. Tuy nhiên, xung đột lợi ích nhóm có thể sẽ ngăn cản vị tổng thống trẻ tuổi này.

Còn quá sớm để có thể vui mừng hay buồn rầu với sự thắng lợi của vị tổng thống 39 tuổi. Nhưng ít nhất, hiện tại, các nhà lãnh đạo thế giới có thể thở phào vì nước Pháp vẫn sẽ mở cửa..../.

Thu Thủy
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực